|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Dòng tiền thông minh 20/1: Tự doanh mua ròng hơn 250 tỷ đồng phiên hồi phục, tập trung gom cổ phiếu chứng khoán, dầu khí

07:15 | 20/01/2022
Chia sẻ
Trong phiên giao dịch vừa qua, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán duy trì mua ròng phiên thứ hai liên tiếp. Cụ thể, họ mua ròng 250,8 tỷ đồng, với tâm điểm giải ngân là nhóm chứng khoán, dầu khí.

Sau hai phiên giảm mạnh trước đó, lực cầu tham gia ở vùng giá thấp được kích hoạt giúp cho VN-Index duy trì tốt sắc xanh trong suốt thời gian giao dịch. Kết phiên, VN-Index tăng nhẹ 3,85 điểm tương ứng với 0,27% dừng chân tại 1.442 điểm. Thanh khoản có phần suy giảm với khối lượng đạt gần 558 triệu đơn vị, tương đương với giá trị 16.214 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu đầu cơ có phần giảm áp lực bán khi có nhiều mã thoát sàn, tuy nhiên một số khác vẫn tiếp tục duy trì mức giảm sàn như FLC, ROS, LCG, SJF, TAR… Trong nhóm vốn hóa lớn, một số mã có đà tăng ấn tượng như SSI (6,9%), POW (4,2%) và MSN (3,8%). Còn ở chiều bán, một số mã ngân hàng trong nhóm VN30 cũng chịu áp lực bán mạnh như STB (3%), BID (2,78%) CTG (2,1%) và HDB (2%).

Một điểm trừ khác của thị trường, đó là khối ngoại chuyển sang bán ròng mạnh với gần 5,000 tỷ. Đứng đầu với danh sách bán ròng là MSN với hơn 4,891 tỷ, hầu hết từ thỏa thuận. Còn ở chiều ngược lại, DXG đứng đầu danh sách chiều mua ròng với hơn 75 tỷ đồng.

Dòng tiền thông minh 20/11: - Ảnh 1.

Thống kê giao dịch của các bên tham gia thị trường. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tự doanh mua ròng hơn 250 tỷ đồng

Trong phiên giao dịch vừa qua, bộ phận tự doanh công ty chứng khoán duy trì mua ròng phiên thứ hai liên tiếp. Cụ thể, họ mua ròng 250,8 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh thì họ gom ròng 307,2 tỷ đồng.

Cụ thể, tự doanh mua ròng 11/18 ngành với hai nhóm được mua ròng mạnh nhất là ngân hàng và bất động sản. Thống kê của FiinTrade cho thấy nhóm bất động sản có phiên giao dịch tăng cả về giá và thanh khoản, đây là những tín hiệu hồi phục đầu tiên của nhóm ngành này. Tỷ lệ cổ phiếu tăng giảm sát sao là 50/51, những mã khác đứng giá tham chiếu.

Top cổ phiếu có giá trị giao dịch cao nhất là KBC, PDR, NLG, SCR, DXG, trong đó có chỉ có SCR còn giảm điểm, nhóm còn lại tăng mạnh.Trong nhóm này, KBC được nước ngoài mua ròng tháng thứ 3 liên tiếp.

Nhóm cổ phiếu địa ốc đã giảm mạnh trong những ngày vừa qua dưới ảnh hưởng của việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc mua đất Thủ Thiêm và chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu mà không công bố thông tin, đặc biệt là các cổ phiếu bất động sản tăng nóng trước đó như DIG, CEO, HQC, FLC, LDG, AMD, HDC.

Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu bất động sản đã tăng trần ngày hôm nay khi sức cầu phục hồi gồm LHG, NTL, BCM, TIP, KBC, ITA.

Trở lại với giao dịch khối tự doanh, Top mua ròng khớp lệnh của nhóm này phiên hôm qua gồm MWG, MBB, TCB, KBC, STB, VPB, VRE, VNM, FPT, VHM.

Bên phía bán ra, tự doanh chủ yếu bán ròng cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính và dầu khí với giá trị lần lượt là 45,5 tỷ và 40 tỷ đồng. Top10 mã bị bán ròng gồm PVD, SSI, E1VFVN30, FUEVFVND, VCI, PVT, VHC, HPG, HQC, GEX.

Dòng tiền thông minh 20/11: - Ảnh 2.

Top10 mã khối tự doanh mua/bán ròng phiên 19/1. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

Tổ chức trong nước đảo chiều bán ròng nhẹ

Giao dịch trái chiều tự doanh, NĐT tổ chức trong nước trở lại bán ròng 74,7 tỷ đồng sau phiên mua ròng trước đó. Tuy nhiên, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng 32,1 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 7/18 ngành với giá trị lớn nhất là nhóm tài nguyên cơ bản. Top bán ròng có HPG, APH, SZC, MBB, GMD, PC1, FUEVFVND, HVN, VHM, VND.

Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu nhóm thực phẩm và đồ uống. Top mua ròng có MWG, DXG, MSN, DBC, FPT, VHC, GEX, ACB, TTF, PHR.

NĐT cá nhân mua ròng đột biến MSN đối ứng với NĐT nước ngoài

Trong phiên VN-Index hồi phục nhẹ, NĐT cá nhân chuyển hướng mua ròng 4.629 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng khớp lệnh là 325 tỷ đồng. Giao dịch làm thay đổi vị thế của nhóm này là việc mua thỏa thuận đột biến hơn 4.750 tỷ đồng cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 5/18 ngành, chủ yếu gom cổ phiếu ngành tài nguyên cơ bản. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các mã HPG, NVL, PVD, APH, STB, SZC, VIC, CTG, NLG, DGW.

Phía bán ròng khớp lệnh, NĐT cá nhân bán ròng 13/18 ngành còn lại với áp lực rút vốn chủ yếu là ngành bất động sản, thực phẩm và đồ uống. Top bán ròng có: DXG, MWG, KBC, MSN, VHM, VCI, GEX, TCB, FPT.

Dòng tiền thông minh 20/11: - Ảnh 3.

Top10 mã NĐT cá nhân mua/bán ròng phiên 19/1. (Nguồn: Thu Thảo tổng hợp).

NĐT nước ngoài chuyển bán ròng, chủ yếu là giao dịch thỏa thuận của MSN

Về phía NĐT ngoại, họ quay đầu bán ròng 4.805 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 14,6 tỷ đồng.

Mua ròng khớp lệnh chính của khối ngoại là nhóm dịch vụ tài chính, bất động sản. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: DXG, SSI, KBC, VCI, VHM, VND, GEX, MSN, CTD, HCM.

Tại phía bán ròng khớp lệnh, NĐT ngoại chủ yếu rút vốn khỏi nhóm ngân hàng. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: HPG, NVL, STB, VIC, CTG, HDB, PDR, BID, DGW.

Về giao dịch thỏa thuận, NĐT nước ngoài bán 33 triệu cổ phiếu MSN ở mức giá 144.000 đồng/cổ phiếu, phía mua ròng đối ứng là nhà đầu tư cá nhân trong nước. Thống kê của FiinTrade cho thấy trong phiên giao dịch khớp lệnh, MSN được khớp nhiều quanh giá 151.000 đồng/cổ phiếu.

Tập đoàn Masan hiện có 3 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có đủ lượng cổ phiếu để bán ra mức thỏa thuận ngày hôm nay. Tuy nhiên có hai nhà đầu tư là cổ đông lớn, cần công bố thông tin giao dịch. Thống kê cũng cho thấy, NĐT ngoại đã bán ròng MSN liên tiếp trong 6 tháng trở lại đây.

Thu Thảo