Eo biển Hormuz - điểm nghẽn của ngành dầu mỏ toàn cầu

Eo biển Hormuz, tuyến đường thủy tương đối hẹp ở cửa vịnh Ba Tư và cũng là cửa ngõ kiểm soát 1/3 tổng lượng dầu mỏ thương mại của thế giới, hiếm khi vắng bóng khỏi các xung đột toàn cầu.

Từ đầu năm 2019, trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran với Mỹ và các đồng minh leo thang, Tehran đã bắt đầu nhắm đến các tàu buôn đi qua eo biển Hormuz. Tháng 1/2021, Iran bắt giữ một tàu chở dầu của Hàn Quốc đi qua "điểm nghẽn" này.

1. Eo biển Hormuz ở đâu?

Mang hình dạng giống chữ V ngược, tuyến đường thủy này nối vịnh Ba Tư với Ấn Độ Dương, với Iran ở phía bắc và UAE cùng Oman ở phía nam.

Theo Bloomberg, eo biển Hormuz dài khoảng 161 km và ở điểm hẹp nhất, eo biển nổi tiếng rộng khoảng 34 km. Các tuyến đường vận chuyển mỗi chiều chỉ rộng khoảng 3 km.

Eo biển Hormuz khá nông, khiến các tàu thuyền đi qua dễ bị dính mìn. Ngoài ra, do gần đất liền, đặc biệt là Iran nên các tàu chở dầu lớn có thể bị tên lửa phóng từ trên bờ tấn công hoặc bị lực lượng tuần tra hoặc trực thăng đánh chặn.

Eo biển Hormuz - điểm nghẽn của ngành dầu mỏ toàn cầu - Ảnh 1.

2. Vai trò của eo biển Hormuz là gì?

Eo biển Hormuz đóng vai trò quan trọng trong hoạt động buôn bán dầu mỏ toàn cầu. Năm 2020, các tàu chở dầu vận chuyển gần 12 triệu thùng dầu thô và khí ngưng tụ từ Arab Saudi, Iraq, Kuwait và UAE qua eo biển này mỗi ngày.

Bloomberg cho biết khoảng 1/4 nguồn cung khí hóa lỏng (LNG) của thế giới cũng đi qua eo biển Hormuz, nguồn cung chủ yếu đến từ Qatar.

3. Nước nào phụ thuộc vào eo biển Hormuz nhất?

Arab Saudi xuất khẩu nhiều dầu thô qua eo biển Hormuz nhất, dù ông lớn dầu mỏ này có thể vận chuyển hàng thông qua một đường ống dài 1.200 km kéo dài từ Arab Saudi đến một bến cảng trên Biển Đỏ.

Eo biển Hormuz - điểm nghẽn của ngành dầu mỏ toàn cầu - Ảnh 2.

Sau Arab Saudi, UAE, Iraq, Kuwait, Qatar và Bahrain lần lượt là các quốc gia phụ thuộc nhiều vào eo biển Hormuz nhất. Song, UAE có thể vận chuyển 1,5 triệu thùng dầu/ngày bằng đường ống dẫn từ các mỏ dầu đến cảng Fujairah trên vịnh Oman.

85% lượng dầu mỏ của Iraq đi qua eo biển Hormuz, phần còn lại được vận chuyển bằng đường biển từ cảng Ceyhan (ở Thổ Nhĩ Kỳ). Kuwait, Qatar và Bahrain không có lựa chọn nào khác ngoài vận chuyển dầu qua "điểm nghẽn" này.

4. Điều gì đang xảy ra tại eo biển Hormuz?

Hôm 4/1, Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã bắt giữ một con tàu chở hóa dầu mang cờ Hàn Quốc khi nó đi qua eo biển Hormuz đến UAE. Iran liên hệ vụ bắt giữ với khoản tiền tranh chấp 7 tỷ USD với Hàn Quốc. Do các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran, Hàn Quốc đang "giam lỏng" 7 tỷ USD của Iran tại các ngân hàng trong nước.

Một số tàu chở dầu khác cũng bị bắt giữ, bao gồm chiếc Stena Impero mang cờ Anh hồi giữa năm 2019. Iran cũng từng chiếm một tàu chở dầu nhỏ tại vịnh Oman vào tháng 8/2020 và bắn hạ một máy bay do thám của Mỹ bay qua eo biển Hormuz vào năm 2019.

Trong quá khứ, khá nhiều công ty đã tạm ngừng vận chuyển hàng qua tuyến đường thủy này vì lo ngại vấn đề an ninh.

5. Tại sao Iran gây gián đoạn hoạt động tại eo biển Hormuz?

Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào ngành dầu mỏ của Iran đã tác động xấu đến nền kinh tế vốn đã suy yếu từ năm 2018 của nước này. Bằng cách tấn công eo biển Hormuz, Iran cho thấy họ có đủ sức để đánh trả Mỹ và thúc đẩy ngành dầu mỏ trong nước.

Giá dầu tăng sẽ giúp Iran bù đắp các nguồn  thu hao hụt do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Ông Biden đã báo hiệu rằng ông muốn sử dụng quyền lực tổng thống để cải thiện quan hệ giữa Mỹ và Iran.

Tuy nhiên, căng thẳng lại leo thang khi Mỹ ám sát tướng cấp cao Qassem Soleimani hồi đầu năm 2020 và gần đây là một nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran.

Tháng 1/2021, Iran cho biết Mỹ nợ nước này 70 tỷ USD tiền bồi thường cho các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ và Tehran sẽ tăng cường hoạt động hạt nhân bằng cách làm giàu uranium.

6. Iran đã bao giờ đóng cửa eo biển Hormuz?

Iran chưa bao giờ thực sự đóng cửa eo biển Hormuz. Trong tranh chấp giai đoạn 1980 - 1988 giữa Iraq và Iran, phía Iraq đã tấn công một cảng xuất khẩu dầu tại đảo Kharg ở phía tây bắc eo biển này, một phần là để kích động Iran trả đũa nhằm kéo Mỹ vào cuộc xung đột.

Iran không cố đóng cửa eo biển Hormuz, song giữa hai đã nổ ra Chiến tranh tàu chở dầu khiến 451 con tàu bị kéo vào cuộc xung đột. Hệ quả là, chi phí bảo hiểm tàu chở dầu và giá dầu tăng đáng kể.

Khi Mỹ áp lệnh trừng phạt lên Iran vào năm 2011, đất nước Trung Đông này đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz, nhưng cuối cùng không thực hiện.

Các doanh nghiệp kinh doanh dầu mỏ nghi ngờ không biết Iran có muốn đóng cửa hoàn toàn eo biển Hormuz hay không, vì bước đi đó sẽ ngăn Iran xuất khẩu dầu mỏ ra nước ngoài. Hơn nữa, hải quân của Iran khó có thể sánh được với Hạm đội 5 của Mỹ và các lực lượng khác trong khu vực.

Hải quân Mỹ và các nước khác như Anh, Australia, Bahrain và UAE đã tham gia vào Tổ chức An ninh Hàng hải Quốc tế để đối phó với hành vi tấn công tàu chở dầu của Iran tại vùng Vịnh.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/eo-bien-hormuz-diem-nghen-cua-nganh-dau-mo-toan-cau-20210114153641475.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/