Doanh nghiệp xây dựng ngồi trên lửa, lo vỡ nợ dây chuyền

Đa số doanh nghiệp xây dựng đều chứng kiến kết quả kinh doanh sa sút trong quí I/2020, trong khi đó dòng tiền ngày càng cạn kiệt cũng khiến các nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực hồi phục sau dịch COVID-19.

Thêm một quí ảm đạm

Trước tình hình ảm đạm của ngành bất động sản và tác động tiêu cực của dịch COVID-19, ngành xây dựng Việt Nam vừa trải qua thêm một kì kinh doanh ảm đạm khi đa số doanh nghiệp đều chứng kiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm so với cùng kì, thậm chí có doanh nghiệp thua lỗ.

Thống kê trong quí đầu năm 2020, tổng doanh thu của các doanh nghiệp lớn đại diện cho ngành xây dựng đạt 9.780 tỉ đồng, giảm 17% so cùng kì năm trước; trong khi tổng lợi nhuận sau thuế giảm tới 27% xuống 347 tỉ đồng.

Kinh doanh sa sút, dòng tiền cạn kiệt, giải pháp nào giúp ngành xây dựng vượt khó sau dịch COVID-19? - Ảnh 1.

Nguồn: Đan Nguyên tổng hợp từ BCTC.

Trong đó, “ông lớn” đầu ngành là Coteccons (Mã: CTD) ghi nhận doanh thu thuần quí I đạt 3.554 tỉ đồng, giảm 16,4% so với cùng kì năm 2019. Lợi nhuận sau thuế cũng sụt giảm 34,6% xuống 123,4 tỉ đồng trong quí I/2020, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Coteccons cho biết, doanh thu sụt giảm trong quí vừa qua là do khó khăn chung của ngành xây dựng với sự cạnh tranh gay gắt khi nguồn việc ngày càng ít. Bên cạnh đó, nhiều dự án bất động sản đã kí nhưng chưa triển khai hoặc triển khai chậm trong quí I do dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh chung của công ty.

Trong khi đó, Xây dựng Hòa Bình (Mã: HBC) chứng kiến doanh thu thuần giảm 34,1% xuống 2.442 tỉ đồng; lãi sau thuế chỉ đạt 5,5 tỉ đồng, giảm mạnh so với con số 155 tỉ đồng cùng kì năm trước. Thậm chí, doanh nghiệp này có thể phải báo lỗ thuần trong quí đầu năm nếu không có khoản "doanh thu tài chính khác" đạt 12,7 tỉ đồng.

Cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu và lãi sau thuế quí I của Vinaconex giảm lần lượt 40% và 36% so với cùng kì, xuống mức 1.000 tỉ đồng và 63,8 tỉ đồng. Doanh nghiệp thi công công trình ngầm Fecons chứng kiến lãi sau thuế giảm 48,3% xuống 15,1 tỉ đồng dù doanh thu chỉ giảm giảm 12,8% xuống 427,8 tỉ đồng.

Thậm chí, một ông lớn khác trên thị trường xây dựng là Tổng công ty Xây dựng số 1 (Mã: CC1) đã phải chịu lỗ ròng hơn 56 tỉ đồng trong quý I/2020 (cùng kỳ năm trước lãi hơn 41 tỉ đồng) dù doanh thu thuần vẫn đạt 1.213 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. 

Dòng tiền ngày càng cạn kiệt, lo đổ vỡ dây chuyền

Đại dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi lĩnh vực kinh tế. Đối với ngành xây dựng, khó khăn không chỉ thế hiện ở kết quả kinh doanh đi xuống mà còn bởi dòng tiền ngày càng cạn kiệt.

BCTC quí I/2019 cho thấy, nhiều chủ đầu tư đang rơi vào tình cảnh mất thanh khoản nghiêm trọng. Nhiều doanh nghiệp tổng tài sản hàng nghìn tỉ đồng nhưng số tiền còn trên toàn khoản chỉ vài tỉ đồng, đơn cử như trường hợp của Quốc Cường Gia Lai, Netland, Phát Đạt, hay thậm chí cả những doanh nghiệp theo duổi chính sách tài chính cân bằng như Nam Long cũng gặp khó khăn.

Theo đánh giá của các nhà thầu, khó khăn của lĩnh vực bất động sản trong hai năm qua đã có những ảnh hưởng rất rõ đến ngành xây dựng. Không ít doanh nghiệp không thể thực hiện kế hoạch kinh doanh vì vướng pháp lí, thậm chí còn tệ hơn khi có doanh nghiệp rơi vào tình thế mất cân đối tài chính, không thể chi trả các khoản nợ tới hạn.

Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tiến độ thi công dự án chậm lại đã ảnh hưởng đến quá trình ghi nhận doanh thu của các công ty xây dựng. Trong khi đó, việc thu hồi dòng tiền cũng bị hạn chế bởi chủ đầu tư cũng đang gặp khó khăn trong việc bán hàng và bàn giao dự án do dịch bệnh.

Kinh doanh sa sút, dòng tiền cạn kiệt, giải pháp nào giúp ngành xây dựng vượt khó sau dịch COVID-19? - Ảnh 2.

Nguồn: Đan Nguyên tổng hợp từ BCTC quí I/2020.

Trong quí I, đa số doanh nghiệp xây dựng đều chứng kiến dòng tiền âm từ hoạt động kinh doanh. Trong đó, đáng chú ý là Vinaconex với dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm tới 1.061 tỉ đồng, cao gấp gần 4 lần so với con số cùng kì năm trước, thậm chí cao hơn cả doanh thu trong quí I.

Ngược lại, Fecon là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm ghi nhận dòng tiền kinh doanh dương, tuy nhiên cũng chỉ đạt 2 tỉ đồng. Theo đó, giá trị tiền mặt của doanh nghiệp này đến cuối kì cũng chỉ ở mức 221 tỉ đồng, trong khi phải thu lên tới 3.344 tỉ đồng tương đương 59% tổng tài sản.

Tương tự, dòng tiền của các công ty còn lại cũng đều bị kẹt tại khoản phải thu chủ đầu tư, trong khi nguồn tiền sẵn có chỉ còn mức rất thấp. Riêng hai doanh nghiệp nhà Coteccons có tỉ lệ tiền mặt chiếm trên 10% tổng tài sản, còn lại đều duy trì dưới 5%, riêng Xây dựng Hòa Bình có tỉ lệ tiền mặt chỉ chưa đầy 1% trong khi phải thu chiếm tới 69% tổng tài sản.

Kinh doanh sa sút, dòng tiền cạn kiệt, giải pháp nào giúp ngành xây dựng vượt khó sau dịch COVID-19? - Ảnh 3.

Nguồn: Đan Nguyên tổng hợp từ BCTC.

Theo Chứng khoán BSC, ngành xây dựng thuộc nhóm có khả năng chịu đựng thấp nhất sau dịch COVID-19 nếu dựa trên nguồn tiền sẵn có của doanh nghiệp mà chưa phát sinh thêm doanh thu.

Dữ liệu phân tích của BSC cho thấy, các công ty xây dựng chỉ có thể duy trì hoạt động kinh doanh được trung bình 4,2 tháng, thấp hơn nhiều so với thời gian vài năm của các nhóm khác. Trong khi, hầu hết doanh nghiệp này đều có số ngày thanh khoản dưới 6 tháng (trừ Coteccons).

Khó khăn về mặt dòng tiền do các khoản khó đòi từ chủ đầu tư dự án khiến phải thu tăng mạnh, đồng thời việc tăng vay nợ ngắn hạn để cung cấp vốn cho HĐKD khiến chi phí lãi vay tăng cũng tạo thêm áp lực tài chính lên các doanh nghiệp này.

Trong khi đó, một số nhà thầu phụ cũng cho biết, họ đang rất lo ngại trước nguy cơ các tổng thầu rơi vào tình thế khó khăn, việc chậm thanh toán từ chủ đầu tư có thể khiến nguy cơ đổ vỡ dây chuyền trên thị trường xây dựng. 

Giải pháp vượt khó sau dịch COVID-19

Trước tình hình nêu trên, nhiều doanh nghiệp đã xây dựng những giải pháp nhắm tháo gỡ khó khăn, vượt qua ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Vinaconex cho biết, công ty kiên trì tổ chức mô hình thi công trực tiếp kết hợp với mô hình tổng thầu quản lí, đồng thời nâng cao công tác đấu thầu, tìm kiếm các công trình xây lắp và lựa chọn các công trình Chủ đầu tư có nguồn vốn tốt, đặc biệt là nâng cao chất lượng công trình để tạo uy tín đối với các chủ đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh công tác đấu thầu, đặc biệt là các công trình hạ tầng, các dự án đầu tư công do Nhà Nước đầu tư trong gói kích thích phát triển của Chính p.hủ

Trong năm 2020, Vinaconex phấn đấu ký mới các công trình như Foxconn E5-E6 (đã kí tháng 3/2020), Cầu Vàm Trà Lọt (đã trúng thầu đang thương thảo hợp đồng), toà tháp VOV, Valuetronics, Lotte Mall Hanoi, Đại học KHCN Hà Nội, Foxconn…

Đối với khó khăn tài chính của Hoà Bình, đại diện công ty cho biết đang chuyển dịch cơ cấu sang tập trung vào các khách hàng lớn, các khách hàng khối FDI, mảng xây dựng công nghiệp và hạ tầng. Đây là nhóm khách hàng ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và các thủ tục pháp lí.

Hoà Bình cũng đang triển khai nhiều giải pháp để thu tiền từ dự án đã bàn giao để cân đối dòng tiền. Trong quí I, công ty thu được 3.600 tỉ đồng nợ phải thu từ các khách hàng, cao hơn nhiều so với doanh thu thực hiện.

Công ty cũng đang có nhiều phương án cho các kịch bản của thị trường để đảm bảo dòng tiền thanh toán và giữ uy tín với các tổ chức tín dụng. Các khoản nợ vay ngắn hạn đã được thanh toán đến tháng 6/2020 và đảm bảo trong các kịch bản xấu nhất vẫn duy trì khả năng thanh toán cho ngân hàng.

Theo lãnh đạo Hòa Bình, thị trường BĐS hiện đang rơi vào giai đoạn trầm lắng do ảnh hưởng kép của sự chậm trễ trong việc cấp giấy phép xây dựng và dịch bệnh COVID-19.

Công ty kì vọng Chính phủ sẽ sớm gỡ bỏ các vướng mắc liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng để thị trường sớm khởi sắc trở lại. Đồng thời, kì vọng Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cho vay và giảm thuế VAT, TNDN cho ngành xây dựng đễ hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Theo các chuyên gia kinh tế, gói hỗ trợ của Chính phủ chí có thể giúp giản trả nợ. Các doanh nghiệp cần lên kế hoạch cần trụ vững và vượt qua giai đoạn khó khăn trong vòng 6 tháng đến 1 năm.

Trong khi đó, các giải pháp tái cấu trúc, tìm thị trường mới, sản phẩm mới đều rất tốt nhưng không phải dể thực hiện ngắn hạn mà cần thời gian và nguồn lực tài chính. 

Do vậy trước mắt các doanh nghiệp cần quyết liệt cắt giảm tối đa các chi phí không trực tiếp phục vụ SXKD, tối đa các chi phí không trực tiếp phục vụ SXKD (nếu có thể), bán các tài sản có thể bán nhanh để tạo ra tiền nếu có thể thuê. 

Thay vào đó, DN chỉ tập trung các sản phẩm, dịch vụ đang có nhu cầu, và trong thế mạnh của công ty, bỏ bớt các loại kinh doanh khác; chủ động gặp NH xin khất nợ (dù có thể trả được) để tăng dự trữ tiền. 

Cuối cùng, doanh nghiệp cần phải giữ được tinh thần làm việc của toàn thể cán bộ công nhân viên, để họ chuyên tâm làm việc, không bị xao nhãng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nghiep-nganh-xay-dung-ngoi-tren-dong-lua-lo-vo-no-day-chuyen-20200509122552178.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/