Ford gây tranh cãi khi đầu tư 3,5 tỷ USD xây nhà máy pin điện ở Mỹ, cùng sự hỗ trợ của nhà sản xuất Trung Quốc

Những căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian gần đây đã khiến động thái xây dựng nhà máy pin điện có sự giúp sức của ông lớn Trung Quốc - CATL của Ford gặp nhiều nghi ngại.

Theo Bloomberg, Ford Motor đang đầu tư 3,5 tỷ USD vào một nhà máy sản xuất pin xe điện ở Michigan (Mỹ). Bên cạnh đó, nhà máy này sẽ vận hành với công nghệ và sự hỗ trợ từ một nhà sản xuất pin Trung Quốc - Contemporary Amperex Technology Co. Limited (CATL).

Nhà máy của Ford tọa lạc gần Marshall, Michigan. Dự kiến sẽ có 2.500 công nhân làm việc và nhà máy này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025, sản xuất đủ pin để cung cấp năng lượng cho 400.00 xe điện/năm.

Nhà sản xuất ô tô Mỹ sẽ ký hợp đồng chia sẻ bí quyết về pin ông lớn pin xe điện CATL của Trung Quốc. Đơn vị Trung Quốc sẽ giúp thiết lập nhà máy và có nhân viên tại nhà máy mới của Ford. Nhà sản xuất xe hơi Mỹ cho biết họ sẽ sở hữu và vận hành nhà máy thông qua một công ty con.

Một robot đang làm việc trên nguyên mẫu xe tải F-150 Lightning chạy hoàn toàn bằng điện của Ford ở Dearborn, Mich. (Ảnh: Reuters).

“Ford có quyền kiểm soát quá trình sản xuất và lực lượng lao động,” Lisa Drake, phó giám đốc phụ trách công nghiệp hóa xe điện của Ford, cho biết trong một cuộc họp báo với các phóng viên.

Thỏa thuận giữa Ford và CATL diễn ra trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang sau vụ việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu cảu Trung Quốc. Bloomberg đưa tin nhà máy của Ford đang chịu phải những ngờ vực liên quan đến an ninh quốc phòng và hoạt động gián điệp.

 “Chúng tôi hy vọng thông qua thông báo trên phương tiện truyền thông để làm rõ Ford có quyền kiểm soát nhà máy và điều đó là rất rõ ràng", đại diện Ford cho biết. Tuyên bố này được đưa ra khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken có thể sẽ gặp gỡ nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị tại một hội nghị an ninh vào cuối tuần này.

Bà Lisa Drake cho biết nhân viên của CATL sẽ giúp lắp đặt thiết bị nhà máy để chế tạo pin, một số trong số đó sẽ đến từ Trung Quốc. Và một số nhân viên từ CATL sẽ làm việc tại nhà máy Michigan lâu dài vì Ford cần tới sự giúp đỡ của những nhân sự này.

Tại một buổi lễ công bố kế hoạch xây dựng nhà máy, Chủ tịch điều hành Bill Ford, người chắt của nhà sáng lập Henry Ford, đã mô tả mối quan hệ giữa Ford và nhà sản xuất pin Trung Quốc như một cách để thúc đẩy quyền tự chủ của người Mỹ trong việc chế tạo pin EV, hiện chủ yếu đến từ Châu Á.

Ông Bill Ford cho biết: “Việc sản xuất những loại pin này ở Mỹ sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với sự độc lập về pin. CATL sẽ giúp chúng tôi bắt kịp tốc độ để chúng tôi có thể tự chế tạo những loại pin này.

Đại diện hãng xe hơi Mỹ cho biết CATL đang cung cấp công nghệ cho pin lithium iron phosphate - loại pin ít tốn kém hơn và sẽ giúp dòng xe điện của Ford có giá cả phải chăng hơn. Tại Mỹ, đa phần pin LFP được nhập khẩu từ Trung Quốc. Tesla và Honda Motor đã ký kết hợp đồng với CATL để nhập khẩu pin LFP cho các mẫu xe điện của họ. 

Nhà máy tại Michigan sẽ là nhà máy đầu tiên ở Mỹ sản xuất pin LFP. Ford sẽ bắt đầu cung cấp pin LFP trong mẫu Mustang Mach-E vào cuối năm nay và xe bán tải plug-in F-150 Lightning vào năm tới.

Nhà máy Michigan sẽ có công suất hàng năm sản xuất 35 gigawatt giờ pin LFP, đủ để cung cấp nguồn điện cho 400.000 mẫu xe Ford mỗi năm, đại diện Ford cho biết. Con số này sẽ chiếm khoảng 1/5 sản lượng xe điện trong số 2 triệu xe mà Ford đang nhắm mục tiêu vào cuối năm 2026. Ford đang chi 50 tỷ USD để phát triển và chế tạo xe điện cho đến năm 2026.

Đại diện Ford cho rằng cách trang bị nhiều loại pin có giá cả phải chăng hơn cho các dòng sản phẩm điện của hãng, sẽ giúp nhà sản xuất ô tô đạt được doanh số bán hàng cần thiết để đạt được mục tiêu tỷ suất lợi nhuận 8% trên thu nhập trước lãi vay và thuế đối với xe điện vào năm 2026.

Ford hiện đang thua lỗ trên dòng sản phẩm EV của mình, điều này đã góp phần tạo ra báo cáo lợi nhuận đáng thất vọng vào năm ngoái và có khả năng sẽ dẫn đến tình trạng cắt giảm việc làm mở rộng.

Ford tin rằng pin được sản xuất tại nhà máy sẽ đạt chất lượng để được hoàn thuế sản xuất theo Đạo luật Giảm lạm phát được Quốc hội thông qua vào năm ngoái nhằm khuyến khích sản xuất xe điện và pin trong nước.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/ford-gay-tranh-cai-khi-dau-tu-35-ty-usd-xay-nha-may-pin-dien-o-my-cung-su-ho-tro-cua-nha-san-xuat-trung-quoc-202321416237629.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/