Dòng vốn khu vực Asean đã chảy

Đến năm 2020 khi Cộng đồng kinh tế Asean đi vào hoạt động trong đó họ có yêu cầu tự do hóa di chuyển về lao động trong ngành tài chính giữa các quốc gia, tạo cơ hội đưa người lao động nước ta ra nước ngoài hành nghề thì phải tự mình đổi mới.

Cuối tuần qua, Sở GDCK Hà Nội đã tổ chức phiên họp Tổng Giám đốc các Sở GDCK ASEAN lần thứ 25 với sự tham dự của CEO 10 Sở GDCK ASEAN. HNX với vai trò chủ nhà đã có các sáng kiến đề xuất để hợp tác các Sở GDCK ASEAN có những hoạt động thực tiễn hỗ trợ TTCK Việt Nam phát triển.

Bên cạnh đó, 42 CTCK Việt Nam và 33 CTCK ASEAN cũng đã kết nối gặp gỡ song phương (1 on 1) trong Chương trình kết nối các CTCK ASEAN (Asean Broker Networking), sự kiện quốc tế quan trọng về TTCK lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam.

Bên lề hội nghị, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Vũ Quang Trung, phó Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội về các kết quả đạt được sau buổi họp.

dong von khu vuc asean da chay

Thưa ông, HNX đã đăng cai tổ chức sự kiện Giám đốc các Sở giao dịch chứng khoán Asean, kết quả đạt được sau cuộc họp này là gì?

Ông Nguyễn Vũ Quang Trung: Phiên họp thường niên các Tổng giám đốc Sở GDCK Asean được tổ chức định kỳ đã đưa ra nhiều giải pháp. Nhóm công tác các sở GDCK Asean (BWG) gồm 18 thành viên đã họp thảo luận với 2 nhà cung cấp chỉ số quốc tế FTSE và MSCI về việc phát triển bộ chỉ số chỉ số chung toàn khu vực ASEAN MSCI. Ngoài ra các Sở GDCK Asean còn thảo luận các vấn đề liên quan trong chương trình hành động 2016-2020 của Diễn đàn thị trường vốn Châu Á (ACMF), cập nhật tiến độ công tác IT, thảo luận việc đăng tải các báo cáo nghiên cứu của các thị trường lên website chung Asean, các vấn đề tổ chức các chương trình quảng bá ở nước ngoài, thảo luận kế hoạch quảng bá chung 2017… Một số giải pháp đã đi vào thực tế, một số giải pháp còn đang nghiên cứu nhưng tựu chung hướng đến mục tiêu xây dựng thị trường vốn chung Asean trong một nền kinh tế Asean thống nhất.

Trình độ phát triển của các thị trường trong khu vực không đồng đều, làm thế nào tạo ra khối thịnh vượng chung có lợi cho tất cả các bên thưa ông?

Đúng là có sự khác biệt tương đối lớn giữa các nước Asean. Có những nền kinh tế phát triển theo hướng quốc tế hóa như Singapore, có những nước phát triển mạnh như Thái Lan, Malaysia nhưng cũng có các nước chưa phát triển như Lào, Campuchia, Myanmar. Sự khác biệt này là cơ hội để các SGDCK và cơ quan quản lý ngồi lại với nhau, trao đổi kinh nghiệm giữa các nước có TTCK phát triển với các nước chưa phát triển. Bên cạnh đó cũng tạo ra cơ hội đa dạng hóa đầu tư cho các CTCK và các NĐT tại các quốc gia phát triển có thể mang dòng vốn của mình đến đầu tư tại các nước chưa phát triển. Điều này có thể gây khó khăn lúc ban đầu. Tuy nhiên việc đưa ra các chính sách chung, nền tảng kỹ thuật chung sẽ tạo cơ hội cho xây dựng thị trường Asean thành một tài sản chung để thu hút vốn nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường quốc tế. Nếu tất cả các nước đều giống nhau thì NĐT nước ngoài chỉ cần đầu tư vào 1 nước, trong khi hiện tại TTCK Asean đang tạo ra cơ hội để thu hút vốn Châu Âu, Nhật Bản, từ Hoa Kỳ và các khu vực khác trên thế giới.

Với vai trò chủ nhà, Sở GDCK Hà Nội đã đưa ra các sáng kiến gì thưa ông?

Mục tiêu đầu tiên của chúng tôi khi đăng cai tổ chức chương trình này là kết nối các CTCK Asean và CTCK trong nước. Thứ hai là tạo cơ hội cho Tổng giám đốc các Sở GDCK gặp nhau để tìm cơ hội hợp tác trong thời gian tới. TTCK của chúng ta hiện vẫn đang ở mức biên (frontier market) và chúng ta đang phấn đấu nâng hạng lên thị trường mới nổi (emerging marking). Chúng ta còn thiếu nhiều yếu tố như công bố thông tin, quản trị công ty cũng như tiêu chuẩn người hành nghề ở VN vẫn đang ở mức trung bình thấp.

Căn cứ vào kế hoạch phát triển thị trường 2020 của Hội nghị cơ quan quản lý chứng khoán (ACMF), chúng tôi dựa trên kế hoạch này kiến nghị làm thế nào đa phương hóa hỗ trợ nhau quản trị công ty, minh bạch hóa thông tin, làm thế nào các DN Việt Nam đạt được mặt bằng chung tại Asean đặc biệt là công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Đến năm 2020 khi Cộng đồng kinh tế Asean đi vào hoạt động trong đó họ có yêu cầu tự do hóa di chuyển về lao động trong ngành tài chính giữa các quốc gia, tạo cơ hội đưa người lao động nước ta ra nước ngoài hành nghề thì phải tự mình đổi mới, tự thay đổi và học tập theo các nước Asean. Chúng ta cũng mở cửa để cho các lao động Malaysia, Singapore, Thái Lan… vào nước ta hành nghề một cách bình đẳng. Chúng ta có thể tiếp tục duy trì bảo hộ nhưng nếu mở cửa thì khó khăn càng ngày càng không thể vượt qua.

Đây chỉ là những ý tưởng ban đầu, để hiện thực hóa nó các tổ công tác của thị trường chứng khoán Asean phải ngồi nghiên cứu đưa ra lộ trình, nếu được các Tổng giám đốc phê duyệt và được sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý thì mới đưa vào hiện thực.

Việc công bố thông tin của DN trong nước còn yếu, làm thế nào khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam công bố thông tin bằng tiếng Anh thưa ông?

Nếu xét về công bố thông tin bằng tiếng Việt chúng ta không quá khó khăn so với nước ngoài vì các Sở giao dịch đều có hệ thống công bố thông tin tự động. Làm thế nào để tăng ý thức của Dn niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn, các nhà đầu tư phải đòi hỏi quyền lợi công bố thông tin, chất lượng công bố thông tin tốt hơn. Chúng tôi hy vọng thời gian tới các DN không chỉ công bố theo quy định của pháp luật mà công bố thông tin tự nguyện các thông tin ảnh hưởng tới thị trường.

Việc công bố thông tin bằng tiếng Anh, các nước Asean đã phát triển họ cho rằng tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nên họ sẵn sàng rồi còn chúng ta hiện tại mới chỉ ở mức khuyến khích các DN chủ động công bố các thông tin quan trọng ảnh hưởng đến thị trường bằng tiếng Anh. Quy chế thông tin của 2 Sở khuyến khích DN tự đặt ra cho mình mục tiêu thời điểm nào các DN sẵn sàng công bố thông tin bằng tiếng Anh.

Về kết quả của cuộc gặp kết nối các CTCK Asean ra sao thưa ông?

Đây là lần thứ ba chương trình kết nối các CTCK Asean được tổ chức. Lần thứ nhất tổ chức tại Thái Lan, lần thứ 2 tại Indonesia và đây là lần thứ ba và cũng là lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội. Quy mô lần này lớn hơn rất nhiều, có 30 CTCK lớn đến từ các nước Asean và 43 CTCK trong nước tham dự. Chúng tôi đã bố trí một hoạt động tương đối mới là cuộc gặp song phương (1 on 1), tức là một CTCK của ta gặp 1 CTCK của bạn. Có hơn 70 cuộc gặp song phương đã diễn ra, và có nhiều số lượng đăng ký vượt quá khả năng phục vụ của Sở. Điều này chứng tỏ các CTCK Asean quan tâm đến TTCK Việt Nam và các CTCK trong nước đã có thể có khả năng tham gia kinh doanh ở nước ngoài. Đây cũng là cơ hội cho các CTCK Việt Nam tự soi lại mình để có thể cạnh tranh với các CTCK trong khối Asean.

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện.

Theo Hoàng Ly

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dong-von-khu-vuc-asean-da-chay-4381.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/