Đồng USD chạm mức cao nhất hai thập kỷ sau dữ liệu về lạm phát

Đồng USD chạm mức cao nhất trong hai thập kỷ vào ngày 12/5, giữa bối cảnh biên độ thu hẹp lạm phát của Mỹ thấp hơn dự kiến của thị trường trong tháng 4/2022, thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết liệt hơn nữa trong kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ.

Chỉ số đồng USD, thước đo diễn biến đồng bạc xanh so với sáu đồng tiền chủ chốt, đã tăng khoảng 0,1% trong ngày 12/5, lên 104,22 (điểm), đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2002.

Đồng bạc xanh, vốn được coi là “nơi trú ẩn an toàn”, đã nhận được sự hỗ trợ trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu trượt dốc do nhà đầu tư lo ngại rằng các ngân hàng trung ương đang bị chậm trễ trong việc kiềm chế đà tăng mạnh của giá tiêu dùng, trong khi triển vọng tăng trưởng kinh tế đang đối mặt với rủi ro từ việc phong tỏa xã hội nghiêm ngặt kéo dài của Trung Quốc liên quan tới đại dịch COVID-19.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,3% trong tháng 4/2022, giảm so với mức tăng 8,5% của tháng Ba nhưng vượt xa mức ước tính của các nhà kinh tế là 8,1%.

Theo Bộ Lao động Mỹ, mặc dù tỷ lệ lạm phát tháng Tư có thấp hơn tháng Ba một chút chủ yếu nhờ giá xăng dầu có hạ nhiệt, song kể từ ngày 10/5 vừa qua giá xăng lại tiếp tục leo thang. Giá cả rau quả, thực phẩm, các loại dịch vụ và giao thông đi lại, nhất là bằng đường hàng không đều tăng đáng kể; giá vé máy bay tăng 18,6% trong tháng Tư so với tháng Ba, mức tăng có thể nói là nhanh kỷ lục; giá ăn uống tại các nhà hàng cũng tăng 0,9% - mức tăng nhiều nhất kể từ tháng 10/2021.

Dữ liệu trên cho thấy lạm phát có thể đã đạt đỉnh, nhưng khó có thể “hạ nhiệt” nhanh chóng và làm “trật bánh” các kế hoạch chính sách tiền tệ của Fed.

Theo CME FedWatch Tool, thị trường đang dự đoán mức tăng lãi suất ít nhất 0,5 điểm phần trăm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại hai cuộc họp tới của ngân hàng này, dự kiến diễn ra vào ngày 15/6 và ngày 27/7.

Rodrigo Catril, chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Ngân hàng Quốc gia Australia (Ô- xtrây-li-a) cho hay: "Lạm phát vẫn ở mức cao hơn dự kiến của Mỹ đang làm gia tăng lo ngại về việc Fed phải đẩy nhanh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ".

Theo kế hoạch, dữ liệu CPI tháng 5/2022 sẽ được đưa ra 5 ngày trước cuộc họp chính sách của Fed vào tháng Sáu và ông Catril cho rằng một "cú sốc" lạm phát mới có thể đẩy mức tăng lãi suất lên 0,75 điểm phần trăm.

Cũng trong phiên 12/5, đồng euro đi ngang ở mức 1,05095 USD/euro, sau khi  tăng vào phiên trước đó do Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa củng cố kỳ vọng rằng họ sẽ tăng lãi suất vào tháng 7/2022, lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ. Đồng tiền chung châu Âu đã giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong hơn 5 năm là 1,04695 USD/euro vào cuối tháng trước.

Đồng bảng Anh, đồng đôla Australia (AUD) và đôla New Zealand (NZD) cũng đồng loạt giảm trong phiên này, khi các vấn đề liên quan tới Brexit “nóng” trở lại.

Trong khi đó, đồng yen của Nhật Bản tiếp tục nhận được hỗ trợ từ việc lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn giảm từ mức đỉnh nhiều năm (trên 3,2%) vào đầu tuần này. Đồng tiền của Nhật Bản đã tăng thêm khoảng 0,2% trong ngày 12/5, lên 129,67 yen/USD, rời khỏi mức thấp nhất hơn hai thập kỷ là 131,35 yen/USD ghi nhận vào ngày 9/5, giữa lúc lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất trong hai tuần là 2,862%.

Đồng bitcoin đã giảm khoảng 8% trong phiên này, xuống còn 26.645 USD/BTC, nhưng vẫn ở trên mức “đáy” của phiên trước đó là 27.757 USD/BTC, thấp nhất kể từ đầu năm ngoái. Trong khi đó, đồng tiền điện tử Ether- đối thủ của đồng bitcoin- cũng giảm gần 14% phiên 12/5, chạm mức thấp nhất 10 tháng là 1.785 USD/ETH.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dong-usd-cham-muc-cao-nhat-hai-thap-ky-sau-du-lieu-ve-lam-phat--2022512204113296.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/