Fed tăng lãi suất mạnh nhất 22 năm, kinh tế Việt Nam chịu tác động ra sao?

Việc Fed tăng lãi suất mạnh nhất trong 22 năm trở lại đây và dự kiến giảm quy mô bảng cân đối kế toán bắt đầu từ tháng 6 tới sẽ ảnh hưởng ra sao đến kinh tế Việt Nam và tâm lý nhà đầu tư?

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 4/5 thông báo nâng lãi suất thêm 0,5%. Đây là lần đầu tiên Fed nâng lãi suất ở mức này. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện nằm trong khoảng 0,75% - 1%. Trước đó hồi tháng 3, cơ quan này nâng lãi lần đầu kể từ cuối năm 2018, với 0,25%.  

Việc tăng lãi suất dự kiến là một trong số những chính sách chính của Fed trong năm nay nhằm kiềm chế lạm phát tăng mạnh nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây. Ngoài nâng lãi, Fed cũng sẽ giảm quy mô bảng cân đối kế toán bắt đầu từ tháng 6 tới. 

 

 

VNDirect hạ nhẹ dự báo tăng trưởng kinh tế một phần do lo ngại việc Fed tăng lãi suất

Nói về ảnh hưởng của việc Fed nâng lãi suất với kinh tế vĩ mô Việt Nam, trong báo cáo hồi giữa tháng 4, CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng Fed thu hẹp bảng cân đối kế toán và tăng lãi suất điều hành nhanh hơn dự kiến có thể dẫn đến điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, làm thu hẹp dư địa để Việt Nam duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Fed dự kiến sẽ giảm lượng nắm giữ trái phiếu khổng lồ của mình ở mức tối đa là 95 tỷ USD mỗi tháng, bao gồm 60 tỷ USD Trái phiếu Kho bạc Mỹ và 35 tỷ USD chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp. Số tiền cắt giảm gần gấp đôi so với mức đỉnh 50 tỷ USD mỗi tháng khi Fed cắt giảm bảng cân đối kế toán trong giai đoạn năm 2017 tới 2019. 

Việc Fed nâng lãi suất cũng là một trong những yếu tố khiến VNDirect hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay.

"Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, giá hàng hóa leo thang và Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, chúng tôi quyết định hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 xuống mức 7,1% so với cùng kỳ (dự báo trước đó là 7,5%)", báo cáo cho biết. 

Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 5, VNDirect cũng cho rằng Fed thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn dự kiến là một trong những rủi ro đến thị trường chứng khoán và kinh tế Việt Nam. Khối phân tích nhấn mạnh việc thắt chặt mạnh hơn dự kiến có thể ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, bao gồm cả các thị trường phát triển và mới nổi. 

Trong khi đó, hồi giữa tháng 3, Chứng khoán ACB (ACBS) chỉ ra ba yếu tố giúp Việt Nam không chịu tác động lớn khi Fed tăng lãi suất. ACBS cho rằng việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước sẽ không bị nhiều tác động lớn đối với việc Fed tăng lãi suất nếu Việt Nam có thể tiếp tục duy trì lạm phát dưới 4%; dòng vốn FDI vào tiếp tục mạnh và hoạt động thương mại, đặc biệt là xuất khẩu tiếp tục duy trì ổn định.

"Thị trường không còn bất ngờ trước việc Fed tăng lãi suất. Việt Nam may mắn vì mở cửa muộn hơn"

Ở góc nhìn chuyên gia, tại chương trình "Bí mật đồng tiền" số 19 phát sóng ngày 4/5, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của CTCP Chứng khoán SSI cho rằng thị trường sẽ không còn những phản ứng bất ngờ trước việc Fed tăng lãi suất.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của CTCP Chứng khoán SSI trong chương trình "Bí mật đồng tiền" của VTV Digital. (Ảnh: BMĐT). 

Chuyên gia nhấn mạnh việc Fed tăng lãi suất 50 điểm thị trường đã kỳ vọng rồi, việc Fed giảm quy mô của bảng cân đối tài sản cũng đã được dự báo từ trước. Nếu có bất ngờ thì chỉ khi mức tăng lãi suất sẽ mạnh hơn, ví dụ như thay vì tăng 50 điểm phần trăm sẽ tăng 75 điểm phần trăm (nhưng điều này đã không xảy ra).

"Thứ ảnh hưởng đến thị trường nhiều hơn không phải là những con số mà sự kiện tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế vì trong lịch sử Fed thường có những dự báo không chính xác về lạm phát. Nói cách khác là Fed chưa có những đánh giá về tác động của chính sách tăng lãi suất.

Nếu có những ảnh hưởng mạnh hơn, xấu hơn như suy thoái thì đây chính là vấn đề thị trường đang lo ngại. Con số GDP quý I của Mỹ tăng trưởng âm càng làm cho vấn đề căng thẳng hơn và nhà đầu tư đang nghĩ về những tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực vào thời điểm này”, ông Hưng nhấn mạnh.   

"Việt Nam khá may mắn khi mở cửa muộn so với các quốc gia khác nên lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt, các gói kích thích kinh tế, tài khóa vẫn còn trong khi chẳng còn quốc gia nào triển khai gói trong nửa cuối năm. Việt Nam cũng được hưởng lợi nhất định khi ở giai đoạn khác của quá trình hồi phục", Kinh tế trưởng SSI nói thêm.  

Còn tại hội thảo "Kinh tế Việt Nam 2022 – Phục hồi kinh tế sau khủng hoảng COVID-19" do Trường Đại học Ngân hàng TP HCM tổ chức hồi đầu năm, ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Fulbright Việt Nam nói về kịch bản rất xấu với kinh tế Việt Nam khi Fed tăng lãi suất.

Chuyên gia nhắc lại một thông điệp của Fed gây sốc cho thị trường chứng khoán là nếu như giữa năm nay lạm phát Mỹ không có khả năng suy giảm, Fed sẽ tính luôn chuyện hút tiền về. 

Ông đánh giá đây là điều chưa có tiền lệ. Trước đây trong khủng hoảng toàn cầu, sau khi bơm tiền ra, Fed chỉ ngưng bơm tiền và tăng lãi suất. Nhưng lần này trước áp lực lạm phát, Fed đã đưa ra ý kiến này.

Nếu nhìn vào tác động, chuyên gia cho rằng khả năng cao Fed sẽ chưa hút tiền về, chỉ ngưng bơm tiền và tăng lãi suất. Ông đánh giá trong trường hợp này, thị trường tài chính vẫn sẽ chịu đựng được, và những điều chỉnh của thị trường chứng khoán vừa rồi đã tính đến điều này.

Nói về tác động đến Việt Nam, ông Thành đánh giá, kịch bản này sẽ không ảnh hưởng đến vấn đề tỷ giá cũng như lãi suất. Việt Nam vẫn sẽ giữ được mặt bằng lãi suất hiện nay, không phải điều chỉnh tăng lãi suất.

Ảnh hưởng thứ hai là đến dòng vốn đầu tư chứng khoán nước ngoài vào các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên theo ông, cũng không nên kỳ vọng có thể mở cửa bình thường mới lại đón được dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh, kể cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp trong bối cảnh lộ trình tăng lãi suất như vậy

"Việt Nam sẽ tốt hơn rất nhiều thị trường mới nổi, là không bị dòng vốn đảo chiều. Bao giờ Fed tăng lãi suất sẽ có hiện tượng dòng vốn đảo chiều, Việt Nam có thể không bị, nhưng cũng không nên kỳ vọng dòng vốn sẽ về", ông Thành nói.

Trong kịch bản thứ hai, ông Thành đánh giá là rất xấu, nếu như lạm phát cao, áp lực đến mức Fed vừa tăng lãi suất, vừa hút tiền về để giảm quy mô bảng cân đối tài sản, thì thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ chao đảo, và ảnh hưởng đến cả Việt Nam.

Chuyên gia nhận định Việt Nam vĩ mô có tốt đến đâu, có hỗ trợ kinh tế tốt đến đâu, mà kịch bản đó xảy ra thì chứng khoán cũng bị ảnh hưởng.

Trong khi đó,  TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia tại hội thảo "Nỗi lo lạm phát và Fed tăng lãi suất - Rủi ro hay cơ hội" do VNDirect tổ chức mới đây, cho rằng đa số những lần tăng lãi suất, chỉ số chứng khoán có biến động nhưng xu hướng vẫn tăng lên.  

 

 

 

 

"Đa số những lần tăng lãi suất, kể cả khi ngân hàng trung ương các nước thu hẹp chính sách tiền tệ, chỉ số chứng khoán có biến động nhưng xu hướng tăng lên. Vì khi đó người ta kỳ vọng kinh tế có vẻ đã ổn hơn, ngân hàng trung ương thật sự quan tâm đến vấn đề lạm phát và nhà đầu tư yên tâm hơn với động thái chính sách đó. Xu hướng thị trường chứng khoán vẫn tăng lên", ông nói.  

Về hiện tượng rút vốn, chắc chắn là có. Tuy nhiên với Việt Nam thì khả năng rút cũng không nhiều. Dù vậy ông đánh giá rủi ro địa chính trị có thể thay đổi hành vi của nhà đầu tư và người tiêu dùng. 

Hiện Việt Nam tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ổn định nhưng lãi suất huy động đầu vào bắt đầu tăng. Ông Lực khẳng định thời kỳ tiền rẻ không còn nữa.    

NHNN sẽ vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ít nhất đến hết quý II  

 

Trong báo cáo đánh giá liệu Việt Nam có thể ứng phó với tác động của “taper tantrum” (Fed cắt giảm chương trình nới lỏng định lượng, tăng lãi suất) của VNDirect, công ty dự báo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng ít nhất đến hết quý II để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. 

Bất kỳ hành động thắt chặt tiền tệ nào sẽ chỉ diễn ra sớm nhất là trong nửa cuối năm 2022 và mức độ tăng lãi suất (nếu có) sẽ rất hạn chế, chỉ ở mức 0,25-0,5%. 

Về thị trường tài chính, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) có thể tiếp tục bị hút ròng trong nửa đầu năm 2022 do ảnh hưởng của “taper tantrum”. 

Tuy nhiên, khối ngoại đã liên tục bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 năm trở lại đây khiến tác động của việc khối ngoại bán ròng sẽ ở mức vừa phải do thị trường đã có sự chuẩn bị từ trước. 

Về tỷ giá hối đoái đồng VND, việc cắt giảm các gói nới lỏng định lượng sắp tới có thể ít ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài (đặc biệt là đầu tư trực tiếp) vào Việt Nam trong năm 2022. Bên cạnh đó, đồng VND cũng được hỗ trợ mạnh bởi thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối tăng trong năm 2022. 

Do đó, VNDirect cho rằng việc các NHTW như Fed và ECB cắt giảm các gói nới lỏng định lượng sẽ ít tác động đến tỷ giá hối đoái đồng VND.  

 

 

 

 


Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/fed-tang-lai-suat-manh-nhat-22-nam-kinh-te-viet-nam-chiu-tac-dong-ra-sao-20225516457977.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/