Định giá doanh nghiệp (Business valuation) là gì? Các phương pháp định giá phổ biến

Định giá doanh nghiệp (tiếng Anh: Business valuation) là một điều tra chi tiết và đánh giá các hoạt động của công ty nhằm xác định giá trị hiện hữu và tiềm năng của một doanh nghiệp.

valuation_banner

Hình minh hoạ (Nguồn: wcginc)

Định giá doanh nghiệp

Khái niệm

Định giá doanh nghiệp trong tiếng Anh được gọi là Business valuation.

Định giá doanh nghiệp là một khoa học và nghệ thuật, đây là hoạt động chuyên môn vừa mang tính kinh tế kĩ thuật, tính pháp lí, vừa mang tính xã hội.

Định giá luôn gắn liền và có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. 

Định giá doanh nghiệp là một điều tra chi tiết và đánh giá các hoạt động của công ty nhằm xác định giá trị hiện hữu và tiềm năng của một doanh nghiệp.

Các phương pháp định giá doanh nghiệp

- Phương pháp giá trị tài sản thuần - NAV (Net Asret Value)

Phương pháp tài sản là phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp trên cơ sở đánh giá giá trị thực tế toàn bộ tài sản hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị của doanh nghiệp. (Thông tư 126/2004/TT-BTC)

Phương pháp định giá theo tài sản thường được sử dụng hiện nay là phương pháp giá trị tài sản thuần. Theo phương pháp này, giá trị của doanh nghiệp bằng với giá thị trường của toàn bộ tài sản trừ cho giá thị trường của tất cả các khoản nợ của doanh nghiệp, hay nghĩa là, giá trị thực tế của tài sản trừ đi giá trị thực tế của tất cả các khoản nợ.

Hạn chế của phương pháp NAV

+ Định giá doanh nghiệp bằng phương pháp giá trị tài sản thuần thường mất nhiều thời gian và chi phí.

Để xác định giá thị trường của các loại tài sản hữu hình khác nhau của doanh nghiệp, cần phải có sự tham gia của nhiều chuyên gia định giá cho nhiều loại tài sản khác nhau. 

Do đó, doanh nghiệp có thể mất nhiều thời gian để tìm kiếm các chuyên gia và chi phí cho việc định giá các tài sản của doanh nghiệp.

+ Phương pháp này cũng không đưa ra hướng dẫn cụ thể cho việc định giá các tài sản vô hình như danh tiếng, uy tín trên thị trường, nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu trí tuê, phát minh sáng chế…

Do đó việc xác định giá trị của tài sản vô hình sẽ phụ thuộc rất nhiều vào chủ quan của người định giá dẫn đến việc giá trị của chúng có thể được định giá quá cao hoặc quá thấp so với giá trị hợp lí.

+ Phương pháp định giá này không quan tâm đến tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của doanh nghiệp, vì phương pháp chỉ xác định giá trị thị trường của tài sản thời điểm hiện tại.

- Xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp dòng tiền chiết khấu (DCF - Disscout cashflow)

Cơ sở lí thuyết của phương pháp đầu tư - dòng tiền chiết khấu DCF này xuất phát từ quan điểm: giá trị của doanh nghiệp là giá trị hiện tại của dòng tiền tương lai mà doanh nghiệp sẽ tạo ra.Không phụ thuộc vào giá trị của tài sản doanh nghiệp.

Phương pháp này dựa trên lí thuyết tài chính được mọi người chấp nhận rằng giá trị của một khoản đầu tư chính là những giá trị tương lai do sự đầu tư đó mang lại được chiết khấu về hiện tại để thể hiện giá trị theo thời gian của dòng tiền.

Theo phương pháp này, tỉ suất chiết khấu dùng để chiết khấu dòng tiền tương lai thể hiện tỉ suất sinh lời mong muốn của doanh nghiệp được định giá và rủi ro của nó. 

Do đó, giá trị của doanh nghiệp, trong trường hợp khái quát nhất, có thể được viết thành hiện giá của ngân lưu tự do kì vọng của doanh nghiệp đó.

Phương pháp DCF được áp dụng khá phổ biến hiện nay, đây là phương pháp thể hiện sự kì vọng tương lai về doanh nghiệp, chính vì vậy rất phù hợp với quan điểm của các nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, phương pháp này có một số nhược điểm sau

+ Rất khó xác định chính xác dòng tiền trong tương lai của doanh nghiệp và chứng minh các số liệu.

+ Tỉ lệ chiết khấu dòng tiền khi xác định thường mang tính chủ quan cao, nếu xác định quá cao sẽ làm giảm giá trị doanh nghiệp và ngược lại.

+ Khó xác định được tiềm năng tăng trưởng của công ty, do môi trường kinh doanh luôn biến động và khó dự đoán. Đặc biệt là trong những thời kì khủng hoảng kinh tế.

Chính những nhược điểm trên, phương pháp này cần được thận trọng và có phương pháp ước lượng dòng tiền phù hợp. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng có thể kết hợp thêm các phương pháp định giá khác để bảo đảm tính hợp lí khi xác định giá của doanh nghiệp.

(Tài liệu tham khảo: Định giá doanh nghiệp, Đại học Duy Tân)

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dinh-gia-doanh-nghiep-business-valuation-la-gi-cac-phuong-phap-dinh-gia-pho-bien-20191012151239355.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/