Dự báo Fed sớm kết thúc chu kỳ thắt chặt: Tác động tích cực thấy rõ nhưng điều lo ngại với kinh tế là gì?

Về khả năng Fed dừng tăng lãi suất, nhận định tác động đến kinh tế Việt Nam, chuyên gia cho rằng có thể nhìn thấy khá rõ tác động tích cực, khi điều này góp phần làm giảm áp lực lên tỷ giá, lãi suất. Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý đến một số lo ngại.

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hôm 22/3 thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 25 điểm cơ bản (0,25%), đúng như dự báo của thị trường. Lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện vào khoảng 4,75-5%, mức cao nhất kể từ tháng 9/2007. 

Cuộc họp tăng lãi suất vừa rồi của Fed diễn ra trong bối cảnh ngành ngân hàng toàn cầu rơi vào hỗn loạn khi một số ngân hàng taị Mỹ phải đóng cửa, đại gia ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse bị mua lại.

Sau sự kiện này, dự báo Fed sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất càng được củng cố thêm. Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, nhiều khả năng Fed sẽ phải điều chỉnh kế hoạch tăng lãi suất theo hướng tăng ít hơn và có thể dừng lại trong quý II năm nay.

 

 

Fed sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất, có thể do lo ngại về suy thoái toàn cầu 

Về khả năng Fed dừng tăng lãi suất, nhận định tác động đến kinh tế Việt Nam, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng có thể nhìn thấy khá rõ tác động tích cực, khi điều này góp phần làm giảm áp lực lên tỷ giá, lãi suất. "Nếu như năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải đau đầu vì vấn đề tỷ giá, thì hiện tại áp lực đã giảm đi khá nhiều". 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP HCM đánh giá việc Fed dừng tăng lãi suất sẽ tạo dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam chuyển từ thắt chặt sang mở rộng.

"Quan trọng là chỉ báo tỷ giá, hiện nay, VND có xu hướng tăng so với USD tạo tín hiệu tốt để cho NHNN tiếp tục mua dự trữ ngoại hối và đồng thời bơm tiền ra cho nền kinh tế", ông Huân nói.   

Về tác động tiêu cực, theo các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), cần phải hiểu rõ lý do đằng sau của việc Fed sớm kết thúc chu trình tăng lãi suất này, liệu có phải do lo ngại về cuộc suy thoái toàn cầu. 

Thị trường đang dự báo Fed giảm lãi suất từ năm nay. Đây sẽ là tín hiệu Fed nhận thấy nguy cơ suy thoái đang đến gần.

VDSC cho rằng các nền kinh tế phát triển và mới nổi sẽ thấm dần tác động của môi trường lãi suất cao, dần dần bộc lộ những yếu kém vốn được che giấu trong giai đoạn tiền rẻ. Khi đó, bức tranh tăng trưởng kinh tế cũng như tâm lý nhà đầu tư trên thị trường tài chính Việt Nam sẽ bị tác động tiêu cực. 

Hiện, các chỉ số kinh tế của Việt Nam đang ngấm dần hệ quả của đợt tăng lãi suất năm ngoái, tăng trưởng quý I cũng được dự báo sẽ thấp hơn quý IV/2022.

Lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu đang chịu ảnh hưởng nặng nhất khi đều ghi nhận sụt giảm mạnh tính chung hai tháng đầu năm. Nguyên nhân chính do cầu bên ngoài yếu, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ hay châu Âu triển vọng kinh tế kém tích cực.  

Với khối doanh nghiệp, theo ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, "trong quý I, chúng ta sẽ chứng kiến sự sụt giảm tăng trưởng rõ ràng hơn, không những đến từ khối doanh nghiệp sản xuất mà đến từ cả nhóm ngân hàng, chứng khoán. Độ trễ của chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ phản ánh rõ nét vào nền kinh tế trong quý đầu tiên của năm này".

Việc NHNN giảm lãi suất điều hành trước khi cuộc họp của Fed diễn ra được đánh giá là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay, định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Tuy nhiên, mặt khác động thái này của NHNN cũng tồn tại những mặt trái cần phải nhìn nhận. CEO WiGroup cho hay Việt Nam phải giảm lãi suất trước các ngân hàng trung ương khác vì kinh tế của chúng ta đang thể hiện sự suy yếu nhanh và sớm hơn phần đông còn lại. 

Ông Báu cũng cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang bị phụ thuộc vào nguồn vốn giá rẻ khi giai đoạn 2019-2022 đã được duy trì nền lãi suất rất thấp để chống chọi với COVID-19 nhưng khi NHNN tăng 2% lãi suất điều hành trong thời gian qua thì rất nhiều vấn đề đã xảy ra.

Do đó, với nền lãi suất lãi suất điều hành nhìn chung thấp như hiện tại chúng ta sẽ không còn nhiều dư địa để sử dụng công cụ lãi suất điều hành trong tương lai để kích thích nền kinh tế.

Việt Nam có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành trong tháng 7  

Với những diễn biến từ Fed và thế giới, nhiều chuyên gia dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành. Theo quan điểm của ông Lê Quang Chung, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Smart Invest, xu hướng lãi suất được kỳ vọng sẽ có những điều chỉnh tốt, đặc biệt trong bối cảnh tỷ giá khá ổn định như hiện nay.

Ông nhấn mạnh giảm lãi suất là xu hướng chung của thế giới, không chỉ riêng Việt Nam trong thời gian tới. Hiện có hai mối lo lớn hơn là nguy cơ giảm phát và suy thoái, thay vì lo lắng về lạm phát sau khi xảy ra sự kiện sụp đổ một số ngân hàng vừa qua.  

Đồng quan điểm, ông Quản Trọng Thành,  Giám đốc Khối Phân tích Maybank Investment Bank cho rằng lãi suất của Fed sẽ đạt đỉnh vào tháng 6, cùng với việc USD không thể mạnh lên được nữa, áp lực điều hành tỷ giá của Việt Nam sẽ giảm, NHNN sẽ có không gian để hạ lãi suất.

Nếu Fed hạ tốc độ tăng lãi suất, NHNN cũng có thể tính toán việc giảm lãi suất điều hành xuống nhanh hơn dự kiến. Theo dự báo của ông, việc giảm lãi suất điều hành có thể sẽ xảy ra vào tháng 7. Nếu diễn biến trên diễn ra nhanh hơn, việc cắt giảm lãi suất điều hành có thể xảy ra sớm hơn, ngay trong tháng 5, tháng 6 tới.    

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/du-bao-fed-som-ket-thuc-chu-ky-that-chat-tac-dong-tich-cuc-thay-ro-nhung-dieu-lo-ngai-voi-kinh-te-la-gi-2023328164919362.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/