|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

EU chật vật đi tìm nguồn cung năng lượng thay thế Nga

18:11 | 23/04/2022
Chia sẻ
Theo Reuters, Ủy ban châu Âu (EC) đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế nhằm hạn chế tác động tiêu cực nếu áp lệnh trừng phạt lên dầu mỏ, khí đốt của Nga.

Các lệnh trừng phạt mà EU dự định áp lên Nga bao gồm loại trừ ngân hàng Sberbank và Gazpromneft khỏi hệ thống ngân hàng SWIFT. Đây là hai ngân hàng cho vay lớn nhất của Nga hiện vẫn chưa bị loại khỏi hệ thống SWIFT.

Trước đó, hồi đầu tháng 3, EU công bố 7 ngân hàng bị loại khói hệ thống thanh toán quốc tế này bao gồm VTB, Otrkitie, Novikombank, Promsvyazbank, Rossiya, Sovcombank, và VEB.

Bên cạnh đó, EU dự định ngừng nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân từ Nga, cấm nhiều kênh tin tức của Nga và đưa thêm các cá nhân và công ty có liên quan đến Điện Kremlin vào danh sách đen… 

Hiện các biện pháp trừng phạt này chưa được đề xuất chính thức và các quốc gia đang có những quan điểm khác nhau về chúng.

Các nguồn tin cho biết EC vẫn chưa ấn định ngày đề xuất gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga. 

Tuy nhiên, giới chức EC đang tiến hành đánh giá chi phí thay thế dầu của Nga bằng nguồn từ nước khác. Một số nguồn tin cho biết EC đã thương thảo với các nước sản xuất dầu để có giá vừa phải.  

Nguồn tin giấu tên cho biết Brussels đang chuẩn bị đánh giá tác động đầy đủ của lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ. 

Theo hãng tin AP, mỗi ngày châu Âu phải trả 850 triệu USD tiền nhập khẩu năng lượng cho Nga, trong đó 450 triệu USD tiền dầu mỏ và 400 triệu USD khí đốt tự nhiên. Do đó, 27 nước thành viên nhận thấy rằng việc đảo lộn thông lệ hàng thập kỷ phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga không phải là một vấn đề đơn giản.

Xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt là nguồn ngoại tệ chính của Điện Kremlin và nhiều người trong EU đã kêu gọi chấm dứt thanh toán dầu mỏ vì chúng tài trợ cho xung đột ở Ukraine. Theo AP, trong giai đoạn 2011 - 2020, hai mặt hàng năng lượng này chiếm tới 43% nguồn thu ngân sách của Nga.

Nguồn tin cho biết thêm, Đức phản đối lệnh cấm vận dầu mỏ và đây không phải là nước duy nhất. Nhưng nếu nước này thay đổi quan điểm sẽ khiến các nước khác phải tuân theo. 

Chính phủ Đức cho biết họ đang nỗ lực dần dần chấm dứt nhập khẩu dầu thô của Nga trong năm nay nhằm tránh gây ra sự gián đoạn kinh tế lớn. Khoảng một phần ba lượng dầu thô của Đức đến từ Nga vào năm 2021.

Khí đốt cũng là một nguồn thu chính khác của Điện Kremlin, nhưng lệnh cấm đối với mặt hàng năng lượng này vẫn chưa được thảo luận ở cấp EU vì rất nhiều nước đang phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga. 

Thế nhưng việc cấm nhập khẩu khí đốt cũng không phải đơn giản bởi mặt hàng năng lượng này được vận chuyển chủ yếu bằng đường ống - vốn mất nhiều thời gian và tiền bạc để xây dựng. EU có thể tìm được nguồn cung dầu thô để thay thế bởi chúng được vận chuyển bằng tàu còn với khí đốt thì không hề đơn giản.

Do đó, lệnh cấm khí đốt vẫn đang bị bỏ ngỏ. Với những nước phụ thuộc nhiều khí đốt từ Nga như Đức thì lệnh cấm có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất công nghiệp và nhiều người sẽ thất nghiệp.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng việc cấm vận cả khí đốt tự nhiên và dầu mỏ của Nga có thể sẽ gây ra suy thoái ở châu Âu. Trước đó, EU đã thống nhất việc ngừng nhập khẩu than của Nga bắt đầu từ tháng 8, nhưng đó là một phần tương đối nhỏ trong các khoản thanh toán năng lượng cho Nga.

Nội bộ EU vẫn chưa thể thống nhất

Khi Ủy ban châu Âu trình gói trừng phạt thứ 5 cho phái viên của các nước thành viên EU vào ngày 6/4, các nước Baltic và Ba Lan đã thúc giục một lệnh cấm nhập khẩu dầu ngay lập tức bên cạnh các biện pháp do cơ quan điều hành EU đề xuất.

Tuy nhiên, đặc phái viên của Đức là một trong số những người phản đối thẳng thắn nhất. Vị này cho biết Đức có thể được xem xét ở vòng trừng phạt liên tiếp và phải được điều chỉnh cẩn thận. Bởi, các lệnh trừng phạt có thể ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Đức.

Người phát ngôn cho phái bộ của Đức tại EU không có bình luận gì.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nhiều lần cho biết EU đang xem xét lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga, nhưng chưa cho biết khi nào thì lệnh cấm này có thể được đề xuất và thông qua.

Đặc phái viên Đức nói trong cuộc họp ngày 6/4 rằng lệnh cấm nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân từ Nga có thể đưa vào phòng trừng phạt tiếp theo.

Các nước Đông Âu, bao gồm Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia, phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân của Nga để vận hành các lò phản ứng nguyên tử do Nga thiết kế tại các nhà máy điện.

Các nhà ngoại giao EU cũng đã yêu cầu biện pháp trừng phạt ngân hàng mới, bao gồm việc loại trừ Sberbank và Gazpromneft, hai ngân hàng Nga xử lý hầu hết các khoản thanh toán năng lượng cho Nga, khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Ngoài ra, một số nước cũng lên tiếng đề xuất việc cấm thêm các kênh tin tức của Nga, vốn bị cáo buộc phát tán thông tin sai lệch về xung đột Ukraine. Tuy nhiên, nhiều nước trong khối EU không ủng hộ đề xuất này. Hiện EU đã cấm hai kênh truyền hình của Nga là Russia Today and Sputnik.