Doanh nghiệp dầu khí ngụp lặn giữa cuộc chiến giá dầu và COVID-19

Sự sụt giảm của giá dầu cộng hưởng với dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp giá bán và nhu cầu dịch vụ dầu khí. Điều này khiến kết quả kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp ngành dầu khí nhuốm màu ảm đạm. Tuy nhiên, cá biệt cũng có những doanh nghiệp báo lãi quí II tăng trưởng hay chuyển lỗ thành lãi.

Hồi tháng 4, sau khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ kết thúc, Nga và Ả rập Saudi đồng loạt tăng sản lượng, gây nên cuộc chiến dầu thô.

Cùng lúc đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hàng loạt quốc gia áp dụng các lệnh phong tỏa hoặc giãn cách xã hội. Điều này đã khiến hoạt động đi lại bị hạn chế kéo theo nhu cầu xăng dầu và giá xăng dầu giảm mạnh.

Cũng trong quí II, thị trường thế giới chứng kiến điều chưa từng có trong lịch sử: giá dầu thô giảm xuống mức âm vào rạng sáng ngày 21/4 (theo giờ Việt Nam). Nhiều chuyên gia và tổ chức cho rằng, giá dầu thế giới đang ở trong giai đoạn bất định nhất lịch sử.

Vén màn bức tranh kinh doanh quí II của doanh nghiệp dầu khí - Ảnh 1.

Biến động giá bán lẻ xăng dầu trong nước tháng 2/2020 - 6/2020. Nguồn: Bộ Công Thương. Đồ họa: Alex Chu

Diễn biến khó lường của giá dầu cộng hưởng với dịch COVID-19 tác động trực tiếp giá bán cũng như nhu cầu dịch vụ dầu khí. Sau quí I ảm đảm, các doanh nghiệp ngành dầu khí kì vọng kết quả kinh doanh có thể cải thiện ở quí II. Tuy nhiên, thực tế chỉ ra bức tranh chung của ngành chưa thể khởi sắc.

Theo thống kê của người viết, 10 doanh nghiệp dầu khí trên sàn đã tạo ra 77.936 tỉ đồng doanh thu thuần trong quí II/2020, giảm 39% so cùng kì năm trước. Lợi nhuận sau thuế của nhóm doanh nghiệp này giảm mạnh 74%, còn 1.352 tỉ đồng.

Trong đó, có chỉ có 2 doanh nghiệp ghi nhận lãi tăng trưởng, 6 doanh nghiệp báo lãi giảm, 1 doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi và 1 doanh nghiệp thua lỗ. 

CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) là đơn vị duy nhất báo lỗ ròng trong quí II với mức lỗ lên đến 1.898 tỉ đồng. Đây là quí kinh doanh lỗ thứ ba kể từ khi BSR chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng vào tháng 1/2018.

KQKD quí II của doanh nghiệp dầu khí: Nhìn chung chưa thể khởi sắc - Ảnh 2.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp (đơn vị tính: tỉ đồng)

Nhóm doanh nghiệp giảm lợi nhuận

Tổng Công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP (Mã: PVC) là doanh nghiệp báo lãi giảm mạnh nhất trong quí vừa qua. Trong kì, PVC ghi nhận doanh thu thuần quí II tăng 15% so cùng kì, đạt gần 474 tỉ đồng. 

Tuy nhiên do chịu ảnh hưởng kép của dịch COVID-19 và giá dầu thế giới giảm, các nhà thầu giãn/dừng kế hoạch khoan dẫn đến hoạt động cung cấp dịch vụ khoan giảm mạnh. Điều này khiến lãi sau thuế của công ty giảm mạnh 72%, còn gần 5 tỉ đồng.

Hay như Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling - Mã: PVD) vừa cho biết doanh thu thuần quí II đạt 1.464 tỉ đồng, tăng 46% so với cùng kì do số lượng giàn khoan và đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng tăng.

Tuy nhiên, giá vốn (chiếm tới 96% doanh thu thuần) tăng mạnh 65% khiến lợi nhuận gộp giảm 63%, còn 57 tỉ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, PVD ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 48%, về mức 54 tỉ đồng.

Tính chung 6 tháng, PV Drilling ghi nhận doanh thu thuần tăng 64% lên 3.141 tỉ đồng. Lãi sau thuế gấp 7 lần cùng kì, đạt 70 tỉ đồng. So với mục tiêu đặt ra năm 2020, doanh nghiệp này đã thực hiện 67% chỉ tiêu doanh thu và 103% chỉ tiêu lợi nhuận.

Ông lớn Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – Mã: PLX) cũng nằm trong nhóm giảm lợi nhuận với tỉ lệ 45%, lãi ròng tương ứng đạt 733 tỉ đồng. Doanh thu thuần quí II của PLX ở mức 26.709 tỉ đồng, giảm 46% so với quí II/2019.

Luỹ kế 6 tháng, Petrolimex đạt 65.187 tỉ đồng doanh thu thuần và lỗ sau thuế 1.080 tỉ đồng do quí I, Tập đoàn lỗ nặng tới 1.813 tỉ đồng.

So với kế hoạch 122.000 tỉ đồng doanh thu hợp nhất và 1.570 tỉ đồng lãi trước thuế, sau nửa năm, Tập đoàn mới thực hiện được 53% mục tiêu doanh thu và còn cách xa mục tiêu có lãi do lỗ trước thuế tới 911 tỉ đồng.

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của Petrolimex đạt 59.344 tỉ đồng, trong đó hàng tồn kho ghi nhận 8.911 tỉ đồng. Đáng lưu ý, dù tồn kho giảm 24% so với thời điểm đầu năm nhưng khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho lại tăng từ 56 tỉ đầu năm lên 148 tỉ đồng.

Cũng do giảm doanh thu, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV Gas - Mã: GAS) ghi nhận lợi nhuận quí II thu hẹp 44% so với quí II/2019, đánh dấu mức lợi nhuận thấp nhất kể từ quí IV/2016.

Trước đó, tại hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, đại diện PV Gas cho biết hoạt động sản xuất kinh doanh trong nửa đầu năm chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch COVID-19, giá dầu sụt giảm và sự cố từ phía thượng nguồn ngày một tăng cao.

KQKD quí II của doanh nghiệp dầu khí: Nhìn chung chưa thể khởi sắc - Ảnh 3.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp

Tình cảnh của Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL - Mã: OIL) cũng gặp nhiều khó khăn. Doanh thu thuần và lãi sau thuế quí II lần lượt giảm 46% và 21% so với cùng kì năm trước. Tính chung 6 tháng, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế âm 355 tỉ đồng do quí I báo lỗ kỉ lục.

Tương tự như Petrolimex, khi giá dầu giảm đột ngột, PVOIL phải tăng trích lập dự phòng hàng tồn kho. Cụ thể, giá trị tồn kho tính đến thời điểm cuối quí II là 2.121 tỉ đồng, trong đó công ty trích lập dự phòng hơn 2,4 tỉ đồng, tăng đáng kể so với con số 244 triệu đồng tại thời điểm đầu năm…

Dới với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vẫn tải, Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PVTrans - Mã: PVT) cũng phải thực hiện giảm giá tất cả các loại hình dịch vụ để chia sẻ khó khăn với khách hàng. Điều này dẫn đến doanh thu thuần quí II giảm 18% so với cùng kì năm trước, còn 1.829 tỉ đồng.

Trong kì, doanh thu tài chính tăng 73% lên 108 tỉ đồng, cùng với việc chi phí tài chính giảm từ 44 tỉ đồng còn 37 tỉ đồng, giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ giảm 6% so với cùng kì, đạt 256 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 234 tỉ đồng, giảm nhẹ 4%.

Vẫn có doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận

CTCP Dịch vụ Lắp đặt, Vận hành và Bảo dưỡng Công trình Dầu khí biển PTSC (Mã: POS) có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất với 157% nhưng lãi ròng chỉ ở mức 18 tỉ đồng. Trong quí II, công ty ghi nhận doanh thu gấp đôi cùng kì năm trước, chủ yếu nhờ doanh thu dịch vụ vận chuyển, lắp đặt, đấu nối, tháo dỡ công trình biển gấp 3 lần quí II/2019.

Doanh nghiệp còn lại có lợi nhuận tăng trưởng là Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (Mã: PVS). Hết quí II, công ty ghi nhận 5.473 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 13% so với cùng kì năm 2019.

Trong cơ cấu chi phí, kì này PVS không còn khoản trích lập dự phòng liên quan đến công nợ phải thu thậm chí được hoàn nhập tới 22 tỉ đồng nên chi phí quản lí doanh nghiệp giảm 61% còn 111 tỉ đồng.

Mặt khác, PVS không phát sinh khoản lỗ khác 133 tỉ đồng của quí II/2019 trên nên lãi sau thuế tăng mạnh 61% lên 272 tỉ đồng dù lãi thuần chỉ tăng 11%.

Tính chung 6 tháng, PVS đạt 8.714 tỉ đồng doanh thu thuần, 393 tỉ đồng lãi sau thuế; giảm lần lượt 2% và 29% so với cùng kì năm 2019. Với kết quả trên, công ty đã thực hiện 58% mục tiêu doanh thu và 61% lợi nhuận cả năm.

Điểm sáng trong bức tranh ảm đảm của ngành dầu khí là CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVCoating - Mã: PVB) chuyển lỗ thành lãi nhờ doanh thu thuần quí II ghi nhận đột biến - đạt 244 tỉ đồng, gấp 16 lần cùng kì năm trước. Kết quả trên có được nhờ trong kì doanh nghiệp vẫn duy trì thực hiện các dự án đã kí.

Theo báo cáo cập nhật tình hình kinh doanh 5 tháng đầu năm, PVB cho biết đã hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng hai dự án bọc ống trọng điểm của ngành Dầu khí là Dự án Nam Côn Sơn điều chỉnh và Sao Vàng Đại Nguyệt với tổng chiều dài 202,5 km ống.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí, PV Coating báo lãi sau thuế quí II đạt 38 tỉ đồng, trái ngược với con số lỗ 20 tỉ đồng của quí II/2019. Tính chung 6 tháng, doanh thu thuần và lãi sau thuế tương ứng là 628 tỉ đồng và 87 tỉ đồng.

Với kết quả trên, sau nửa đầu năm, công ty đã thực hiện vượt 3% kế hoạch doanh thu và 77% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Theo các chuyên gia, vẫn là quá sớm để đưa ra dự báo về diễn biến giá dầu và triển vọng của doanh nghiệp ngành dầu khí trong nửa cuối năm nay khi mà tình hình dịch bệnh vẫn còn khá phức tạp. 

Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu dầu khí là một trong những nhóm có có sự phục hồi yếu ớt sau khi giảm giá mạnh kể từ tháng 3, ngay thời điểm COVID-19 hoành hành.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/doanh-nghiep-dau-khi-ngup-lan-giua-cuoc-chien-gia-dau-va-covid-19-20200804121537511.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/