ĐHĐCĐ MBBank: Thay đổi 7 người trong HĐQT, 3 người trong Ban kiểm soát, sẽ bán vốn MBS cho nhà đầu tư ngoại

Năm 2019, MBBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 23% đạt 9.560 tỉ đồng, tăng vốn điều lệ lên khoảng 25.841 tỉ đồng thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ 8%, chào bán riêng lẻ 258 triệu cp và ESOP.

Sáng nay (27/4), Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank - Mã: MBB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2018. Đại hội sẽ thực hiện biểu quyết về một số báo cáo như kết quả kinh doanh năm 2018, kế hoạch kinh doanh năm 2019, phương án tăng vốn điều lệ,... và bầu Hội đồng Quản trị (HĐQT), Ban kiểm soát nhiệm kì mới.

Tại thời điểm bắt đầu đại hội, số lượng cổ đông tham dự là đại diện cho 68,06% số cổ phần có quyền biểu quyết của ngân hàng.

Đại hội thông qua tất cả các tờ trình.

ĐHĐCĐ MBBank: Thay đổi 7 người trong HĐQT, 3 người trong Ban kiểm soát, sẽ bán vốn MBS cho nhà đầu tư ngoại - Ảnh 1.

Ban lãnh đạo ngân hàng lấy ý kiến biểu quyết các cổ đông. (Ảnh DB)

Thảo luận:

Về KQKD năm 2018, chưa đề cập đến tình hình hoạt động kinh doanh của các công ty con, công ty liên kết của MBBank. Xin ban lãnh đạo cho biết cụ thể về kết quả hoạt động của công ty tài chính Mcredit, kế hoạch năm 2019 như thế nào?

Tổng Giám đốc Lưu Trung Thái: MBBank hiện có 6 công ty thành viên, lợi nhuận từ các công ty năm 2018 là 715 tỉ đồng trong khi năm 2017 chỉ đạt 29 tỉ đồng. Năm 2017 lợi nhuận thấp là do lỗ hơn 200 tỉ đồng từ công ty bảo hiểm nhân thọ.

Cụ thể, AMC lãi 315 tỉ, tăng 224% do lợi nhuận đột biến từ thu bán tài sản; MB Capital lãi 26 tỉ, tăng 25%; MBS lãi 202 tỉ, tăng 800%; MIC lãi 135 tỉ đồng, 240%; MB Ageas: lỗ 319 tỉ trong kế hoạch; MCredit lãi 320 tỉ đồng (năm 2017 là 2 tỉ đồng).

Kế hoạch năm 2019, lợi nhuận tổng từ nhóm công ty này là 1.421 tỉ đồng, gấp đôi so với năm trước. Trong đó, AMC lãi 215 tỉ; MBCapital: 115 tỉ; MBS lãi 215 tỉ; MIC lãi 380 tỉ; MB Ageas hoà vốn (đây là điểm bất ngờ vì thường công ty bảo hiểm nhân thọ phải mất khoảng 7 năm mới có thể hoà vốn); Mcredit: 400 tỉ.

Xin cho biết rõ hơn về chỉ tiêu dự kiến cổ tức, việc tăng vốn điều lệ trong 5 năm tới? Tại sao không phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu?

Tổng Giám đốc Lưu Trung Thái: Kế hoạch cổ tức năm 2019 là 14%. Tích luỹ hơn 1.000 tỉ lợi nhuận giữ lại của năm 2018 cho năm sau. Trong 5 năm tới, tỉ lệ cổ tức cam kết khoảng 12%.

Về tăng vốn, sau khi bàn với các cổ đông lớn, HĐQT đã tính toán thì trong 5 năm tới cần 1 năm tăng vốn quyết liệt. Mục tiêu là giữ lợi nhuận cho cổ đông nhỏ và tránh thay đổi nhiều trong cơ cấu sở hữu. Hiện tại room nhà đầu tư nước ngoài còn 10% nếu bán được cho nhà đầu tư ngoại thì kì vọng giá 3x - 4x để có thể đáp ứng tăng vốn. Còn những năm khác thì chỉ cần tăng 8% từ cổ tức.

Chỉ tiêu ngoài bảng tại sao lớn, hơn 91.000 tỉ đồng?

Tổng Giám đốc Lưu Trung Thái: Chỉ tiêu này gồm bảo lãnh và các cam kết khác, trong đó bảo lãnh chiếm 71.000 tỉ đồng trong số 91.000 tỉ đồng nói trên, các cam kết khác là 20.000 tỉ. MB là ngân hàng cung cấp dịch vụ bảo lãnh lớn đối với lĩnh vực xây dựng nên thu phí dịch vụ bảo lãnh khá lớn.

Kế hoạch thoái vốn MBS trong thời gian tới. Xin ban lãnh đạo cho biết rõ về thời gian dự đinh thoái tỉ lệ thoái tối đa là bao nhiêu? Mức giá dự kiến?

Tổng Giám đốc Lưu Trung Thái: MBBank bán vốn nhưng vẫn giữ số cổ phần chi phối từ 51% trở lên. Chúng tôi dự kiến tìm kiếm cổ đông chiến lược là nhà đầu tư nước ngoài với  tỉ lệ tham gia phù hợp. 

Phương án này đang trong quá trình thương thảo tính toán và xin chưa tiết lộ chi tiết thông tin về giá. Giá được xác định trên cơ sở định giá và giá giao dịch của MBS.

Vì sao trong quí I nợ xấu tăng nhưng NIM không tăng?

Tổng Giám đốc Lưu Trung Thái: Nợ xấu của ngân hàng tăng trong quí I/2019 gồm cả tăng tại ngân hàng và Mcredit. Dư nợ trong quí I đã tăng 8% nhưng ưu tiên vào những lĩnh vực NHNN khuyến cáo và chất lượng tín dụng tốt nên NIM không cao.

Xin ban lãnh đạo cho biết thêm về kế hoạch phát triển ngân hàng số?

Tổng Giám đốc Lưu Trung Thái: cho biết hiện tại MBBank đang triển khai mạnh mảng ngân hàng số đặc biệt qua mảng thanh toán. MBBank đặt kế hoạch doanh thu ngân hàng số năm 2019 là 650 - 800 tỉ đồng.

Ông Vũ Hữu Điền - Phó Tổng Giám đốc Dragon Capital, Giám đốc Đầu tư VEIL đại diện cho 6,5% vốn góp cho biết ông đánh giá cao kết quả hoạt động và cải thiện mạnh mẽ về quản trị của ngân hàng. Ông đưa ra hai ý kiến đóng góp về hoạt động kinh doanh.

Thứ nhất là cần phải bắt kịp xu hướng ngân hàng số bởi vì xu hướng này là tất yếu và đang diễn ra rất mạnh mẽ. Các công ty công nghệ như Apple, Samsung, Google đều đang xâm lấn sang lĩnh vực ngân hàng nhờ công nghệ. Ông nhấn mạnh, MBBank cần tận dụng lợi thế từ Viettel về công nghệ để phát triển ngân hàng số.

Thứ hai là cần tiếp tục đẩy mạnh mảng tín dụng tiêu dùng. Ông nhận định tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 24% GDP trong khi chỉ có 8% thị phần là của các CTTC tiêu dùng, nhiều khách hàng vẫn chưa tiếp cận được vốn. "Tiềm năng của tín dụng tiêu dùng vẫn còn rất lớn". Năm 2018, MCredit đã tăng trưởng gấp đôi về doanh thu và nằm trong 6 công ty tài chính tiêu dùng lớn nhất.

"Thay máu" loạt nhân sự trong HĐQT và Ban kiểm soát

Đại hội thực hiện bầu HĐQT và BKS nhiệm kì mới (2019 - 2024) của ngân hàng. Số lượng thành viên HĐQT nhiệm kì mới này sẽ gồm 11 thành viên, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập và 4 thành viên BKS chuyên trách.

Theo danh sách các ứng viên thì trong số 11 người chỉ có 4 người có tên trong HĐQT cũ của ngân hàng gồm: ông Lê Hữu Đức, ông Lưu Trung Thái, bà Nguyễn Thị Ngọc và bà Nguyễn Thị Thuỷ.

Trong ban kiểm soát chỉ có một người trong BKS cũ là ông Đỗ Văn Hưng.

ĐHĐCĐ MBBank: Thay đổi 7 người trong HĐQT, 3 người trong Ban kiểm soát, sẽ bán vốn MBS cho nhà đầu tư ngoại - Ảnh 2.

Danh sách ứng viên HĐQT và BKS nhiệm kì mới

ĐHĐCĐ MBBank: Thay đổi 7 người trong HĐQT, 3 người trong Ban kiểm soát, sẽ bán vốn MBS cho nhà đầu tư ngoại - Ảnh 3.

Danh sách HĐQT và BKS nhiệm kì cũ (Nguồn: BCTC MBBank).


ĐHĐCĐ MBBank: Thay đổi 7 người trong HĐQT, 3 người trong Ban kiểm soát, sẽ bán vốn MBS cho nhà đầu tư ngoại - Ảnh 4.

Ông Lưu Trung Thái - Tổng Giám đốc MBBank (Ảnh: DB).

Phát biểu tại đại hội, Tổng Giám đốc Lưu Trung Thái cho biết năm 2018 là năm mà ngân hàng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, phần lớn chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch. Trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức cao, đạt 7.767 tỉ đồng, tăng 68,3% so với năm 2017 và vượt 14% kế hoạch.

Cuối năm 2018, tỉ lệ nợ xấu của MBBank là 1,33%, hệ số CAR là 10,9%; tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn là 33,45% (qui định của NHNN là =<45%).

Kế hoạch lợi nhuận 9.560 tỉ đồng trong năm 2019

Trong năm 2019, MBBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 9.560 tỉ đồng, tăng 23% so với năm 2018. Trong đó, lợi nhuận riêng của ngân hàng mẹ là 8.345 tỉ đồng, tăng 19%. 

Tổng tài sản tính đến cuối năm 2019 dự kiến đạt 402.606 tỉ đồng, tăng 11%. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 246.036 tỉ đồng, tăng 15% (tuân thủ theo giới hạn của NHNN). Huy động vốn tăng 12% đạt 269.396 tỉ đồng. 

ĐHĐCĐ MBBank: Thay đổi 7 người trong HĐQT, 3 người trong Ban kiểm soát, sẽ bán vốn MBS cho nhà đầu tư ngoại - Ảnh 6.

Nguồn: MBBank.

Trong giai đoạn 2019 - 2024, MBBank đặt mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản 14%, tăng doanh thu 22%, LNTT tăng 20%, ROE đạt trên 20%, hệ số CAR đạt trên 9%.

ĐHĐCĐ MBBank: Thay đổi 7 người trong HĐQT, 3 người trong Ban kiểm soát, sẽ bán vốn MBS cho nhà đầu tư ngoại - Ảnh 7.

Nguồn: MBBank.

ĐHĐCĐ MBBank: Thay đổi 7 người trong HĐQT, 3 người trong Ban kiểm soát, sẽ bán vốn MBS cho nhà đầu tư ngoại - Ảnh 8.

Toàn cảnh đại hội cổ đông MBBank (Ảnh: Diệp Bình).

Tăng vốn điều lệ lên hơn 25.800 tỉ

Có thể nhận thấy rằng tăng vốn là kế hoạch quan trọng nhất trong năm 2019 của MBBank, ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 4.236 tỉ đồng lên gần 25.841 tỉ đồng, tăng 20%. Quá trình tăng vốn dự kiến sẽ diễn ra trong 2 đợt.

Đợt 1, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm gần 1.691 tỉ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2018 với tỉ lệ 8%. Cổ phiếu phát hành thêm sẽ không vị hạn chế chuyển nhượng, thời gian thực hiện dự kiến trong quí II hoặc quí III/2019. Sau đó, ngân hàng cũng sẽ thực hiện chào bán bằng mệnh giá hơn 43,2 triệu cổ phần, tương ứng với 2% vốn điều lệ cho cán bộ nhân viên (giá cp hiện tại là 21.800 đồng/cp).

Đợt hai,  MBBank tiến hành chào bán riêng lẻ 258,4 triệu cổ phần, tương ứng với 10% vốn điều lệ, trong đó có hơn 47 triệu cổ phiếu quĩ do ngân hàng đang nắm giữ. Thời gian thực hiện dự kiến trong quí III hoặc quí IV/2019.

Trong trường hợp không tìm được đối tác phù hợp để chào bán riêng lẻ, HĐQT ngân hàng có thể nghiên cứu và đàm phán các phương án kết hợp với việc tăng vốn thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi.

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2018, với mức lợi nhuận sau thuế là gần 5.657 tỉ đồng, HĐQT MBBank đề xuất trích gần 2.959 tỉ đồng (tương đương 52% LNST) để chia cổ tức cho cổ đông, với tỉ lệ 14% (đợt 1, trả bằng tiền mặt 6%; đợt 2, trả bằng cổ phiếu 8%). 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/live-dhdcd-mbbank-chia-co-tuc-14-tang-von-len-25841-ti-bang-phat-hanh-co-phieu-rieng-le-tra-co-tuc-va-esop-2019042706150021.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/