Đưa hộ kinh doanh vào luật: Vì sao vẫn chưa thống nhất?

Chính phủ cho rằng đưa quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp sẽ có tác động tích cực đến khu vực này, nhưng Ủy ban Kinh tế của Quốc hội còn nhiều lo lắng.

Đưa hộ kinh doanh vào luật: Vì sao vẫn chưa thống nhất? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Được Quốc hội thảo luận lần đầu tại kỳ họp cuối năm 2019, dự kiến thông qua tại kỳ họp giữa năm nay, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đang được lấy ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách để tiếp tục hoàn thiện.

Một trong những điểm mới của lần sửa đổi này là Chính phủ đề xuất đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật. Cơ quan thẩm tra (Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) không nhất trí. Qua nhiều vòng thảo luận, ý kiến đại biểu vẫn chưa nghiêng hẳn về bên nào.

Tại dự thảo báo cáo giải trình vừa gửi đến các vị đại biểu chuyên trách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Chính phủ giữ đề xuất luật hóa hộ kinh doanh và cho rằng, nội dung về hộ kinh doanh trong dự thảo luật không phải là mới.

Cụ thể, ngay từ Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và năm 2014 đã có điều khoản quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, xét về bản chất thì việc quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự thảo luật lần này chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về hộ kinh doanh. Việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo luật cũng sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.

Nhưng có ý kiến khác (gồm ý kiến của Ủy ban Kinh tế - PV) đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.

Vì, xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi luật, chứ không thể quy định bằng nghị định.

Việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp.

Hộ kinh doanh được coi là một hình thức kinh doanh khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty TNHH và công ty cổ phần. Những quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo Luật chỉ mới giải quyết được việc kiểm soát, quản lý nhà nước đối với hộ kinh doanh, mặt khác có thể làm tăng rủi ro, tăng chi phí đối với thành lập và hoạt động của hộ kinh doanh; bên cạnh đó chưa có quy định tạo thêm quyền tự do kinh doanh, tăng độ an toàn kinh doanh, tạo thêm thuận lợi cho hộ kinh doanh.

Vì vậy, việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo Luật dẫn đến phải mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cho một chủ thể mới và phải bổ sung đầy đủ các nội dung tương tự như quy định từ Chương 1 đến Chương 8 của Luật Doanh nghiệp hiện hành, bao gồm từ quyền thành lập, quyền và nghĩa vụ, trình tự, thủ tục thành lập, hồ sơ đăng ký, cơ quan cấp đăng ký và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý hộ kinh doanh, dừng, chấm dứt hoạt động, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh... ngay trong Luật Doanh nghiệp.

Các ý kiến không đồng ý còn phân tích: Số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn. Vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tương tự như các hợp tác xã quy định tại Luật Hợp tác xã, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh.

Trước đó, trong phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng băn khoăn rằng, dự kiến đưa vào luật quy định cho 2,5 đến 3 triệu hộ công thương, là tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh thương mại dịch vụ thôi. Vậy còn 10 triệu hộ nông dân thì tính thế nào, có quản lý được theo luật này hay không?

Sau phiên họp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không chốt phương án nào mà trình bày cả hai loại ý kiến để xin ý kiến đại biểu.

Tương tự như việc có cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ hay không, nếu quan điểm còn khác nhau thì rất có thể việc có luật hoá quy định hộ kinh doanh hay không sẽ phải tách riêng lấy ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi thông qua toàn bộ dự án luật.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dua-ho-kinh-doanh-vao-luat-vi-sao-van-chua-thong-nhat-20200407223754982.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/