Doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Hoàn sụt tháng thứ ba liên tiếp, mảng cá tra giảm 44%

Theo VASEP, tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm trước cộng với dịp trùng vào kỳ nghỉ Tết nguyên đán.

CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 1/2023 với doanh thu xuất khẩu giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 462 tỷ đồng, thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và là tháng thứ ba liên tiếp ghi nhận doanh thu tăng trưởng âm.

 Doanh thu tháng 1/2023 của Vĩnh Hoàn về mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. (Nguồn: MH tổng hợp).

Tháng đầu năm 2023, tất cả các ngành hàng đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh về doanh thu, trong đó cá tra giảm 44% xuống 273 tỷ đồng, sản phẩm phụ giảm 54% còn 54 tỷ đồng. Các mảng chăm sóc sức khỏe, bánh phồng tôm và sản phẩm giá trị gia tăng lần lượt giảm 74%, 42% và 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

 Nguồn: MH tổng hợp từ công bố thông tin của công ty. 

Xét về thị trường xuất khẩu, Mỹ (nước nhập khẩu chính sản phẩm của Vĩnh Hoàn) giảm tới 65% xuống 117 tỷ đồng, thị trường châu Âu cũng sụt giảm tới 28%. Doanh thu tại thị trường nội địa cũng đi xuống 34% còn 140 tỷ đồng. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc có sự cải thiện 22% lên 32 tỷ đồng nhờ chính sách mở cửa, song tỷ trọng đóng góp vào doanh thu chung không lớn.

 Nguồn: MH tổng hợp từ công bố thông tin của công ty. 

Theo công bố của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm trước cộng với dịp trùng vào kỳ nghỉ Tết nguyên đán.

Kết thúc tháng đầu năm cho thấy, xuất khẩu thủy sản chỉ đem về 600 triệu USD, giảm tới 31% so với tháng 1/20222, trong đó xuất khẩu cá tra cá tra giảm tới 50% về 107 triệu USD.

VASEP dự báo, bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ không thể bừng sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.

Tuy nhiên, đối với các thị trường tiêu thụ, thủy sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và nhu cầu sẽ không thể sụt giảm quá mạnh. Cơ quan này dự báo sẽ có điều chỉnh về nhu cầu theo phân khúc sản phẩm.

Lợi thế sẽ nghiêng nhiều hơn về các ngành hàng có giá vừa phải vì phù hợp với tầng lớp người tiêu dùng thu nhập thấp hoặc trung bình – vốn là nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi lạm phát. Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng lớn về sự hồi phục nhu cầu không chỉ ở thị trường này mà cả các thị trường khác trên thế giới, khi mà du lịch và giao thương được thông suốt. Và sự hồi phục mà thị trường này mang lại cũng sẽ có kết quả rõ ràng ít nhất là từ quý II/2023.

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn có thể lạc quan vào những thị trường được đánh giá có nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay như khu vực châu Á, Trung Đông…, VASEP dự báo.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-thu-xuat-khau-cua-vinh-hoan-sut-thang-thu-ba-lien-tiep-mang-ca-tra-giam-44-20232151605550.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/