Dù vốn FDI và kiều hối đổ mạnh, thị trường bất động sản TP HCM 5 tháng đầu 2018 vẫn sụt giảm

Không chỉ thu hút tốt FDI 5 tháng đầu năm, thị trường bất động sản TP HCM còn thu hút rất mạnh nguồn kiều hối gửi về nước. Tuy nhiên, HoREA cho hay, thị trường địa ốc nơi đây lại đang có dấu hiệu sụt giảm so với cùng kỳ 2017.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có báo cáo về thực trạng và giải pháp phát triển thị trường bất động sản đáp ứng yêu cầu hội nhập giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, HoREA cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2018, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào bất động sản tại TP.HCM đạt 216,3 triệu USD.

Tính đến hết năm 2017, toàn thành phố có 7.372 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 45 tỷ USD. Các nguồn vốn FDI vào thị trường bất động sản là từ Nhật Bản, Hàn quốc, Singapore, Hồng Kông, Đài Bắc, Mỹ và gần đây là Trung Quốc.

du von fdi va kieu hoi do manh thi truong bat dong san tp hcm 5 thang dau 2018 van sut giam
Dù vốn FDI và kiều hối đổ mạnh, thị trường bất động sản TP HCM 5 tháng đầu 2018 vẫn sụt giảm. Ảnh: Internet.

Theo HoREA, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản có xu thế tăng dần trong những năm gần đây. Thị trường bất động sản thường giữ vị trí thứ 3 trong việc thu hút vốn FDI và giữ vai trò quan trọng khi bổ sung thêm nguồn vốn cho doanh nghiệp trong xu thế các ngân hàng thương mại đang dần hạn chế cấp tín dụng bất động sản.

Nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng mạnh nguồn vốn FDI vào thị trường bất động sản trong quá trình hội nhập, theo HoREA chủ yếu là 2 nguyên nhân sau:

Thứ nhất, Nhà nước đã thay đổi chính sách, pháp luật về đầu tư, kinh doanh bất động sản, nhà ở. Cụ thể đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư kinh doanh bất động sản tương tự nhà đầu tư trong nước; nhà đầu tư nước ngoài được tham gia vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đặc biệt là chính sách cho cá nhân nước ngoài sau khi nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam, được mua và sở hữu nhà ở tại các dự án nhà ở thương mại ngoài khu vực bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Thứ hai là Việt Nam giữ vững ổn định chính trị, kinh tế đang tăng trưởng vững chắc, nhiều doanh nghiệp Việt có năng lực và uy tín thương hiệu, đặc biệt là tầng lớp trung lưu đang gia tăng mạnh, dự kiến chiếm 50% dân số trong 10 năm tới. Tuy nhiên, cũng do độ mở cao của nền kinh tế nước ta trước tác động của nền kinh tế toàn cầu, nhất là một số nước lớn, nên sắp tới cần phải có chính sách thích hợp để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài, và tiếp tục thu hút được nguồn vốn FDI phục vụ sự phát triển của kinh tế đất nước và thị trường bất động sản.

Không chỉ thu hút tốt FDI, thị trường bất động sản TP HCM còn thu hút rất mạnh nguồn kiều hối gửi về nước. Trong khi mức kiều hối trung bình cả nước hàng năm ở mức trên dưới 10 tỷ USD, thì chỉ riêng TP. HCM đã chiếm khoảng 50%, trong đó có khoảng 21% đầu tư vào bất động sản.

Dù vốn FDI và kiều hối đổ mạnh vào thị trường bất động sản TP HCM 5 tháng đầu năm, tuy nhiên, theo HoREA, thị trường bất động sản TP trong hơn 5 tháng đầu năm lại có biểu hiện sụt giảm so với cùng kỳ năm 2017.

HoREA đưa ra có dẫn chứng, số liệu cho thấy thị trường sụt giảm như: Tổng số dự án đủ điều kiện huy động vốn đưa ra thị trường là 29 dự án giảm 9,4% so với 32 dự án đã đưa ra thị trường cùng kỳ năm 2017;

Tổng số căn nhà đưa ra thị trường là 9.174 căn (gồm có 8.690 căn hộ chung cư và 484 căn nhà thấp tầng), giảm 44,5% so với 16.506 căn cùng kỳ năm 2017, trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp có 3.828 căn, giảm 25,9% so với 5.164 căn cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, tỷ lệ căn hộ cao cấp lại chiếm đến 41,8% thị trường, tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2017 (chiếm 31,3%);

Phân khúc căn hộ trung cấp có 3.465 căn, giảm 32,6% so với 5.136 căn cùng kỳ năm 2017. Tỷ lệ căn hộ trung cấp chiếm 37,7% thị trường, cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 (chiếm 31,1%);

Phân khúc căn hộ bình dân có 1.881 căn, giảm mạnh đến 69,7% so với 6.206 căn cùng kỳ năm 2017. Tỷ lệ căn hộ bình dân chỉ chiếm 20,5%, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm 2017 (chiếm 37,6%).

Nguồn thu ngân sách thành phố từ đất tăng hàng năm, chiếm tỷ trọng khoảng 10% tổng nguồn thu, như: Năm 2015, thu tiền sử dụng đất đạt 10.669 tỷ đồng; Năm 2016, thu tiền sử dụng đất khoảng 12.000 tỷ đồng; Năm 2017, thu hơn 21.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 9,5%; Hơn 05 tháng đầu năm 2018, đã thu 8.811,8 tỷ đồng tiền sử dụng đất, đạt 60,7% tổng dự toán, tăng 0,75%, đã thu 2.013,4 tỷ đồng tiền thuê đất, đạt 36,6% dự toán, giảm 16,9% so với cùng kỳ.

Nguồn vốn tín dụng vào thị trường bất động sản thành phố đã tăng từ năm 2015 đến nay, như: Năm 2015, đạt khoảng 140.000 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng dư nợ; Năm 2016, đạt khoảng 150.000 tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng dư nợ; Năm 2017, đạt khoảng 180.000 tỷ đồng, chiếm 10,7% tổng dư nợ; Hơn 5 tháng đầu năm 2018, đạt khoảng 202.000 tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng dư nợ (cao hơn mức bình quân cả nước).

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/du-von-fdi-va-kieu-hoi-do-manh-thi-truong-bat-dong-san-tp-hcm-5-thang-dau-2018-van-sut-giam-57563.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/