Động lực giúp TTC Sugar (SBT) tăng trưởng lợi nhuận năm 2021

Theo báo cáo từ BSC, năm 2021, TTC Sugar (SBT) hưởng lợi nhờ giá đường thế giới tăng, xuất khẩu đường Organic với biên gộp cao vào EU và chủ động điều phối nguồn nguyên vật liệu đầu vào với giá thành cạnh tranh.

TTC Sugar (SBT) hưởng lợi nhờ xuất siêu sang Trung Quốc - Ảnh 1.

CTCP Thành Thành Công - Biên Hoà. (Ảnh: Thương Trường).

CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) ra báo cáo cập nhật doanh nghiệp đối với CTCP Thành Thành Công - Biên Hoà (TTC Sugar, mã: SBT) với nhận định doanh nghiệp tiếp tục hưởng lợi nhờ việc xuất siêu sang thị trường Trung Quốc, EU và giá đường thế giới tăng, đồng thời quyết định áp thuế chống bán phá giá với đường Thái Lan bắt đầu có hiệu lực.

Lợi nhuận TTC Sugar tăng 7,7 lần

Kết thúc quý II, niên độ tài chính 2020 - 2021, Thành Thành Công - Biên Hoà đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 3.851 tỷ đồng và 140 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 30% và 7,7 lần so với cùng kỳ. Trong đó, mảng đường chiếm tỷ trọng lớn nhất là 97%.

Đối với mảng đường, doanh thu thuần quý II đạt 3.748 tỷ đồng, tăng 34% so vời cùng kỳ năm ngoái, sản lượng đường tiêu thụ đạt 338.000 tấn, tăng 32% và giá bán đường bình quận đạt 11,08 triệu/tấn, tăng 2% YoY.

TTC Sugar (SBT) hưởng lợi nhờ xuất siêu sang Trung Quốc - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh quý II, niên độ 2020 - 2021 của SBT. (Nguồn: BSC).

Theo BSC, SBT tăng được sản lượng đường tiêu thụ nhờ vào việc tập trung đẩy mạnh thị phần trong nước ở kênh B2B và kênh tiêu dùng B2C, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu ở EU nhờ hưởng lợi từ ưu đãi thuế xuất khẩu EVFTA, cũng như hưởng lợi từ nhập siêu từ Trung Quốc.

Trong quý II, lợi nhuận gộp SBT đạt 495 tỷ đồng, tăng 144% so với cùng kỳ. Con số có được nhờ cải thiện biên lợi nhuận gộp đạt 12.7% so với cùng kỳ là 6.3%. 

Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế đạt 140 tỷ, tăng 7,7 lần, một phần đến từ việc doanh nghiệp kiểm soát tốt chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp với tỉ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trên doanh thu thuần đạt 6,9% thấp hơn so với con số 9,4% cùng kỳ.

Tính chung cả niên độ tài chính 2020 - 2021, BSC dự báo SBT có khả năng đạt 15.482 tỷ đồng doanh thu và 457 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 20,1% và 25% so với thực hiện năm trước. Tương đương mức lãi trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 712 đồng. Biên lợi nhuận gộp mảng đường được dự báo sẽ duy trì ở mức 12,7% tăng 1,2% so với năm trước.

Dự báo sản lượng tiêu thụ đường của doanh nghiệp ở mức 1,245 triệu tấn đường, tăng 17% so với cùng kỳ nhờ vào 2 kênh chính là kênh doanh nghiệp lớn B2B và mở rộng thị phần ở kênh tiêu dùng B2C.

Giá bán bình quân có thể đạt 11,72 triệu đồng/tấn tăng 3,3% so với niên độ trước, giá đường xuất khẩu sẽ hưởng lợi từ giá đường thế giới tăng, còn giá đường trong nước sẽ duy trì đi ngang.

Theo chuyên viên phân tích đến từ BSC, có ba động lực chính dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận của SBT trong năm 2020 - 2021, gồm: SBT có lợi thế trong việc chủ động nguồn nguyên vật liệu đầu vào, xuất siêu đường cho thị trường Trung Quốc và EU, đồng thời ngành đường Việt Nam được phục hồi nhờ thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp của chính phủ.

Triển vọng ngành đường Việt Nam năm 2021

BSC đánh giá triển vọng xuất khẩu ngành mía đường của Việt Nam sẽ khả quan trong năm 2021. Sẽ có 3 động lực chính cho ngành đường Việt Nam trong thời gian tới gồm: tăng xuất khẩu đường vào thị trường Châu Âu và Trung Quốc, giá đường thế giới tăng mạnh và dự báo sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2021 do tình trạng thiếu hụt nguồn cung, cuối cùng là thuế chống phá giá từ ngoại nhập và chống trợ giá.

Đối với việc xuất khẩu, dự báo các doanh nghiệp đường Việt Nam sẽ tăng mạnh xuất khẩu vào thị trường châu Âu và Trung Quốc trong 2021. BSC cho rằng Việt Nam có thể tăng được giá trị xuất khẩu đường vào thị trường Trung Quốc trong năm 2021.

Việc thiếu hụt vùng nguyên liệu đường của Trung Quốc khiến quốc gia này tăng nhập khẩu đường của Việt Nam. Năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu đường Việt Nam tăng đột biến với giá trị lên tới 106,3 triệu USD so với năm 2019 chỉ khoảng 2,7 triệu USD.

Về thị trường châu Âu, ngày 8/6/2020, Quốc hội đã thông qua Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 và cam kết dành ưu đãi về dòng thuế nhập khẩu đường có xuất xứ từ Việt Nam.

Chính sách ưu đãi này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất đường của Việt Nam có cơ hội mở rộng hoạt động xuất khẩu sang thị trường EU vì đây là thị trường ưa chuộng các sản phẩm đường sạch, đường hữu cơ.

Đối với xu hướng tăng giá đường, theo BSC, giá đường thế giới vẫn tiếp tục tăng 20% - 25% trong niên độ 2020 - 2021. Nguyên nhân chủ yếu là do thế giới đang thâm hụt 3,5 triệu tấn đường, thời tiết không thuận lợi trong niên độ trước ảnh hưởng tới vùng mía lớn nhất thế giới là Brazil, Thái Lan và Ấn Độ.

Do vậy, BSC cho rằng giá đường thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2021 do tình trạng thiếu thụ lớn của thế giới , đặc biệt là tình hình vùng nguyên liệu Trung Quốc bị mất trong năm 2020 khiến Trung Quốc phải nhập siêu đường.

Bên cạnh đó, việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía từ Thái Lan, được dự báo sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất đường nội địa hồi phục trở lại sau khi chịu cạnh tranh về giá, từ đó tăng lại sản lượng sản xuất và thu hẹp lại khoảng cách giá đường thế giới và Việt Nam.

Trước đó, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc tạm thời thu thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với đường từ Thái Lan là 33.88% cho tới lúc đánh giá tác động toàn diện vụ việc dự kiến tới quý II/2021.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dong-luc-giup-ttc-sugar-sbt-tang-truong-loi-nhuan-nam-2021-20210327100802851.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/