Điện khí Bạc Liêu: Lo ngại khi nhà đầu tư bán điện giá rẻ

Dự án điện khí (LNG) Bạc Liêu đang tồn tại nhiều sự tranh cãi khi Bộ Công Thương tính toán giá bán điện dự kiến sẽ là 8,39 cent/kWh (chưa tính chi phí đầu tư lưới điện đồng bộ) nhưng chủ đầu tư cam kết chỉ bán 7 cent/kWh cho cả vòng đời dự án.

Bộ Công Thương mới đây đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung dự án Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu vào Tổng sơ đồ điện VII với toàn bộ tổng công suất là 3.200 MW (20204-2027). Giá bán điện do nhà đầu tư cam kết cho cả vòng đời dự án là 7 xu (cent) Mỹ/kWh.

Điện khí Bạc Liêu: Lo ngại khi nhà đầu tư bán điện giá rẻ - Ảnh 1.

Dự án điện khí LNG Bạc Liêu dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2024. Trong ảnh là phối cảnh dự án. Ảnh: VGP

Hồi tháng 3 năm nay, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng chấp thuận đưa giai đoạn I của dự án (825 MW, dự kiến đi vào vận hành từ 2024) với những kiến nghị thận trọng. 

Sau đó, vấp phải sự ủng hộ tích cực của một số đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019) vừa qua, Bộ Công Thương đã quyết định trình cả 4 giai đoạn dự án vào quy hoạch.

Tuy đề xuất như trên nhưng giữa cơ quan quản lý và nhà đầu tư có rất nhiều quan điểm trái ngược nhau. Đây là dự án mà Bộ Công Thương bày tỏ sự thận trọng trước các đề xuất rất lạc quan của nhà đầu tư, trong đó có những vấn đề liên quan đến giá thành bán điện.

Khi xem xét kiến nghị của chủ đầu tư dự án là Công ty Delta Offshore Enegry (thành lập tháng 6-2018) tại Singapore, Bộ Công Thương thấy rằng nếu giá điện là 7 cent/kWh cho cả vòng đời dự án, cầnn xem xét lại quy mô và thời điểm xuất hiện cũng như phân kỳ đầu tư dự án. 

Nếu không làm rõ, phân kỳ đầu tư kéo dài mà thực hiện không đúng, sẽ làm mất cơ hội của các dự án tương tự trong tương lai.

Theo kết quả tính toán của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Công Thương, khu vực đồng bằng Tây Nam bộ là nơi tập trung nhiều nguồn nhiệt điện lớn, có tiềm năng về điện gió nên khả năng giải tỏa công suất điện bị hạn chế. 

Hiện cần phải xây dựng 355 km đường dây 500 kV để giải tỏa công suất với ước tính tổng mức đầu tư khoàng 285 triệu đô la Mỹ nhưng tiến độ đầu tư đường truyền tải là rất khó khăn.

Hơn nữa, điều kiện địa lý của dự án khá bất lợi do cảng nhập khí LNG cách đất liền 35 km, chưa đánh giá được luồng tàu, vũng quay. Vị trí xây nhà máy điện trên đất liền có nền đất yếu. Việc giải tỏa công suất bằng cách xây đường dây truyền tải (đến nay chưa xác định được) sẽ làm tăng chi phí đầu tư toàn bộ dự án, dẫn đến tăng giá bán .

Mặt khác, nếu giá bán khí cho dự án thực hiện theo quy định hiện hành là 8,37 đô la/triệu BTU thì số giờ vận hành tương đương là 6.000 giờ/năm dẫn đến giá bán điện của dự án sẽ phải là 8,39 cent/kWh (không bao gồm chi phí đầu tư lưới).

Còn thực tế, tỉ lệ góp vốn của chủ đầu tư cho dự án có tổng mức đầu tư hơn 4 tỉ đô la hiện mới có 15%, 85% đi vay chưa có cam kết ngân hàng chính thức sẽ ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án

Delta Offshore Enegry Pte Ltd (DOE) được thành lập tháng 6-2018 tại Singapore giữ vai trò là thành viên đứng đầu phát triển dự án cùng các đối tác chiến lược là Tập đoàn GE và DNB Bank (Den Norsk Bank). 

Đây là dự án mà tỉnh Bạc Liêu đã ký biên bản ghi nhớ với Công ty DOE từ tháng 12-2018 với quy mô 4 tổ máy, dự kiến khởi công cuối năm 2020, với giá bán điện khí dự kiến là 7 cent Mỹ/kWh và dự kiến sẽ đi vào hoạt động cuối 2024.

Hồi tháng 6 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng yêu cầu Công ty TNHH Năng lượng sạch Bạc Liêu (liên danh do DOE đứng đầu) làm rõ một số vấn đề liên quan đến năng lực tài chính của chủ đầu tư. 

Theo hồ sơ dự án, tổng vốn đầu tư là 93.600 tỉ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 15% tổng mức đầu tư là 14.040 tỉ đồng. Vốn vay tối đa 85% tổng mức đầu tư là 79.560 tỉ đồng.

Ngay tại thời điểm đó, nhà đầu tư phát triển dự án và các đối tác chiến lược cam kết lịch góp vốn phụ thuộc vào việc hoàn thành các giấy tờ được phê duyệt, chấp thuận cho thực hiện dự án. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND tỉnh Bạc Liêu yêu cầu nhà đầu tư làm rõ khả năng huy động vốn và lộ trình góp vốn vào doanh nghiệp. Ngoài ra, DOE mới thành lập, chưa có báo cáo tài chính 2 năm gần nhất nên bộ chưa có cơ sở để đánh giá nguồn vốn của DOE.

Nhà đầu tư này cũng đề nghị thời gian thực hiện dự án là 70 năm, trong khi quy định các dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm, ngoại trừ dự án thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn hoặc thời gian thu hồi vốn chậm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dien-khi-bac-lieu-lo-ngai-khi-nha-dau-tu-ban-dien-gia-re-20191204213511029.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/