'Đồng nhân dân tệ mất giá, hàng rau quả thiệt nhiều hơn lợi'

Theo đánh giá của Tổng Thư kí Hiệp hội rau quả Việt Nam, việc đồng nhân dân tệ mất giá kèm theo Việt Nam đang xuất siêu rất lớn mặt hàng rau quả sang Trung Quốc sẽ khiến mặt hàng này của Việt Nam chịu nhiều thiệt hại hơn là có lợi.

Theo đánh giá của Tổng Thư kí Hiệp hội rau quả Việt Nam, Việt Nam đang xuất siêu rất lớn mặt hàng rau quả sang Trung Quốc.

Sáng ngày 12/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã điều chỉnh tỷ giá tham chiếu chính thức đồng nhân dân tệ xuống 7,0211 tệ đổi 1 USD.

Đây là phiên thứ ba liên tiếp tỷ giá tham chiếu này ở quanh mức 7 nhân dân tệ đổi 1 USD. Tuy nhiên, mức điều chỉnh tỷ giá tham chiếu của PBoC vẫn thấp hơn dự báo của các nhà phân tích được Reuters khảo sát là 7,0311 nhân dân tệ đổi 1 USD.

Để có cái nhìn bao hơn về tác động của việc đồng nhân dân tệ mất giá ảnh hưởng thế nào đến xuất khẩu rau quả Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư Hiệp hội rau quả Việt Nam.

19-dieu-sai-lam-khi-nau-va-an-rau-cu0_800x450

Ảnh minh họa (Nguồn: Bách Hóa Xanh)

Xin ông đánh giá mặt lợi và hại của việc đồng nhân dân tệ tác động lên mặt hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc?

Nếu phá giá đồng nhân dân tệ thì hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu sẽ chịu thiệt hại. Ở chiều ngược lại, hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc lại có giá rẻ hơn.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, Việt Nam đang xuất siêu rất lớn sang Trung Quốc. Theo đó, giá trị xuất khẩu hàng rau quả mỗi năm sang Trung Quốc khoảng 2,7 tỉ USD, trong khi nhập khẩu từ thị trường này chỉ khoảng 200 - 300 triệu USD. Như vậy, Việt Nam chịu thiệt nhiều hơn là được lợi.

Tuy nhiên, mức độ thiệt hại thu hẹp khi hầu hết doanh nghiệp kí hợp đồng thời thời vụ của trái cây hoặc kí theo lô hàng chứ không kí dài hạn theo năm như những ngành khác.

Thêm vào đó, trong số 9 loại quả được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, có nhiều loại quả đã hết vụ như vải, măng cụt...

Do đó, thời hạn hợp đồng sẽ ngắn hơn. Sau khi hợp đồng hết hạn, doanh nghiệp sẽ đàm phán lại mức giá xuất khẩu sao cho hợp lí.

Ngoài việc đồng nhân dân tệ mất giá, việc Trung Quốc siết chặt đường tiểu ngạch và yêu cầu rau quả nhập khẩu từ Việt Nam phải có mã số vùng trồng. Ông đánh giá thế nào về tác động kép này đối với xuất khẩu rau quả?

Từ ngày 1/5, Trung Quốc chính thức chấm dứt việc xuất khẩu rau quả qua đường tiểu ngạch, điều này cũng chính là một trong những nguyên nhân chính khiến xuất khẩu rau quả chững lại trong thời gian qua. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 1,46 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng trong tháng 6, kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm gần 23% so với tháng 5.

Tỉ trọng xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Trung Quốc trong nửa đầu năm nay giảm 4,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2018.

Tuy nhiên, bước sang tháng 7, doanh nghiệp được cấp mã số vùng trồng, giúp việc xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc trở nên thuận lợi hơn, dẫn đến xuất khẩu rau quả phục hồi trở lại.

Theo ghi nhận của Hiệp hội Rau quả, nếu như trước kia thanh long Việt Nam chưa được cấp mã vùng trồng, giá xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ hơn 15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, khi đã được cấp mã, vùng trồng, mức giá tăng lên tới 26.000 - 27.000 đồng/kg.

Với mức giá này, chúng tôi tính toán sau khi trừ chi phí, mỗi ha thanh long lãi 200 triệu đồng.

Khi xuất khẩu rau quả chính ngạch, chất lượng hàng Việt Nam được đảm bảo hơn và giá cũng được cải thiện.

Những khó khăn về yêu cầu tiêu chuẩn cũng như đồng nhân dân tệ liên tục có làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng rau quả Việt Nam từ nay đến cuối năm không, thưa ông?

Tôi tin rằng Trung Quốc dù có làm khó thế nào thì họ sẽ vẫn mua rau quả của Việt Nam do họ thích hoa quả nhiệt đới. Họ có thể mua thanh long từ Việt Nam nhưng không thể mua loại quả này từ Australia hay Mỹ.

Bên cạnh đó, không giống như Mỹ, mối quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Việt Nam không quá căng thẳng nên việc xuất khẩu không gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, do vị trí địa lí Việt Nam - Trung Quốc thuận lợi, khoảng cách gần nên việc vận chuyển hàng dễ dàng, chi phí cũng rẻ hơn.

Chỉ có một điều mà ngành rau quả Việt Nam cần cải thiện đó là thương hiệu và chất lượng. Trước đây, người Trung Quốc "lấn cấn" chuyện tồn dư thuốc trừ sâu hay thuốc bảo vệ thực vật ở trong rau quả Việt Nam. 

Tuy nhiên, với việc Trung Quốc siết chặt xuất khẩu tiểu ngạch, yêu cầu mã số vùng trồng cũng là cơ hội để rau quả Việt Nam cải thiện chất lượng, đạt yêu cầu về tiêu chuẩn VietGap hay GlobalGap. 

Bên cạnh đó, nếu đạt được các tiêu chuẩn này, giá cả mặt hàng rau quả Việt Nam còn được cải thiện hơn nữa thay vì xuất khẩu theo đường tiểu ngạch như trước đây.

Cục Xuất nhập khẩu nhận định với nhu cầu tiêu thụ hàng rau quả lớn, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường hấp dẫn cho hàng rau quả của Việt Nam.

Theo đó, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp phải chuyển đổi dần tư duy, hướng đến việc xuất khẩu hoàn toàn theo đường chính ngạch, đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác...

Trong xu hướng hội nhập sâu rộng như hiện tại, các quy định mà phía Trung Quốc đang thắt chặt, mặc dù khắt khe nhưng hoàn toàn phù hợp với thông lệ chung ở các thị trường khó tính khác.

Khả năng sản xuất và trồng trọt tại Việt Nam vẫn phát triển tốt và hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng được các quy định và yêu cầu từ các thị trường nhập khẩu.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dong-nhan-dan-te-mat-gia-hang-rau-qua-thiet-nhieu-hon-loi-20190812203225121.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/