Đưa lợn ra đảo tránh dịch

Dịch tả lợn châu Phi hiện lan rộng đến 55 tỉnh, TP trên cả nước,đẩy nhiều giống lợn quý, lợn đặc sản trước nguy cơ bị mất đàn lợn giống,xóa sổ hoàn toàn.

avatar_1560387460963

Tỉnh Quảng Ninh đang tính đến việc đưa giống lợn Móng Cái đặc sản ra đảo để bảo vệ trước dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Lã Ngĩa Hiếu.

 Sơ tán lợn đi nhiều nơi  

Giải pháp bảo vệ giống rẻ nhất hiện nay là đối với đàn giống gốc phải xé nhỏ đàn, đưa đi nuôi giữ ít nhất ở 2 - 3 địa điểm khác nhau

Ông Nguyễn Văn Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 8.3 - 10.6, tỉnh này đã tiêu hủy gần 55.000 con lợn. Đáng chú ý, dịch tả lợn châu Phi đang là mối nguy khiến lợn Móng Cái có thể bị tuyệt chủng. Vừa chăm chú theo dõi đàn lợn tại trang trại, bà Phạm Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH MTV nông lâm ngư Quảng Ninh, cho biết: "Thời gian qua tôi như ngồi trên đống lửa bởi đơn vị tôi đang nuôi 2.000 con lợn, trong đó có hơn 200 con lợn giống Móng Cái. Nếu chẳng may dịch đến trang trại là chúng tôi thiệt hại hàng tỉ đồng". Mối lo của bà Dung là hoàn toàn có cơ sở bởi hiện nay tất cả huyện, thị xã, TP tại tỉnh Quảng Ninh đã công bố dịch bệnh nguy hiểm này.

 Tỉnh Quảng Ninh đã lên phương án đưa gần 1.700 con lợn Móng Cái đang được nuôi tại 5 doanh nghiệp (DN) ra các đảo Hòn Gạc (TP.Cẩm Phả, rộng khoảng 700 ha) và Thẻ Vàng (rộng 850 ha, thuộc H.Vân Đồn). Đây là các đảo không có người ở, cách đất liền khoảng 20 km, nguy cơ dịch lây lan không cao. Đầu tháng 6 vừa qua, Sở NN-PTNT Quảng Ninh đã cùng các DN đi khảo sát, nghiên cứu xây dựng khu chăn nuôi tại các đảo trên.

Ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và chăn nuôi tỉnh Quảng Ninh, cho biết phương án đưa lợn thuần chủng ra đảo sẽ được triển khai khi dịch bùng phát mạnh ở tình huống cấp bách. Quảng Ninh sẽ xây dựng một khu chăn nuôi đảm bảo các điều kiện an toàn trên các đảo rồi vận chuyển lợn bằng thuyền ra đảo. Tuy nhiên theo ông Đông, việc đưa đàn lợn này ra đảo đang gặp vướng mắc do các DN yêu cầu hỗ trợ kinh phí lên đến 10 tỉ đồng. "Toàn bộ đàn lợn thuần chủng này là của các DN nên họ phải chủ động bảo vệ tài sản của mình chứ, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần", ông Đông nói.

Cũng theo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, nếu không may dịch tả lợn châu Phi tấn công ra ngoài đảo, xóa sổ toàn bộ đàn lợn, thì ngoài việc lưu giữ tinh như hiện nay, cần phải lưu giữ được phôi để sau này nhân giống lại. Tuy nhiên, Quảng Ninh không đủ năng lực để thực hiện việc này và đang kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ.

 Nguy cơ mất lợn đặc sản

TS Võ Văn Sự, Chủ nhiệm Chi hội Động vật quý hiếm VN (Hội Chăn nuôi VN), cho biết cả nước hiện có hàng chục giống lợn đặc sản quý hiếm, nhiều loại nằm trong diện phải bảo tồn. TS Sự nhìn nhận, ý tưởng đưa lợn ra đảo tránh dịch của tỉnh Quảng Ninh cũng là cách để bảo vệ giống lợn Móng Cái một cách tự nhiên khi môi trường ở đảo có sự ngăn cách tự nhiên, cách ly với đất liền. Còn đối với giải pháp lưu trữ tinh và phôi các giống lợn thì không khả thi khi điều kiện khoa học công nghệ ở VN còn hạn chế và chi phí cho việc lưu trữ, bảo tồn này rất tốn kém.

Lào Cai, nơi còn lưu giữ giống lợn đen Mường Khương là đặc sản nổi tiếng vùng Tây Bắc, cũng đứng trước mối lo mất giống lợn này khi "bão" dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành trong tỉnh. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, cho biết giống lợn quý hiếm này được nuôi rải rác trong dân tại nhiều xã ở H.Mường Khương và may mắn là dịch chưa lan đến nơi này. Cũng ở H.Mường Khương hiện có một DN nuôi giữ đàn giống lợn này, được bảo vệ nghiêm ngặt bằng cách cấm người, phương tiện ra vào trại lợn; phun thuốc khử trùng chuồng trại hằng ngày để phòng dịch. Nhưng với số lợn nuôi trong dân thì công tác bảo vệ gặp nhiều khó khăn khi đa số được nuôi chăn thả bán tự nhiên. "Dù đã cố gắng hết sức, nhưng nguy cơ lây nhiễm dịch là rất cao. Ở các xã đang nuôi lợn đen, chúng tôi đề nghị chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ, tuyệt đối không cho lợn từ nơi khác vận chuyển vào địa bàn, mục tiêu là phải lưu giữ và bảo tồn được giống lợn quý", ông Tuấn nói.

Còn ông Nguyễn Văn Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), lưu ý các đảo dự kiến đưa lợn đến tránh dịch cần phải được kiểm soát chặt chẽ người lên đảo và tuyệt đối không có hoạt động du lịch. Vừa qua, đảo Cô Tô (Quảng Ninh) ghi nhận có dịch tả lợn châu Phi và hoạt động du lịch ở đây rất sôi động cũng có thể là nguồn vi rút phát tán, lây lan. Ông Trọng nhấn mạnh, các giống như lợn Móng Cái, lợn Hương ở Quảng Ninh hay lợn đen Mường Khương (Lào Cai) và hàng chục giống lợn đặc sản khác đều là những sản phẩm đặc sản quý hiếm, có tính đặc trưng địa phương thì UBND các tỉnh, TP phải có trách nhiệm lưu giữ, bảo tồn trước nguy cơ tuyệt chủng do dịch tả lợn châu Phi.

Theo ông Trọng, Cục Chăn nuôi mới có văn bản gửi các địa phương, yêu cầu triển khai tối đa các biện pháp nhằm bảo vệ bằng được các đàn giống gốc đặc sản. "Giải pháp bảo vệ giống rẻ nhất hiện nay mà Cục Chăn nuôi yêu cầu các địa phương triển khai là đối với đàn giống gốc phải xé nhỏ đàn, đưa đi nuôi giữ ít nhất ở 2 - 3 địa điểm khác nhau, đề phòng dịch "nổ" ở nơi này thì còn giữ giống được ở nơi khác. Đối với các tỉnh có điều kiện về kinh tế thì tổ chức lấy tinh, phôi để lưu trữ trong vòng 3 năm", ông Trọng nói.

TP.HCM khẩn cấp ứng phó chống dịch tả lợn châu Phi

Dịch lan đến huyện vùng cao Quảng Nam, Kiên Giang

Trước tình hình TP.HCM phát hiện ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Q.9, ngày 12.6, bác sĩ Lê Minh Hải, Phó trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP đã ký và phát đi công văn gửi 24 quận huyện về việc tăng cường các biện pháp khẩn cấp trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi - ứng phó tình huống 3.
Theo kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi do UBND TP ban hành thì có 3 tình huống. Tình huống 3 được triển khai khi bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại các hộ chăn nuôi trên địa bàn TP. Biện pháp ứng phó tình huống này là tiêu hủy lợn bệnh, lợn tiếp xúc mầm bệnh; khoanh vùng ổ dịch; kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm thịt lợn. TP sẽ hỗ trợ tài chính cho người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy theo quy định tại Nghị định 02/2017 của Chính phủ.
Chiều 12.6, ông Nguyễn Đăng Chương, Trưởng phòng NN-PTNT H.Nam Giang (Quảng Nam), xác nhận ổ dịch tả lợn châu Phi vừa xuất hiện tại TT.Thạnh Mỹ và xã Tà Bhing, với 30 con lợn dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi và được địa phương tiêu hủy.
Còn ông Đào Hữu Hiền, Trưởng phòng NN-PTNT H.Kiên Hải (Kiên Giang), cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy đàn lợn 73 con của 2 hộ dân ở xã Nam Du và Hòn Tre thuộc huyện này bị dịch tả lợn châu Phi.
Cùng ngày, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay, 15 ngày sau khi UBND H.Hải Lăng công bố hết dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, dịch bệnh đã tái phát ở thôn Mỹ Chánh (xã Hải Chánh).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dua-lon-ra-dao-tranh-dich-20190613080336446.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/