Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất: Sẽ xây sân bay lưỡng dụng trên đảo Lý Sơn, bố trí 14.000 ha làm các khu đô thị

Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã phê duyệt Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045.

Khu kinh tế (KKT) Dung Quất sau điều chỉnh có tổng diện tích khoảng 45.332 ha, trong đó phần diện tích đất liền khoảng 33.581 ha, đảo Lý Sơn 1.492 ha và diện tích mặt nước (vùng biển) khoảng 10.711 ha.

Phạm vi KKT Dung Quất bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của các xã: Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Thuận, Bình Trị, Bình Hải, Bình Phước, Bình Châu, Bình Hòa, Bình Tân Phú, Bình Thanh, Bình Dương, thị trấn Châu Ổ, và một phần diện tích các xã Bình Long, Bình Nguyên, Bình Hiệp, Bình Trung thuộc huyện Bình Sơn; toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Tịnh Phong và một phần diện tích của xã Tịnh Thọ thuộc huyện Sơn Tịnh; toàn bộ diện tích tự nhiên xã Tịnh Hòa, xã Tịnh Kỳ thuộc TP Quảng Ngãi.

Phía đông KKT Dung Quất giáp biển Đông; phía tây giáp đường sắt Bắc Nam; phía nam giáp TP Quảng Ngãi và phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam.

Một góc KKT Dung Quất hiện nay. (Ảnh: BSR).

Tỷ lệ đô thị hoá đến 2045 đạt 95%

Về tính chất, KKT Dung Quất được định hướng là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp.

Trong đó, trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng với các ngành chủ đạo: Luyện cán thép, đóng tàu biển và các ngành công nghiệp khác gắn với việc khai thác cảng nước sâu.

Đây cũng là khu vực phát triển đô thị; trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia; trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Là một trong các đầu mối giao thông vận tải, trao đổi hàng hóa và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia.

Đến năm 2030, dân số KKT Dung Quất khoảng 347.000 người, trong đó dân số đô thị là 295.000 người, nông thôn khoảng 52.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 85%.

Tầm nhìn đến năm 2045, dân số KKT Dung Quất khoảng 575.000 người, trong đó dân số đô thị là 546.000 người, nông thôn khoảng 29.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 95%.

Về quy mô đất đai, đến năm 2030, đất xây dựng các khu, cụm công nghiệp khoảng 4.403 ha; đất xây dựng các khu dân dụng khoảng 7.183 ha; đất xây dựng các khu du lịch, dịch vụ tập trung khoảng 1.433 ha.

Đến năm 2045, đất xây dựng các khu, cụm công nghiệp khoảng 8.040 ha; đất xây dựng các khu dân dụng khoảng 9.365 ha; đất xây dựng các khu du lịch, dịch vụ tập trung khoảng 2.901 ha.

Bố trí 14.000 ha làm khu đô thị

Khu vực dự kiến làm Khu thương mại - dịch vụ du lịch Vũng cồn An Vĩnh trên đảo Lý Sơn. (Ảnh tư liệu: Văn Luận).

Về tổ chức các khu chức năng, không gian phát triển mới của các khu chức năng trong KKT Dung Quất được điều chỉnh, sắp xếp lại.

Cụ thể, Trung tâm điện lực Dung Quất sẽ được bổ sung Trung tâm điện khí, diện tích khoảng 103 ha thuộc địa bàn xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn.

Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ có tổng diện tích khoảng 8.040 ha, với 7 khu vực phát triển công nghiệp tập trung, trong đó các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được điều chỉnh có tổng diện tích khoảng 4.215 ha.

Quy hoạch bổ sung Cụm công nghiệp Tịnh Phong khoảng 75 ha; Quy hoạch bổ sung các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khoảng 3.750 ha.

Cảng, sân bay và các trung tâm dịch vụ hậu cần, logistic, có diện tích khoảng 608 ha, trong đó: Khu bến Dung Quất, Sa Kỳ, Tịnh Hòa - Tịnh Kỳ, Lý Sơn, diện tích khoảng 300 ha; sân bay Lý Sơn khoảng 153 ha; trung tâm dịch vụ hầu cần cảng, logistics, diện tích khoảng 155 ha.

Các đô thị, khu đô thị có tổng diện tích khoảng 14.000 ha, gồm: Đô thị Lý Sơn (huyện Lý Sơn), đô thị Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh) và 4 khu đô thị hạt nhân của đô thị Bình Sơn (Dốc Sỏi, Châu Ổ - Bình Long, Vạn Tường, Đông Nam Dung Quất), khu đô thị Tịnh Hòa -Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi), trong đó đất xây dựng dân dụng khoảng 9.365 ha.

Trung tâm nghiên cứu, đào tạo tiếp tục được nâng cấp, mở rộng tại khu đô thị Vạn Tường; quy hoạch bổ sung mới tại khu đô thị Châu Ổ - Bình Long và đô thị Tịnh Phong. Diện tích quy hoạch mới khoảng 89 ha.

Khu du lịch, khu dịch vụ tập trung, với diện tích khoảng 713 ha, quy hoạch 6 khu vực, gồm: Khu vực Thiên Đàng - Khe Hai thuộc xã Bình Thạnh; đầm Thuận Phước thuộc xã Bình Thuận; biển Lệ Thủy, Gành Yến thuộc xã Bình Trị và Bình Hải; biển Bình Châu thuộc xã Bình Châu và huyện đảo Lý Sơn. Các khu dân cư, làng xóm đô thị hóa có diện tích khoảng 4.275 ha

Sẽ có nhiều khu du lịch, nghỉ dưỡng

KKT Dung Quất. (Ảnh: CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn).

Về định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế, KKT Dung Quất sẽ tập trung nâng cao giá trị các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn. Đẩy mạnh phát triển các mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái. Phát triển thành một trong những trung tâm công nghiệp ven biển trọng điểm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ.

Hình thành và phát triển khu du lịch quốc gia (Lý Sơn - Bình Châu - Mỹ Khê), đưa dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đô thị gắn với sự kiện, lễ hội, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch sinh thái biển; du lịch vui chơi giải trí cao cấp. Đẩy mạnh kết nối du lịch KKT Dung Quất với các trung tâm du lịch trọng điểm quốc gia và khu vực bằng hệ thống mạng lưới đường bộ cao tốc, đường bộ ven biển, đường thủy, đường biển, đường hàng không.

Hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí hiện đại, đẳng cấp mang tầm quốc tế tại khu vực bãi tắm Khe Hai, đầm Thuận Phước, Lệ Thủy, Gành Yến, Bình Châu, Lý Sơn. Xây dựng, cải tạo, nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch, từng bước hình thành khu du lịch trọng điểm quốc gia Lý Sơn - Bình Châu - Mỹ Khê.

Ưu tiên làm sân bay lưỡng dụng trên đảo Lý Sơn

Một góc đảo Lý Sơn hiện nay. (Ảnh tư liệu: Văn Luận).

Trong nội dung về quy hoạch giao thông, tại KKT Dung Quất được quy hoạch xây dựng sân bay trên đảo Lý Sơn, với tính chất là sân bay lưỡng dụng kết hợp giữa sân bay quân sự và sân bay dân dụng cấp 4C, năng lực khai thác từ 3 triệu đến 3,5 triệu hành khách/năm. Cảng hàng không Lý Sơn sẽ là dự án được ưu tiên đầu tư.

Trên đảo Lớn của Lý Sơn sẽ phát triển các khu đô thị dọc mặt tiền bờ biển phía Nam theo hướng tiếp cận trực tiếp đường bờ biển, phát triển các khu sinh thái biển.

Cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và bảo tồn không gian phố cổ, hình thành các tuyến phố đi bộ, phố du lịch, phát triển các công trình hỗn hợp đa chức năng trên cơ sở sử dụng tiết kiệm quỹ đất trên đảo.

Đối với đảo Bé của Lý Sơn, sẽ phát triển các khu dân cư mới theo hướng kết hợp ở và khai thác phục vụ du lịch. Định hướng phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; khai thác và sử dụng bền vững không gian và tài nguyên biển phục vụ phát triển du lịch. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dieu-chinh-quy-hoach-khu-kinh-te-dung-quat-se-xay-san-bay-luong-dung-tren-dao-ly-son-bo-tri-14000-ha-lam-cac-khu-do-thi-202331371618840.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/