Dự luật 1.900 tỷ USD còn chưa được soạn thảo, Quốc hội Mỹ vừa bỏ phiếu về việc gì?

Quốc hội Mỹ vừa trải qua một phiên họp và bỏ phiếu căng thẳng liên quan tới đề xuất cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden. Tuy vậy, dự luật chi tiêu khổng lồ này vẫn chưa được soạn thảo và dự kiến phải mất 2-4 tuần nữa mới được chính thức thông qua.

Quốc hội Mỹ vừa thông qua cái gì?

Suốt đêm 4/2 vừa qua (theo giờ Mỹ), các thượng nghị sĩ đã bàn bạc và thông qua hàng chục khoản mục trong đề cương điều chỉnh ngân sách trong năm tài khóa 2021.

Khoảng 5h30 sáng 5/2, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu về việc áp dụng quy trình điều chỉnh ngân sách. Kết quả biểu quyết hòa nhau 50-50, hoàn toàn khớp với phân chia số ghế mà hai đảng Dân chủ - Cộng hòa nắm giữ.

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 1 của Hiến pháp Mỹ, Phó Tổng thống – đồng thời là Chủ tịch Thượng viện – bình thường không có quyền biểu quyết nhưng nếu kết quả bỏ phiếu ở Thượng viện hòa nhau, Phó Tổng thống sẽ là người ra quyết định cuối cùng.

Và đúng như dự đoán, bà Kamala Harris – phó tướng của Tổng thống Joe Biden – đã ủng hộ phe mình, giúp Đảng Dân chủ chiến thắng sít sao 51-50.

Quy trình điều chỉnh ngân sách mà Đảng Dân chủ vừa thông qua sẽ cho phép Thượng viện nhanh chóng phê chuẩn đề xuất cứu trợ của ông Biden.

Nói một cách ví von thì trước đây, đề xuất cứu trợ của ông Biden đi trên làn đường chậm, xe cộ chen chúc. Hiện nay, đề xuất này được đưa vào đường cao tốc rộng thênh thang, có thể được thông qua nhanh chóng. Tuy nhiên, phải nói rõ rằng gói cứu trợ này vẫn chưa được phê chuẩn chính thức, giống như chiếc xe vẫn đang đi trên đường chứ chưa tới đích.

Dự luật 1.900 tỷ USD còn chưa được soạn thảo, Quốc hội Mỹ vừa bỏ phiếu về việc gì? - Ảnh 1.

Ông Biden ngày 15/12/2020, trước khi nhậm chức Tổng thống Mỹ. (Ảnh: Getty Images).

Chiều 5/2, Hạ viện bỏ phiếu thông qua các khoản mục trong đề cương điều chỉnh ngân sách mà Thượng viện đồng ý trước đó, kết quả là 219 phiếu thuận – 209 phiếu chống. Cũng giống như ở Thượng viện, không có nghị sĩ Đảng Cộng hòa nào ngả theo Đảng Dân chủ.

Những lợi ích khi đi "đường cao tốc"

Hai tác dụng chính của việc áp dụng quy trình điều chỉnh ngân sách là 1) không cần sự hợp tác của đảng Cộng hòa và 2) rút ngắn thời gian bàn bạc.

Mỗi năm, lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ thảo luận và thông qua một nghị quyết ngân sách, quy định rõ nguồn thu, mức chi, và thâm hụt (hoặc thặng dư) của ngân sách chính phủ trong năm tài khóa đó. Nghị quyết này được tự động áp dụng sau khi Quốc hội phê chuẩn mà không cần tổng thống ký ban hành.

Trong quá trình thực thi, Quốc hội có thể điều chỉnh nghị quyết ngân sách này.

Một dự luật thông thường đòi hỏi phải được tối thiểu 3/5 (tức là 60%) số thượng nghị sĩ ủng hộ mới được thông qua. Tuy nhiên quy trình điều chỉnh ngân sách chỉ cần đa số quá bán, ở đây là 51/100.

Đảng Dân chủ và Tổng thống Joe Biden không thể thuyết phục được 10 nhà lập pháp đối lập về phe mình để đạt được tỷ lệ ủng hộ 3/5 nhằm phê chuẩn một dự luật thông thường.

Do vậy, quy trình điều chỉnh ngân sách là cơ hội duy nhất để ông Biden thúc đẩy đề xuất cứu trợ khổng lồ của mình. Nếu hai đảng hòa nhau 50-50, Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Thượng viện Kamala Harris sẽ bỏ phiếu ủng hộ Đảng Dân tương tự như bà đã làm vào sáng 5/2.

Gói cứu trợ 1.900 tỷ USD chưa được thông qua, Quốc hội Mỹ vừa bỏ phiếu về việc gì? - Ảnh 2.

Bà Kamala Harris và ông Joe Biden. (Ảnh: Getty Images).

Một dự luật thông thường có thể bị cản trở vô thời hạn bằng thủ tục filibuster, tức là các nghị sĩ đối lập sẽ thay phiên nhau đăng đàn phát biểu liên tục để không cho Thượng viện bỏ phiếu.

Với quy trình điều chỉnh ngân sách, thời gian thảo luận ở Thượng viện không được quá 20 giờ.

Bước tiếp theo là gì?

Mỗi ủy ban của Quốc hội sẽ chịu trách nhiệm soạn thảo dự luật điều chỉnh ngân sách dành cho các chương trình thuộc quyền quản lý của mình, chẳng hạn như Bảo hiểm y tế (Medicare), Hỗ trợ y tế cho người già (Medicaid), chính sách hưu trí cho viên chức và quân nhân liên bang, chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung (SNAP, hay tem phiếu thực phẩm), …

Riêng ngân sách của chương trình An sinh Xã hội (Social Security) là không được phép điều chỉnh.

Nếu nhiều ủy ban phải điều chỉnh ngân sách thì các dự luật riêng rẽ sẽ được gửi về cho Ủy ban Ngân sách để tổng hợp lại thành một dự luật chung.

Dự luật điều chỉnh ngân sách sau đó sẽ được đưa ra thảo luận và biểu quyết ở lưỡng viện. Quá trình bàn thảo ở Thượng viện không được kéo dài quá 20 tiếng. Thời gian thương lượng giữa hai viện không được quá 10 tiếng.

Đôi khi Thượng viện bỏ qua quá trình lập pháp bình thường ở các ủy ban và thay vào đó đợi Hạ viện làm xong rồi đưa dự luật mà Hạ viện đã thông qua ra để thảo luận và biểu quyết. Lần gần đây nhất Thượng viện Mỹ điều chỉnh ngân sách theo cách này là vào năm 2017 với mục đích bãi bỏ phần lớn Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Obamacare).

Sau khi lưỡng viện bỏ phiếu đồng ý áp dụng quy trình điều chỉnh ngân sách hôm 5/2/2021, các ủy ban liên quan sẽ bắt đầu quá trình soạn thảo các điều khoản chi tiết từ thứ Hai ngày 8/2.

Vì còn chưa được soạn thảo nên chắc chắn không có chuyện đề xuất cứu trợ của ông Biden được thông qua.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết Hạ viện sẽ phê chuẩn dự luật điều chỉnh ngân sách trong vòng hai tuần tới. Đảng Dân chủ muốn ban hành chính thức gói cứu trợ nghìn tỷ USD trước ngày 14/3 – thời điểm mà chương trình trợ cấp thất nghiệp bổ sung hết hạn.

"Dập tắt đại dịch và mang hỗ trợ đến cho người dân Mỹ là nhiệm vụ được ưu tiên cao nhất và khẩn cấp nhất của chúng ta", bà Pelosi viết trong bức thư gửi tới các Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa ngày 5/2.

Ông Biden muốn gì?

Hồi giữa tháng 1, tức vài ngày trước khi chính thức nhậm chức tổng thống, ông Biden đã công bố đề xuất giải cứu tài khóa tổng trị giá 1.900 tỷ USD bao gồm các khoản mục:

- Trực tiếp phát tiền mặt 1.400 USD cho mỗi người dân. Tháng 12/2020, Quốc hội và Tổng thống Trump đã phê chuẩn việc phát 600 USD/người. Như vậy tổng cộng mỗi công dân Mỹ được nhận 2.000 USD.

- Tăng mức lương tối thiểu liên bang lên 15 USD/ giờ.

- Tăng trợ cấp thất nghiệp liên bang từ 300 lên 400 USD/tuần, kéo dài đến hết tháng 9.

- Kéo dài thời hạn hoãn siết nợ và tịch thu nhà với những người vay mua nhà nhưng không  trả được, kéo dài đến hết tháng 9.

- 350 tỷ USD để hỗ trợ chính quyền các bang và địa phương.

- 170 tỷ USD để hỗ trợ các trường từ mầm non đến hết trung học phổ thông cũng như các cơ sở giáo dục cấp cao hơn.

- 50 tỷ USD để xét nghiệm COVID-19.

- 20 tỷ USD cho chương trình vắc xin quốc gia, do chính phủ liên bang hợp tác cùng chính quyền các bang, địa phương và bộ lạc bản xứ.

- Hoàn lại toàn bộ Phúc lợi Thuế Trẻ em của năm nay và tăng mức phúc lợi lên 3.000 USD/trẻ, nếu trẻ dưới 6 tuổi thì được 3.600 USD.

Ngày 5/2, Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng khẳng định ông muốn hành động nhanh chóng để ban hành gói cứu trợ nêu trên.

Gói cứu trợ 1.900 tỷ USD chưa được thông qua, Quốc hội Mỹ vừa bỏ phiếu về việc gì? - Ảnh 3.

Tổng thống Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 5/2/2021. (Ảnh: AP).

Trong suốt thời gian tranh cử cũng như ở bài phát biểu nhậm chức, ông Biden đều nhấn mạnh sự đoàn kết và tuyên bố muốn hợp tác với các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa. Tuy nhiên lần này, ông sẵn sàng phớt lờ đảng đối lập để đổi lấy việc gói cứu trợ được thông qua một cách nhanh nhất có thể.

"Tôi chứng kiến vô vàn sự đau thương trên khắp nước Mỹ. Rất nhiều con dân Mỹ đang mất việc, đói ăn, tuyệt vọng, hàng đêm thao thức nhìn trần nhà tự hỏi 'Ngày mai mình sẽ làm gì?'", ông Biden nói về tình cảnh của người dân.

"Vì vậy tôi sẽ hành động quyết đoán. Tôi rất muốn hợp tác cùng Đảng Cộng hòa, tôi đã gặp các nghị sĩ Đảng Cộng hòa, có những người rất tốt, muốn làm điều gì đó cho đất nước. Tuy nhiên các nghị sĩ này vẫn không sẵn sàng làm điều mà chúng tôi mong đợi", vị Tổng thống Mỹ thứ 46 nói.

Những điểm nào gây tranh cãi?

Năm ngoái, Quốc hội Mỹ và Tổng thống Trump đã ban hành tổng cộng khoảng 4.000 tỷ USD kích thích tài khóa. Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Michael Burgess cho rằng chính phủ Mỹ vẫn chưa tiêu hết số tiền trên và đặt câu hỏi: "Tại sao đột nhiên Quốc hội lại phải vội vàng thông qua gói cứu trợ gần 2.000 tỷ USD nữa?".

Cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers – đồng thời là cố vấn kinh tế thời Tổng thống Obama – cũng cho rằng đề xuất của ông Biden là quá lớn và sẽ gây ra "áp lực lạm phát" nghiêm trọng cũng như "đe dọa giá trị của đồng USD và ổn định tài chính".

Trả lời phỏng vấn CNN, ông Jared Bernstein – một thành viên trong Hội đồng cố vấn kinh tế của ông Biden cho rằng nhận định của ông Summers "sai lầm một cách khá trầm trọng".

Bản thân Tổng thống Biden cho rằng đề xuất của ông không chỉ nhằm mục đích hỗ trợ người dân và nền kinh tế trong đại dịch trước mắt mà còn "giúp cải thiện sức khỏe kinh tế và tính cạnh tranh của nước Mỹ trong dài hạn".

Một nhóm 10 nghị sĩ Đảng Cộng hòa đề nghị chi 618 tỷ USD, tức chưa đầy 1/3 mong muốn của ông Biden. Đảng Cộng hòa cho rằng chỉ nên phát tiền mặt 1.000 USD/người thay vì 1.400 USD như dự kiến của ông Biden.

Trong bài phát biểu ngày 5/2, Tổng thống Mỹ khẳng định chắc chắn: "Tôi sẽ không giảm giá trị tấm séc hỗ trợ, chắc chắn phải là 1.400 USD, chấm hết".

Tuy nhiên ông Biden đã phát đi tín hiệu sẵn sàng thỏa hiệp về việc thu hẹp đối tượng được nhận hỗ trợ, có thể là căn cứ theo tiêu chí thu nhập. Trong một cuộc phỏng vấn với CBS, ông Biden nói: "Tầng lớp trung lưu rất cần được giúp đỡ. Nhưng những người thu nhập 300.000 hay 250.000 USD mỗi năm thì đâu cần được giúp".

Nói cách khác, việc thắt chặt điều kiện nhận trợ cấp tiền mặt sẽ giúp ông Biden giảm quy mô chung của gói hỗ trợ xuống dưới 1.900 tỷ USD mà không hoàn toàn phá vỡ lời hứa 1.400 USD/người.

Đề xuất nâng mức lương tối thiểu liên bang lên 15 USD/giờ cũng rất khó trở thành hiện thực. Chính Tổng thống Mỹ cũng thừa nhận: "Tôi nêu ra đề xuất nâng lương tối thiểu nhưng có lẽ nó sẽ không sống sót qua cửa ải Quốc hội. Tôi đoán là nó sẽ không được các ủy ban đưa vào dự luật để biểu quyết".

Tuy Đảng Dân chủ chỉ cần đa số quá bán là có thể thông qua quy trình điều chỉnh ngân sách ở Thượng viện nhưng trong nội bộ Đảng Dân chủ cũng có những người phản đối việc nâng lương tối thiểu, cụ thể như Thượng nghị sĩ Joe Manchin của bang West Virginia.

Ông Biden dự định sẽ tách đề xuất lương 15 USD/giờ ra thành một dự luật riêng và sẽ tìm cách thông qua sau. "Những ai làm việc 40 giờ một tuần đều không đáng phải sống dưới ngưỡng nghèo. Nếu thu nhập của bạn thấp hơn 15 USD/giờ thì tức là bạn đang sống trong nghèo khổ", Tổng thống Mỹ nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/goi-cuu-tro-1900-ty-usd-chua-duoc-thong-qua-quoc-hoi-my-vua-bo-phieu-ve-viec-gi-20210207124016061.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/