Dịch COVID-19 đẩy nhanh quá trình chấm dứt dùng tiền mặt

Nguy cơ lây nhiễm COVID-19 qua việc sử dụng tiền giấy và tiền xu đã thúc đẩy các phương tiện thanh toán điện tử tại Pháp cũng như việc chuyển đổi sang một xã hội không tiền mặt.

Dịch COVID-19 đẩy nhanh quá trình chấm dứt dùng tiền mặt - Ảnh 1.

Đồng tiền giấy euro các mệnh giá 5,10, 20 và 50 euro.Ảnh: AFP/TTXVN

Trong tiệm bánh Bo & Mie ở Paris, một tấm biển nhỏ đề nghị khách hàng "Vui lòng thanh toán bằng thẻ ngân hàng, ưu tiên thẻ không tiếp xúc", để giảm bớt thời gian thanh toán và đảm bảo yêu cầu vệ sinh.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 lan rộng ở Pháp, những tấm biển như vậy xuất hiện ngày càng nhiều trong các cửa hàng và siêu thị nhỏ. "Đây là một khoảnh khắc lịch sử", theo nhận xét của ông Gilles Grapinet, Tổng Giám đốc Worldline, tập đoàn dịch vụ thanh toán hàng đầu châu Âu.

Lần đầu tiên trong lịch sử những cuộc khủng hoảng, người dân Pháp đã không đổ xô đến ngân hàng để rút tiền mặt. Theo ông Erick Lacourrège, một Giám đốc tại Ngân hàng trung ương Pháp, trong khoảng thời gian 8 tuần phong tỏa quốc gia, hoạt động rút tiền mặt đã giảm 50% về khối lượng và 40% về giá trị, điều chưa từng thấy trong vòng 15 năm qua.

Trong một nghiên cứu được công bố vào tháng Tư, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) khẳng định rằng đại dịch COVID-19 đã gây ra mối lo ngại chưa từng có trước nguy cơ virus lây nhiễm qua tiền mặt. BIS xác nhận rằng số lượng tìm kiếm trên Internet liên quan đến các từ khóa "tiền mặt" và "virus" đã đạt mức kỷ lục, đặc biệt là ở Pháp.

Để trấn an người dân, một số ngân hàng trung ương, như của Hàn Quốc, Hungary và Kuwait, đã tích cực tuyên truyền về việc khử trùng hoặc kiểm dịch tiền giấy.

Ngân hàng trung ương Pháp đã phối hợp với một số phòng thí nghiệm để nghiên cứu về khả năng sống sót của vi khuẩn và virus trên tờ tiền giấy. Kết luận được đưa ra là thời gian tồn tại ngắn hơn so với các bề mặt khác như nhựa và kim loại, đồng thời số lượng virus suy yếu mạnh sau 3 giờ.

Từ khi bắt đầu đại dịch, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến nghị ủng hộ các phương thức thanh toán không tiếp xúc. Vào ngày 25/3, Cơ quan quản lý ngân hàng châu Âu đã khuyến khích tăng giới hạn thanh toán không tiếp xúc của mỗi thẻ ngân hàng từ 30 lên 50 euro trên toàn lục địa, để hạn chế sử dụng tiền giấy hoặc tiền xu.

Trong thời gian phong tỏa, sự e ngại đối với tiền mặt đã mang lại lợi ích cho thanh toán điện tử, nhất là phương thức không tiếp xúc. Trong tháng 4/2020, hơn 60% giao dịch dưới 30 euro được các khách hàng của ngân hàng BPCE thực hiện bằng mô hình thanh toán không tiếp xúc, so với tỷ lệ 41% cùng kỳ năm ngoái.

Tất cả các ngân hàng đều cùng ghi nhận sự tăng tốc trong thanh toán điện tử. Cơ quan quản lý thẻ ngân hàng Pháp cho biết trung bình 66% các khoản thanh toán dưới 30 euro đã được thực hiện trong tuần cuối của thời gian phong tỏa. 

Khi giới hạn giao dịch không tiếp xúc được nâng lên 50 euro tại Pháp từ ngày 11/5, khoảng 30% các khoản thanh toán từ 30 euro đến 50 euro bằng thẻ ngân hàng đã chuyển sang phương thức không tiếp xúc trong vòng vài ngày.

Tiền xu và tiền giấy cũng bị ảnh hưởng bởi thói quen tiêu dùng mới trong thời gian phong tỏa, ví dụ như dịch vụ "click & collect" (tức là đặt hàng trực tuyến và đến cửa hàng hoặc một điểm cung cấp để nhận hàng) mà nhiều chuỗi cửa hàng đã cung cấp cho khách hàng một cách nhanh chóng.

Người tiêu dùng Pháp đang dần quen với việc đặt hàng và thanh toán trực tuyến, sau đó đi lấy hàng tại một điểm cung cấp. Các giải pháp thanh toán điện tử như Paylib hoặc ứng dụng Lydia phát triển nhanh thời gian qua.

Phải chăng tiền mặt, vốn được người dân Pháp ưa chuộng cho những khoản thanh toán nhỏ, sẽ sớm trở thành quá khứ? "Tôi không nghĩ rằng cuộc khủng hoảng y tế có thể nhanh chóng xóa bỏ một thói quen, song nó thúc đẩy mạnh mẽ một trào lưu mới", theo ông Gilles Grapinet, Tổng Giám đốc tập đoàn Worldline.

Tuy nhiên, một nghịch lý đang tồn tại. Dù người dân giảm sử dụng tiền mặt, các ngân hàng trung ương khu vực đồng euro lại phát hành số lượng lớn tiền giấy. Hiện tại, 1.400 tỷ euro đang lưu thông bằng tiền mặt, tăng 5% so với năm 2019 trên toàn Khu vực sử dụng đồng euro và thậm chí tăng 9% tại Pháp.

Theo Ngân hàng trung ương Pháp, khoảng 1/3 tiền giấy euro "được xuất khẩu" vì đồng euro, như đồng USD, được coi là một loại tiền tệ ổn định để tích trữ, đặc biệt là ở châu Phi, Nga, Đông Âu và Trung Đông. Khoảng 1/3 lượng tiền mặt được người dân châu Âu cất giữ và 1/3 còn lại được dùng để thanh toán.

Tất cả các chuyên gia đều đồng ý ở một điểm, đó là thói quen thanh toán thay đổi rất chậm. Sự phát triển của thanh toán di động với điện thoại thông minh là một ví dụ, chỉ chiếm dưới 1% số lượng giao dịch thanh toán bằng thẻ vào năm 2019.

Nhà sản xuất điện thoại iPhone tỏ ra tin tưởng vào sự phát triển trong tương lai của giải pháp Apple Pay, khi giao dịch đã tăng gấp đôi trong một năm trên toàn thế giới và hiện được chấp nhận bởi 90% thẻ ngân hàng và 60% điểm bán hàng tại Pháp. 

Nhưng tại BPCE, một ngân hàng tiên phong của Apple Pay ở Pháp từ năm 2016, không một thay đổi nào được ghi nhận trong thời gian phong tỏa quốc gia.

Tiền mặt sẽ không đột ngột biến mất. Ngân hàng trung ương Pháp đang theo dõi sát sao, khi còn nhiều dân nghèo không có phương tiện thanh toán nào khác ngoài tiền mặt. Trong đại dịch, Ngân hàng trung ương Pháp đã phải nhắc nhở các thương gia rằng tiền mặt được sử dụng hợp pháp và không thể bị từ chối.

Không thể phủ nhận rằng thương mại điện tử năng động hơn 5 đến 6 lần so với thương mại truyền thống. Ngày càng có nhiều hàng hóa ảo như thuê bao âm nhạc Spotify hay các trò chơi trực tuyến, mà người mua không thể trả bằng tiền mặt. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đề nghị thanh toán qua ứng dụng trực tuyến như Uber.

Các quy định cũng không khuyến khích sự phát triển của tiền mặt, vì những lý do liên quan đến kinh tế ngầm, khủng bố, bất bình đẳng về thuế. Công nghệ mới góp phần thúc đẩy việc thanh toán điện tử. 

BNP Paribas hiện đang thử nghiệm thẻ ngân hàng sinh trắc học với cảm biến vân tay, cho phép thanh toán không tiếp xúc mà không bị giới hạn bởi mức trần. Loại thẻ này dự kiến sẽ có mặt trên thị trường vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, các loại tiền điện tử đang dần thu hút sự chú ý tuy chưa chính thức được các quốc gia công nhận. Bitcoin, phiên bản phi tập trung nhất nhưng cũng dễ biến động nhất, vẫn bị giới hạn trong phạm vi nhóm người tiêu dùng đặc biệt. 

Libra, dự án thương mại được Facebook ra mắt vào năm 2019 với 28 đối tác, đã gặp những thất bại về quy định. Libra hy vọng có thể ra mắt trước cuối năm 2020 sau khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý thị trường tài chính Thụy Sỹ.

Novi, ví tiền do Facebook tạo ra dựa trên cơ sở hạ tầng Libra, đang trong quá trình được cấp phép ở một số quốc gia và khu vực. Novi hy vọng sẽ thu hút những nhà chuyển tiền quốc tế, cũng như những người muốn trao đổi tiền giữa các cá nhân hoặc mua hàng trên Facebook và các công ty con WhatsApp và Instagram.

Những tập đoàn công nghệ hàng đầu tin tưởng vào sự thành công của những ứng dụng mới. Giải pháp thanh toán di động Google Pay đã số hóa thẻ khách hàng thân thiết của các cửa hàng Etam, Mr Bricolage, hoặc vé máy bay của Air France.

Nhà sản xuất điện thoại iPhone mơ ước một ngày nào đó có thể quản lý giấy tờ tùy thân cá nhân hoặc giấy phép lái xe. Facebook đề cập đến các hợp đồng kỹ thuật số về tài sản, khoản vay hoặc bảo hiểm liên quan đến đồng Libra.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dich-covid-19-day-nhanh-qua-trinh-cham-dut-dung-tien-mat-20200613144419478.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/