Đỉnh cao Đặng Văn Thành, 'bê bết' Trầm Bê - Phan Huy Khang

Từng “hoàng kim” dưới thời Đặng Văn Thành nhưng Sacombank nhanh chóng gặp khó khăn dưới thời ông Trầm Bê - Phan Huy Khang chỉ sau 2 năm.

sacombank va lo trinh tro lai thoi hoang kim
Sacombank và lộ trình trở lại thời hoàng kim (Ảnh: Sacombank)

Gần 20 năm ngồi ghế chủ tịch HĐQT, ông Đặng Văn Thành là một trong những người đưa Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) từ một ngân hàng nhỏ thành thương hiệu lớn. Vậy nên nhắc đến Sacombank là nhắc đến ông Đặng Văn Thành và ngược lại.

Người tạo nên “hồn” cho Sacombank

Ông Đặng Văn Thành bắt đầu làm việc tại Sacombank từ năm 1993 với vai trò là Ủy viên HĐQT Sacombank, bắt đầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Sacombank từ năm 1994. Ông được xem là người tạo nên “hồn” cho Sacombank và đưa nhà băng này từ một ngân hàng địa phương được sinh ra bởi việc hợp nhất Ngân hàng Phát triển Kinh tế Gò Vấp (TP.HCM) với 3 hợp tác xã tín dụng quận trở thành một thương hiệu lớn trong ngành tài chính ở Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của ông Thành, Sacombank ngay khi vừa thành lập đã là ngân hàng đầu tiên khai trương chi nhánh tại Hà Nội, phát hành kỳ phiếu có mục đích và chuyển tiền nhanh giữa Hà Nội đi TP.HCM, giảm thanh toán tiền mặt.

Năm 1996, Sacombank là ngân hàng đầu tiên phát hành cổ phiếu đại chúng với mệnh giá “khủng” lên tới 200.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là sự kiện nhà băng này hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 7.100 tỷ đồng với gần 9.000 cổ đông tham gia góp vốn. Sacombank cũng ghi dấu ấn với việc là ngân hàng đi tiên phong trong thành lập tổ tín dụng ngoài địa bàn, đưa vốn về nông thôn, góp phần cải thiện đời sống của các hộ nông dân và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi trong nền kinh tế. Năm 2006, Sacombank là ngân hàng đầu tiên niêm yết 190 triệu cổ phiếu, song Chủ tịch Đặng Văn Thành không kỳ vọng về giá mà chỉ mong muốn thu hút được nhà đầu tư chiến lược.

Giai đoạn từ 2005-2010, kết quả kinh doanh đều tăng trưởng trên dưới 50%. Năm 2011 - năm cuối cùng ông Đặng Văn Thành ở lại Sacombank, lợi nhuận đã đạt tới hơn 2.700 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu chưa đến 1%.

Sacombank đã được ông Đặng Văn Thành xây dựng với một nền tảng vững chắc, trong đó đặc biệt nhất là giá trị con người. Các nhân sự từ quản lý cấp trung đến cấp cao đều được đào tạo từ chính nhân viên Sacombank - một nét rất khác so với những nhà băng còn lại.

Rủi thay, vòng xoáy thâu tóm đã khiến vị thuyền trưởng của Sacombank phải rời khỏi con tàu này. Tại thời điểm tháng 5/2012, đại hội cổ đông của Sacombank đã chính thức hóa cuộc chuyển giao với hàng loạt nhân sự mới đến từ Southern Bank nhảy vào quản lý Sacombank, còn các nhà đầu tư thuộc nhóm ông Đặng Văn Thành đành phải rút lui.

sacombank va lo trinh tro lai thoi hoang kim
Giao dịch tại ngân hàng Sacombank.

Khó khăn “ẩn hiện” dưới thời Trầm Bê

Trong năm 2015, có lẽ thương vụ ở Sacombank là “đình đám” nhất và tốn nhiều giấy mực nhất của giới truyền thông. Bởi lẽ, đó là cuộc thâu tóm ngược - khi ông chủ của một ngân hàng nhỏ là ông Trầm Bê đến từ Ngân hàng Phương Nam nắm gọn ngân hàng này.

Cho đến tận ĐHCĐ diễn ra ngày 30/6 vừa qua, cổ đông của ngân hàng này vẫn nhắc lại việc thâu tóm này như là một nỗi đau mà họ đã phải chịu đựng những năm qua. Nhưng quay ngược thời điểm thâu tóm, ông Trầm Bê đã trấn an rằng không có vấn đề gì phải quan ngại, vì lãnh đạo ngân hàng đã tính toán rất kỹ và điều gì có lợi cho cổ đông mới làm.

Dưới thời ông Trầm Bê, Sacombank vẫn được thừa hưởng những nền tảng được xây dựng trước đó. Thế nhưng sau cuộc sáp nhập, thực tế lại không toàn màu hồng. Báo cáo tài chính kiểm toán cho thấy lợi nhuận của Sacombank năm 2015 chỉ còn chưa đầy 700 tỷ đồng và năm 2016 còn chưa có nổi 100 tỷ đồng. Lý do là ngân hàng phải dành gần hết lợi nhuận làm ra để trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ xấu mà Phương Nam mang về sau sáp nhập.

Vì sao Sacombank lại gặp tình cảnh như vậy? Theo kết quả điều tra vụ án của ông Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB). Chỉ vì quen biết, là Phó Chủ tịch của Sacombank mà ông Trầm Bê đã trực tiếp dẫn Phạm Công Danh đi gặp Phan Huy Khang, Tổng Giám đốc Sacombank và chỉ đạo ông Khang cho Danh vay 1.800 tỷ đồng.

Tại cơ quan điều tra, ông Trầm Bê khai khi Phạm Công Danh đến gặp ông để đặt vấn đề vay tiền, ông đã đồng ý với điều kiện phải có tài sản bảo đảm hoặc tiền gửi. Danh đồng ý với Trầm Bê gửi tiền sang Sacombank để ngân hàng này cho một số công ty của Danh vay tiền.

Ông Bê thừa nhận hồ sơ vay vốn của 6 công ty không được thẩm định thực tế hoặc thẩm định sơ sài về năng lực tài chính. Khi quyết định cho vay chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định.

Đối với ông Trầm Bê và 14 cá nhân tại Sacombank có liên quan, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho rằng đã có hành vi sai phạm nghiêm trọng trong việc cho Phạm Công Danh vay.

Tuy nhiên, không hiểu sao có ý kiến đề nghị không xử lý ông Bê và các cá nhân về hành vi vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Nhưng những tổn thất mà họ đã gây ra cho Sacombank, các ông Trầm Bê và Phan Huy Khang phải chịu trách nhiệm khi để cho Sacombank trở thành ngân hàng đi sau trong khi nền tảng trước đó hết sức vững chắc

Nếu như năm 2005, Sacombank ghi nhận nguồn vốn tự có 1.700 tỷ đồng và mạng lưới tại 31/64 tỉnh thành thì đến năm 2009 vốn đã ở mức hơn chục ngàn tỷ đồng và mạng lưới phủ khắp các tỉnh thành. Năm 2009, cổ phiếu STB của ngân hàng này còn được bình chọn là một trong những cổ phiếu “vàng” của thị trường.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dinh-cao-dang-van-thanh-be-bet-tram-be-phan-huy-khang-28032.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/