Doanh nghiệp 'kêu cứu' vì quy định phòng cháy, chữa cháy

Đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp tại Đồng Nai cho biết, doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn về quy định phòng cháy, chữa cháy theo Nghị định mới, nhất là vấn đề về sơn chống cháy và các thủ tục có liên quan.

Liên quan đến các khó khăn của doanh nghiệp về quy định phòng cháy, chữa cháy (PCCC), Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) mới đây đã có cuộc họp ghi nhận ý kiến của doanh nghiệp.

Tại cuộc họp, đại diện một số hiệp hội tại khu vực phía nam cho biết, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi quy định phòng cháy, chữa cháy trong đó có cả doanh nghiệp FDI. Thậm chí, một số doanh nghiệp hiện đang phải ngừng hoạt động bởi không đảm bảo các quy định về PCCC.

Doanh nghiệp "kêu cứu" vì quy định PCCC

Nguyên nhân là do tại thời điểm chưa ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ, các nhà xưởng đã được thẩm định thiết kế, xây dựng và nghiệm thu PCCC theo hồ sơ đã được cơ quan chức năng thẩm duyệt theo quy định của Nghị định 79/2014/NĐ-CP. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng nhà xưởng với kết cấu được bảo vệ bằng sơn chống cháy.

Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong, Nghị định 136/2020/NĐ-CP được ban hành, cơ quan chức năng kiểm tra để nghiệm thu căn cứ theo quy định mới. Điều này dẫn tới, cùng sử dụng một loại sơn chống cháy, song các công trình thực hiện trước thời điểm Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ban hành được nghiệm thu, còn công trình nghiệm thu sau thời điểm trên lại không được.

Từ năm 2022, một doanh nghiệp tại Đồng Nai có xây dựng thêm kho chứa hàng và văn phòng. Theo đó, phần PCCC đã được thẩm duyệt, thi công xong và lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị PCCC theo yêu cầu.

Tuy nhiên, khi nộp hồ sơ để nghiệm thu PCCC, thì không được chấp thuận do cơ quan chức năng không kiểm định được sơn chống cháy cho kèo thép ở khu vực kho tầng 3.

Một số doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Nhơn Trạch cho biết đang gặp khó khăn về quy định PCCC. (Ảnh minh hoạ).

Nguyên nhân là do chi phí giám định sơn chống cháy rất cao và khó khăn, có trường hợp phải mời công ty thẩm định tại châu Âu sang thẩm định dẫn đến doanh nghiệp không có văn bản kiểm định để nộp Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ làm căn cứ chấp thuận nghiệm thu công trình.

Điều này khiến cho hàng loạt công trình xây xong nhưng không được nghiệm thu PCCC gây ra sự lãng phí, tốn kém của doanh nghiệp.

“Chúng tôi chỉ mong cơ quan cấp phép nghiệm thu PCCC ở những hạng mục khác trước (trừ khu vực tầng 3 có kèo thép sơn chống cháy) để công ty có thể sử dụng các khu vực được cấp phép. Đến khi nào có hướng dẫn rõ liên quan đến kiểm định sơn chống cháy này thì Công ty sẽ thực hiện bổ sung hồ sơ nghiệm thu cho khu vực tầng 3 nhà kho”, đại diện công ty này cho biết.

Đối với các công trình lên phương án thiết kế sau khi Nghị định 136 được ban hành, một số doanh nghiệp cho biết đang gặp vướng mắc khi không nhận được phản hồi từ các cơ quan quản lý.

Điển hình như, một số doanh nghiệp thuộc Chi hội thương mại Đài Loan tại Đồng Nai thông tin về việc gặp nhiều khó khăn về việc xin cấp phép thiết kế phòng cháy, chữa cháy. Có doanh nghiệp đã nộp hồ sơ hơn 7 tháng nhưng vẫn chưa được phê duyệt bản vẽ thiết kế phòng cháy, chữa cháy và chưa nhận được phản hồi về lý do tại sao không cấp phép.

Một doanh nghiệp ở khu công nghiệp Nhơn Trạch, Đồng Nai cũng thông tin về việc thủ tục xin cấp phép phòng cháy, chữa cháy mất nhiều thời gian. Từ cuối năm 2022, việc cấp phép được chuyển cho Cục Phòng cháy chữa cháy ở Hà Nội xem xét, thẩm duyệt nên gây mất thời gian của doanh nghiệp khi muốn mở rộng sản xuất nhưng không được cấp phép.

Đại diện Ban IV cho hay, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC liên tục thay đổi, gây khó cho họ.

Chẳng hạn, chỉ trong vòng 18 tháng, có tới ba văn bản, trong đó có hai Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình, khiến doanh nghiệp rất khó trong việc chuyển đổi, theo kịp các quy định.

Doanh nghiệp đang đầu tư theo phương án cũ, lại thẩm định nghiệm thu theo phương án mới, mà không có các hướng dẫn chuyển tiếp, nên không chỉ doanh nghiệp, mà cả cơ quan thẩm tra cũng bị mắc.

Đó là chưa nói, theo quy định mới, có những điều kiện PCCC được coi là điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng họ không cách nào đáp ứng được. Chẳng hạn, yêu cầu về khoảng cách tối thiểu để đảm bảo an toàn PCCC thì doanh nghiệp ở các khu đô thị có mật độ xây dựng cao như Hà Nội, TP.HCM sẽ vô cùng khó khăn.

Trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn như hiện nay, việc nhà xưởng xây xong như không được đưa vào sử dụng gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp, đại diện Ban IV cho biết.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nghiep-keu-cuu-vi-quy-dinh-phong-chay-chua-chay-20233311145304.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/