Dự báo xu hướng lãi suất năm 2020

Mặt bằng lãi suất năm 2020 được dự báo sẽ giữ được sự ổn định và khó có khả năng tăng thêm so với cuối năm 2019.

Một năm 2019 nhiều biến động của lãi suất 

Mặt bằng lãi suất Việt Nam đã trải qua một năm 2019 đầy biến động trước sự ảnh hưởng của cả yếu tố trong nước và quốc tế.

Trong 9 tháng đầu năm, lãi suất huy động liên tục được các ngân hàng đẩy lên cao; đặc biệt là tại các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân nhỏ trước áp lực cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng các qui định về hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II và lộ trình giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của NHNN.

Theo đó, tính đến cuối tháng 9, lãi suất huy động tiền gửi tại một số ngân hàng đã tăng lên mức 9%/năm; trong khi lãi suất chứng chỉ tiền gửi cũng nhanh chóng vượt qua 10%/năm.

Đà tăng của lãi suất huy động chỉ bắt đầu hạ nhiệt từ giữa tháng 10, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông báo cắt giảm lãi suất điều hành 0,25 điểm % và Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách tháng 9.

Trong những tháng tiếp theo, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục xu hướng đi xuống nhất là sau động thái giảm trần lãi suất huy động tiền gửi tại các kì hạn ngắn và lãi suất cho vay một số lĩnh vực của NHNN.

Dự báo xu hướng lãi suất năm 2020  - Ảnh 1.

Theo số liệu của SSI Research ghi nhận vào cuối tháng 11, lãi suất huy động kì hạn dưới 6 tháng dao động trong khoảng 4,1 - 5.0%/năm, từ 6 đến dưới 12 tháng trong khoảng 5,5 - 7,5%/năm và từ 12 - 13 tháng là 6,4 - 7,9%/năm.

Tính chung cả năm 2019, lãi suất huy động các kì hạn ngắn dưới 6 tháng có mức dao động không quá lớn trong thậm chí giảm sau quyết định áp trần lãi suất huy động 5,0%/năm của NHNN. Đối với các kì hạn trên 6 tháng, lãi suất huy động nhìn chung ở mức tương đương cùng kì năm 2018.

Trong khi đó, mặt bằng chung của lãi suất cho vay tiếp tục duy trì ổn định trong năm 2019. Thậm chí lãi suất cho vay tối đa với một số lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế được điều chỉnh giảm nhằm mục tiêu hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Dự báo xu hướng lãi suất năm 2020  - Ảnh 3.

Nguồn: SSI Research

Lãi suất năm 2020 sẽ diễn biến như thế nào?

Dự báo xu hướng lãi suất năm 2020  - Ảnh 4.

TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Viện Kinh tế Tài chính, mặt bằng lãi suất trong năm 2020 nhiều khả năng sẽ duy trì được sự ổn định do tăng trưởng kinh tế có thể thấp hơn kéo theo nhu cầu về vồn cũng giảm xuống. Bên cạnh đó, việc NHNN cắt giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn xuống 5%/năm cũng sẽ giúp cải thiện nguồn tiền gửi dài hạn.

"Trong năm 2020, tác động từ qui định giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ là không lớn và đã được thị trường phản ánh trong năm 2019. Bên cạnh đó, tỷ giá và lạm phát được dự báo sẽ không biến động mạnh cũng sẽ hỗ trợ sự ổn định của lãi suất", TS. Nguyễn Đức Độ chia sẻ.

Nói sâu hơn về ảnh hưởng của yếu tố lạm phát tới mặt bằng lãi suất, vị chuyên gia này cho rằng xu hướng tăng của lạm phát trong những tháng gần đây chủ yếu do giá thịt lợn trong khi lạm phát cơ bản vẫn ở mức thấp và ổn định xung quanh 2%. Trong thời gian tới, khi nguồn cung thịt lợn được bình thường hóa thì lạm phát sẽ ổn định trở lại và dự báo năm 2020 sẽ vẫn ở mức dưới 4%.

"Mặt bằng lãi suất trong năm 2020 sẽ ổn định ở mức cao bởi so với lạm phát khoảng 3,5%/năm (+/- 0,5%) thì lãi suất huy động tiền gửi kì hạn 1 năm ở mức 8%/năm vẫn đảm bảo một lãi suất thực khá tốt", ông Độ nhận định.

Dự báo xu hướng lãi suất năm 2020  - Ảnh 5.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng.

Dự báo về xu hướng lãi suất trong năm 2020, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng mặt bằng lãi suất trong thời gian tới có thể giảm sau một loạt động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt là qui định hạ trần lãi suất huy động ngắn hạn xuống mức 5%/năm. 

"Tuy nhiên, khả năng giảm của lãi suất trong năm 2020 cũng không thật sự chắc chắn và phụ thuộc vào những biến động của các nhân tố nội tại trong nước và quốc tế", ông Hiếu nhận định.

Dưới góc độ của một đơn vị tư vấn đầu tư, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định lãi suất năm 2020 nhiều khả năng sẽ ổn định, không tăng thêm so với cuối năm 2019. 

"Mặt bằng lãi suất huy động nói chung sẽ vẫn duy trì ở mức như hiện tại, khó có khả năng giảm sâu tại các ngân hàng chưa đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vốn", BVSC dự báo.

Mặt khác, mặt bằng lãi suất huy động còn chịu ảnh hưởng từ lộ trình giảm dần tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 40% hiện nay về mức 30% kể từ ngày 1/10/2022.

Ngoài ra, BVSC cho rằng thách thức lớn cho chính sách tiền tệ năm 2020 đến từ xu hướng bật tăng trở lại của lạm phát.

Dù CPI có thể sẽ không tăng cao lên mức quá rủi ro nhưng cũng là một trở ngại khiến nhà điều hành khó mạnh tay trong việc cắt giảm thêm các loại lãi suất điều hành như trần lãi suất huy động, lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất tín phiếu…, nhất là trong nửa đầu năm 2020.

"Trong kịch bản lạm phát hạ nhiệt dần trong nửa cuối năm 2020, NHNN sẽ có dư địa để xem xét cắt giảm các loại lãi suất điều hành nếu tăng trưởng GDP chậm lại đáng kể", nhóm phân tích BVSC nhận định.

Có quan điểm tích cực hơn BVSC, bộ phận phân tích của CTCK SSI (SSI Research) cho rằng sau tín hiệu dừng hạ lãi suất của Fed và làn sóng nới lỏng tiền tệ trên thế giới, xu hướng giảm lãi suất trở lên rõ nét hơn ở Việt Nam sau các động thái mạnh mẽ từ NHNN.

Với dự báo lạm phát sẽ hạ nhiệt nhanh sau Tết nguyên đán, SSI Research nhận định lãi suất huy động có thể tiếp tục được định hướng giảm tiếp 0,5% - 1% từ đó kéo giảm lãi suất cho vay.

Trong đó, các kì hạn dài trên 12 tháng sẽ giảm chậm hơn do các qui định về tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và vẫn có sự phân hóa lãi suất giữa các nhóm NHTM lớn và nhỏ.

"Với qui định mới này, các NHTM nhà nước vốn dĩ có nguồn vốn dồi dào nhưng đầu ra tín dụng sẽ bị hạn chế hơn do các qui định về an toàn vốn và tỷ lệ LDR. Trong khi đó, các NHTM cổ phần còn dư địa để gia tăng tín dụng, do đó có thể sẽ chấp nhận mức lãi suất huy động cao hơn", SSI Research dự báo.

Theo qui định tại Thông tư 22, từ ngày 1/1/2020, giới hạn tỉ lệ cấp tín dụng so với huy động (LDR) của các NHTM sẽ được thống nhất ở mức 85% thay vì áp dụng mức 90% với các NHTM nhà nước, 80% với NHTM tư nhân và nước ngoài.

Theo số liệu của SSI Research, tại 30/9/2019, hệ số LDR của nhóm các NHTM nhà nước là 91.47% và của các NHTM cổ phần là 84.6%.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/du-bao-xu-huong-lai-suat-nam-2020-20191231120904726.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/