|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dragon Capital chật vật đầu tư 2019, VinaCapital bẻ lái sang PE và trái phiếu

14:49 | 14/12/2019
Chia sẻ
Mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam có sự hồi phục trong năm 2019 sau khi giảm sâu trong năm 2018, hai quĩ đầu tư lớn nhất là VEIL và VOF đang chật vật đầu tư, minh chứng bằng việc hiệu suất thấp hơn đáng kể so với VN-Index.

Quĩ lớn nhất TTCK Việt Nam do Dragon Capital có thể chấm dứt chuỗi 4 năm chiến thắng VN-Index liên tiếp

Tuần giao dịch (9 - 13/12) khép lại, thị trường chứng khoán Việt Nam có phần tích cực hơn so với tuần trước đó khi VN-Index tăng nhẹ gần 3 điểm. Trước đó, VN-Index liên tục giảm điểm sau khi vượt ngưỡng kháng cự tâm lí 1.000 điểm. 

Diễn biến có phần kém khả quan của thị trường trong hai tháng cuối năm đã tác động không nhỏ đến hiệu suất đầu tư của các quĩ đầu tư trên thị trường.

Minh chứng bằng việc quĩ lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam là Vietnam Enterprise Investments Limited (VEIL) đang đứng trước nguy cơ chấm dứt chuỗi 5 năm chiến thắng VN-Index liên tiếp khi còn 12 phiên giao dịch nữa để kết thúc năm 2019

Theo dữ liệu được người viết cập nhật từ Bloomberg, kết thúc ngày 13/12, hiệu suất đầu tư của quĩ VEIL đạt 2,41% tính từ đầu năm 2019. 

Trong tháng 11, tăng trưởng của quĩ VEIL đạt 0,82%, cao hơn so với tháng trước đó nhưng đánh dấu kết quả thấp nhất trong ba năm trở lại đây. Tháng 11/2017, hiệu suất của quĩ VEIL đạt mức ấn tượng với 8,69%, cao nhất kể từ thời điểm đó đến nay.

VEIL3

Hiệu suất đầu tư tháng của quĩ VEIL trong 4 năm gần đây. Nguồn: Bloomberg

Được biết, quĩ đóng này thuộc nhóm Dragon Capital quản lí này tham chiếu VN-Index. Những gì mà quĩ VEIL đạt được kể từ đầu năm đến ngày 13/12 đang thua xa so với hiệu suất 8,57% của VN-Index.

Đáng lưu ý, kết quả như hiện nay đánh dấu việc quĩ VEIL đứng trước nguy cơ chấm dứt chuỗi 4 năm chiến thắng VN-Index liên tiếp. Trước đó, quĩ này có 4 năm đạt hiệu suất đầu tư cao hơn so với VN-Index. 

VEIL

Hiệu suất đầu tư của VEIL tính đến ngày 5/12. Nguồn: VEIL

Giai đoạn 2015 - 2017, hiệu suất đầu tư của VEIL liên tục tăng mạnh từ 5,59% lên 60,09%. Tỉ lệ tăng trưởng của quĩ đã cao hơn đáng kể so với mức tăng 52,75% của VN-Index trong năm 2017.

Ngay cả trong năm 2018 đầy biến động, quĩ VEIL cũng "chiến thắng" VN-Index với việc ghi nhận mức giảm 7,08%, thấp hơn so với con tỉ lệ giảm 9,45% của thị trường chung.

Việc chấm dứt chuỗi 4 năm ghi nhận kết quả tốt hơn thị trường chung của quĩ VEIL phần nào cho thấy rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang không mấy dễ dàng "kiếm tiền" ngay cả với các quĩ đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp.

VEIL2

Top10 cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn nhất danh mục đầu tư của quĩ VEIL tính đến ngày 5/12. Nguồn: VEIL

Trở lại câu chuyện đầu tư của quĩ VEIL, dữ liệu thống kê tại ngày 5/12, giá trị tài sản ròng của quĩ này là 1,476 tỉ USD (tương đương 34.110 tỉ đồng), là quĩ đầu tư lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Danh mục của quĩ này đang phân bổ chủ yếu vào hai nhóm ngành chính là Bất động sản (chiếm 28,57%) và Ngân hàng (24,18%).

Về cổ phiếu cụ thể, MWG, VHM và KDH là ba mã đang chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của quĩ VEIL với 10,4%, 8,33% và 7,01%. Ngoài ra, Top10 mã chiếm tỉ trọng lớn nhất danh mục còn có các cổ phiếu khác như ACB, MBB, HPG, FPT, DXG, SAB, VIC. Trong tháng 11 vừa qua, việc tăng giá mạnh của VHM, HPG góp phần giữ NAV của quĩ VEIL không giảm sâu.

Quĩ lớn thứ hai TTCK Việt Nam do VinaCapital quản lí cũng không mấy khả quan, bẻ lái sang kênh đầu tư PE và trái phiếu

Cùng tình cảnh với quĩ VEIL, quĩ lớn thứ hai thị trường chứng khoán Việt Nam là VinaCapital Vietnam Opportunity Fund (VOF) do VinaCapital quản lí cũng có kết quả đầu tư không mấy khả quan kể từ đầu năm đến nay.

Dữ liệu được tổng hợp tại Bloomberg tính đến 13/12, hiệu suất đầu tư của quĩ VOF đạt 0,23% kể từ đầu năm đến nay. Lợi suất này khiến nhà đầu tư không đủ đề trả chi phí quản lí quĩ. Trước đó, quĩ VOF trải qua tháng 11 tồi tệ nhất trong 4 năm gần đây đồng thời đánh dấu mức thấp nhất của quĩ VOF kể từ tháng 5.

VÒ

Hiệu suất đầu tư tháng của quĩ VOF trong 4 năm gần đây. Nguồn: Bloomberg

Kết quả đầu tư kém khởi sắc trong tháng 11 khiến quĩ VOF đưa ra bình luận trong báo cáo tháng: "không có niềm vui nghỉ lễ sớm trên thị trường chứng khoán Việt Nam".

So với quĩ VEIL, quĩ VOF có phần kém may mắn hơn khi không nắm giữ các cổ phiếu tăng giá mạnh trong năm nay như MWG, VIC, FPT, VHM. Thay vào đó, các cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn trong danh mục của quĩ VOF đã liên tục giảm giá kể từ đầu năm nay như HPG, CTD, VNM.

Khó khăn hơn trong đầu tư cổ phiếu, gần đây, quĩ VOF phân bổ danh mục đầu tư vào cổ phần tư nhân (Private Equity - PE). Thông tin có được, quĩ này sẽ giải ngân khoảng 60 triệu USD (tương đương 1.430 tỉ đồng) vào PE và kì vọng sẽ nâng tỉ trọng lên trên 20%. 

Thận trọng hơn, tính đến 30/11, quĩ VOF đang phân bổ khoảng 3,6% danh mục gần 920 triệu USD vào tài sản an toàn là trái phiếu.

Những phân tích trên đang cho thấy kênh đầu tư cổ phiếu đang trở nên khó khăn hơn ngay cả với các quĩ đầu tư lớn thị trường chứng khoán Việt Nam. Việc quĩ chuyên "đánh game"  nâng hạng Tundra Vietnam Fund bị rút ròng như đề cập trong các bài viết trước đó đã phần nào minh chứng rõ nét hơn. 

Trong bối cảnh đó, các quĩ ETF lại liên tục hút ròng trên thị trường giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng tiền ETF, hơn so với một số thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines. Người viết trở lại phân tích rõ hơn trong bài phân tích tổng quan về dòng tiền ETF trong năm 2019.

Phan Quân