Dịch corona có thể là động lực cho NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2020

Theo phân tích từ MBS, khả năng suy yếu của hoạt động kinh tế do dịch bệnh có thể sẽ là động lực để NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ cho năm 2020.

Dịch corna có thể là động lực cho NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2020 - Ảnh 1.

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước (Ảnh: Trúc Minh).

NHNN sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ?

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế năm 2020 của CTCP Chứng khoán MB (MBS), khi dịch cúm corona có tác động giảm phát lên phần lớn giá hàng hoá và dịch vụ do nhu cầu tiêu dùng suy giảm, hệ quả của việc hoạt động kinh tế suy yếu hơn trong nửa cuối quí do dịch bệnh có thể là động lực cho chính sách tiền tệ nới lỏng hơn từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). 

Động thái này sẽ phần nào cân bằng tác động lên lạm phát của dịch cúm corona. Tuy nhiên, do lạm phát đang ở mức cao cuối năm 2019 và tháng 1/2020, NHNN sẽ bị hạn chế trong khả năng tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế.

Các chuyên gia của MBS cho rằng nhìn chung, áp lực lên lạm phát trong thời gian tới sẽ giảm đi do sự suy yếu của hoạt động kinh tế trong quí I và nửa đầu quí II.

Lạm phát sẽ suy giảm trong tháng 2

Trong tháng 1, lạm phát tiếp tục tăng mạnh trong do ảnh hưởng của giá thịt lợn và nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 tăng 6,4% so với cùng kì 2019, tăng từ mức 5,2% của tháng 12 theo số liệu công bố của Tổng Cục thống kê Việt Nam. 

Nguồn cung hạn chế do dịch tả lợn châu phi trong khi nhu cầu dịp tết tăng cao làm giá thịt lợn tăng 8,3% so với tháng trước khiến chỉ số nhóm thực phẩm tăng mạnh 2,6% so với tháng trước. 

Tuy vậy, MBS cho rằng áp lực tăng của giá thịt lợn lên lạm phát sẽ suy giảm từ cuối quí 1 do nhu cầu tiêu thụ thịt lợn thường có xu hướng giảm mạnh tháng sau Tết. Đồng thời, nguồn cung thịt lợn sẽ gia tăng khi chính phủ cho phép nhập khẩu 100,000 tấn thịt lợn trong quí I/2020 và sản xuất thịt lợn trong nước sẽ gia tăng khi các doanh nghiệp lớn và các hộ gia đình tăng cường tái đàn trong thời gian tới. 

Trên thực tế vào đầu tháng 2, giá heo hơi hiện ở mức 80,000-82,000/kg, giảm 10,000 đồng so với tháng 12. 

Cùng với đó, giá dầu giảm mạnh do dịch cúm corona là nhân tố sẽ làm giảm áp lực lạm phát các tháng tới. Dịch cúm corona bùng phát làm bức tranh triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quí I và quí II trở nên ảm đảm hơn. Dự báo sẽ làm giảm tăng trường kinh tế Trung Quốc từ 0,5-1,5%, gián đoạn nền công nghiệp sản xuất vốn đã suy yếu của nước này do chiến tranh thương mại. 

Giá dầu và giá hàng hoá cơ bản sụt giảm mạnh trước rủi ro nhu cầu đầu vào tại Trung Quốc tiếp tục suy yếu. Giá dầu Brent đã giảm 15% từ đầu năm đến nay từ mức 66 USD/thùng, hiện ở mức 56,3 USD/thùng (ngày 6/02). 

Chúng tôi cho rằng áp lực lạm phát sẽ suy giảm trong tháng 2 khi nhu cầu tiêu dùng có xu hướng giảm sau Tết. Đồng thời ảnh hưởng của dịch cúm corona khiến nhu cầu tiêu dùng không thiết yếu hạn chế hơn. 

Giá thịt lợn hạ nhiệt khi các bếp ăn học sinh, sinh viên nghỉ thêm 2 tuần và nhu cầu tại các chợ truyền thống suy yếu do dịch cúm, giá dầu và hàng hoá cơ bản giảm mạnh sẽ là các yếu tố làm giảm áp lực lạm phát trong tháng tới.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dich-corna-co-the-la-dong-luc-cho-nhnn-noi-long-chinh-sach-tien-te-trong-nam-2020-20200210081038566.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/