ĐHĐCĐ Masan Group: Lên mục tiêu doanh thu tới 100.000 tỷ năm nay, có thể IPO The CrownX trong 2023 hoặc 2024

Lãnh đạo Masan Group cho biết doanh nghiệp đang làm việc với các đối tác là các ngân hàng trên thế giới, từ đó xem xét những lợi ích cũng như bất lợi từ đó đưa ra lựa chọn sàn nào thích hợp để IPO quốc tế và dự kiến là trong năm 2023 hoặc 2024.

Sáng ngày 28/4, CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 tại TP Hồ Chí Minh với một không khí vừa mang hơi hướng “entertainment” và vừa mang xu hướng công nghệ hóa. 

Ảnh: HT.

Doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh năm 2022 với doanh thu thuần 90.000 - 100.000 tỷ đồng và lãi ròng 4.800 - 6.200 tỷ đồng, tăng 1,5% - 12,8% về doanh thu và giảm 27,6% - 44% về lợi nhuận so với kết quả đạt được trong năm 2021.

 Nguồn: T.Đ.

The CrownX nền tảng tiêu dùng – bán lẻ tích hợp của Masan (hợp nhất WinCommerce (WCM) và Masan Consumer Holdings (MCH)) dự kiến sẽ mang lại doanh thu tăng trưởng nhờ hiệu quả hoạt động tốt hơn tại WCM và MCH.

Trong năm nay, WCM - đơn vị sở hữu hai chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện ích WinMart/WinMart+, sẽ tăng tốc chiến lược POL, gia tăng khả năng thu hút khách hàng bằng cách phục vụ đa dạng các sản phẩm và dịch vụ trên cùng một điểm bán xuyên suốt từ kênh offline đến online. Đồng thời, nhân rộng hơn nữa mô hình CVLife tại các điểm bán được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh doanh thu và giúp cải thiện lợi nhuận.

Bên cạnh đó, MCH sẽ tiếp tục xây dựng nhiều thương hiệu cao cấp hơn. Trong đó, đối với công ty chính không bao gồm mảng bia của MCH là CTCP Hàng tiêu dùng Masan (MSC) được kỳ vọng tăng trưởng doanh thu thuần 17% - 37% lên 32.500 - 38.000 tỷ đồng năm nay.

Về mảng thịt tươi, Masan MeatLife (MML) mục tiêu mở rộng quy mô ngành hàng thịt có thương hiệu của MML bằng cách tận dụng nền tảng phân phối O2 của The CrownX và  định vị “Tươi ngon Thượng hạng” của WinCommerce để chiếm lĩnh thị phần.

Masan High-Tech Materials (MHT) dự kiến sẽ hợp tác với các nền tảng công nghệ tiêu dùng đột phá để tạo ra các sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng, trong đó vonfram là thành tố chính. Bên cạnh đó, ban điều hành tiếp tục cam kết tối đa hóa số tiền thu được từ lượng đồng tồn kho được tích trữ trong suốt bốn năm qua, xấp xỉ 6.000 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2021.  

Đới với các doanh nghiệp mới như Phúc Long Heritage, dự kiến sẽ mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và kiosk tại WCM cũng như việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Còn Mobicast đặt mục tiêu thu hút 500.000 đến 1 triệu thuê bao trên toàn quốc trong năm 2022. 

Chào bán riêng lẻ 142,3 triệu cổ phiếu và 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi

Tại đại hội, HĐQT Masan trình cổ đông phương án phát hành tối đa 142,3 triệu cổ phiếu riêng lẻ với tỷ lệ 12%, giá bán sẽ không thấp hơn trị giá sổ sách theo BCTC hợp nhất đã được kiểm toán của công ty. Số tiền thu được nhằm mục đích bổ sung vốn lưu động, đầu tư góp vốn vào các công ty con, mua bán sáp nhập doanh nghiệp,…

Số cổ phiếu trên sẽ hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và một năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2022 hoặc 2023. 

Bên cạnh đó, công ty cũng có kế hoạch phát hành 5,9 triệu ESOP với giá bán là 10.000 đồng/cp, chỉ bằng 9% giá cổ phiếu MSN kết thúc phiên giao dịch ngày 27/4 (119.000 đồng/cp). Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

Ngoài ra, Masan dự kiến phát hành 500 triệu USD trái phiếu chuyển đổi quốc tế với kỳ hạn 5 năm, giá chuyển đổi không thấp hơn giá trị sổ sách một cổ phần theo BCTC hợp nhất năm 2021. Lãi suất do HĐQT quyết định. Thời gian phát hành trong năm 2022 hoặc 2023 và được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Singapore.

Theo đó, Masan sẽ phát hành tối đa 59 triệu cổ phiếu (chiếm 5% số cổ phiếu đang lưu hành) để chuyển đổi trái phiếu. Mục đích phát hành trái phiếu để đầu tư dự án của công ty, góp vốn vào công ty con, bổ sung vốn cho các hoạt động và cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài.Về phương án phân phối lợi nhuận, ĐHĐCĐ đã thông qua mức chi trả cổ tức là 12% bằng tiền, số tiền này đã được chi trả toàn bộ trong năm 2021, tương đương 1.400 tỷ đồng. Tùy thuộc vào kế hoạch kinh doanh và đảm bảo tối ưu hóa dòng tiền, phương án chi trả cổ tức năm 2022 được giao cho HĐQT quyết định.

Hướng đến phát triển ứng dụng công nghệ

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT của Masan, cho biết rằng Masan đang hướng tới cách mạng công nghệ hóa, nhưng không phải để trở thành một tập đoàn công nghệ mà là ứng dụng công nghệ để thực hiện phương châm cốt lõi của Masan: lấy khách hàng làm trọng tâm. Thông qua sự phát triển công nghệ, Masan sẽ hiểu hơn về nhu cầu của người tiêu dùng, đồng hành, thậm chí là đi trước người tiêu dùng để mang lại giá trị lớn hơn, tốt đẹp hơn cho chính bản thân họ. 

Ông Danny Lê, CEO Masan Group, cho biết thêm sứ mệnh của Masan là tái định hình ngành tiêu dùng, nâng cao hiệu suất trên toàn chuỗi giá trị và phục vụ nhu cầu lớn chưa được đáp ứng của người tiêu dùng.  Hệ sinh thái Tiêu dùng – Công nghệ ‘Point of Life” cùng với xu hướng Consumer of things sẽ trở thành một điểm bứt phá cho Masan. 

Consumer of things hướng tới toàn bộ nhu cầu tiêu dùng trong trọn đời của một người từ sinh ra, lớn lên và về già, điều đó có nghĩa rằng Masan đang hướng tới kết nối để phục vụ vạn nhu cầu. 

Vấn đề hiện nay là người tiêu dùng có như cầu về nhiều loại hàng hóa dịch vụ trong tiêu dùng hàng ngày, tuy nhiên họ lại chọn các nhãn hiệu khác nhau. Nhận thấy nhu cầu này, Masan Group muốn xây dựng nhãn hiệu riêng bao gồm các nhãn hiệu mà phần lớn người tiêu dùng cần, từ đó xây dựng các nhãn hiệu riêng này (Phúc Long, Reddi,…) thành những nhãn hiệu số 1 trong các lĩnh vực. Masan tự tin làm được điều này nhờ có lợi thế riêng mà Masan gọi là “DNA trong xây dựng nhãn hiệu”. 

Masan sẽ ứng dụng công nghệ AI (Trí tuệ nhân tạo) và ML (Machine Learning) kết hợp với hàng ngàn đối tác để đánh giá hành vi tiêu dùng của mọi đối tượng, mọi lứa tuổi bao gồm mua sắm online và offline, hướng tới tiêu chí phục vụ tốt hơn. Việc sử dụng công nghệ để kết nối người tiêu dùng cũng được các thương hiệu nổi tiếng thế giới như Amazon, Walmart ứng dụng và thành công trên thế giới. 

Định hình đến năm 2025, Masan sẽ mang lại 30 đến 50 tỷ USD giá trị cho người tiêu dùng, tiết kiệm 15% tổng chi phí của chuỗi giá trị tiêu dùng.Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng sẽ mở rộng thị trường cho các đối tác B2B, dự kiến trong tương lai đây sẽ là kênh quảng cáo cho các thương hiệu, đến 2025 sẽ mang lại 5% doanh thu cho tập đoàn. Masan tự tin rằng các nhà bán lẻ tại Việt Nam cũng sẽ muốn hợp tác với Masan bởi tập đoàn có giải pháp công nghệ. 

Tổng giám đốc Danny Lê giới thiệu mô hình Mini Mall, một trung tâm mua sắm thu nhỏ. Mô hình này sẽ tích hợp các sản phẩm, dịch vụ phục vụ các nhu cầu cơ bản, nhu cầu tài chính và nhu cầu tiêu dùng trải nghiệm (lifestyle) tại một điểm bán WinMart+ duy nhất. Điểm bán này sẽ có các dịch vụ, sản phẩm của Phúc Long, Techcombank, Reddi và quầy thuốc.

Hướng đến lương lai, thay vì chỉ là một nhà bán lẻ các như yếu phầm như nước măm, mỳ tôm,…, Masan sẽ đáp ứng 80% nhu cầu tiêu dùng hàng ngày bao gồm nhu cầu về sức khỏe, giáo dục, giải trí, tài chính,… Điều này sẽ giúp tập đoàn nhân rộng với biên lợi nhuận trong tương lại. 

 Ảnh: H.T

Hợp tác với công ty phần mềm Trusting Social

Đồng thời, trong cuộc họp, Masan công bố hoàn tất thỏa thuận đầu tư 65 triệu USD mua 25% cổ phần của Công ty Cổ phần Trusting Social, công ty con tại Việt Nam của Trust IQ Pte. Ltd. (“Trusting Social”) có trụ sở tại Singapore. 

Theo Masan, Trusting Social (TS) là doanh nghiệp Fintech tích hợp AI, với mong muốn phổ biến các dịch vụ tài chính thông qua việc tích hợp AI vào phân tích hiểu biết về người tiêu dùng và thị trường tài chính. Bằng việc cung cấp dữ liệu chuyên sâu về tín dụng của hơn 1 tỷ người dùng cho hơn 170 tổ chức tài chính trên khắp Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Philippines, TS đang tham gia thúc đẩy giải quyết vấn đề Tài chính toàn diện.

Công ty còn cải tiến hình thức đồng cho vay thành mô hình có khả năng sinh lợi, hợp tác với các các ngân hàng tiên phong và thương hiệu hàng tiêu dùng hàng đầu để cung cấp các sản phẩm tài chính đột phá đến những người tiêu dùng đang chưa được phục vụ đúng mức. Trusting Social được sự hậu thuẫn tài chính của nhiều quỹ đầu tư như Sequoia Capital, BEENEXT, Tanglin Ventures, 500 Startups, Kima Ventures và Genesis Alternative Ventures.

Kể từ khi thành lập The CrownX vào tháng 12/2019, Masan đã và đang mở rộng danh mục sản phẩm dịch vụ, hoàn thiện các mảnh ghép của hệ sinh thái “Point of Life” nhằm thỏa mãn những nhu cầu đa dạng chưa được đáp ứng đúng mức của người tiêu dùng. Theo đó, Tập đoàn đã ra mắt mô hình bán lẻ “mini mall” tích hợp đa tiện ích tại một điểm đến duy nhất để tăng khả năng tiếp cận và mang lại sự tiện lợi cho khách hàng. 

Ông Danny Lê cho biết thỏa thuận hợp tác với Trusting Social cũng sẽ giúp Masan phát triển một nền tảng công nghệ đột phá tương tự để phục vụ 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Cùng với nhau, Masan sẽ sẽ đưa dịch vụ đánh giá tín dụng của Trusting Social trở thành một giải pháp tiêu dùng toàn diện.

Thảo luận: 

Kế hoạch phát triển Point of Life?

Thứ nhất mô hình Mini Mall, tất cả các sản phẩm và dịch vụ được cung cấp tạo một điểm. Thứ hai, chiếm lĩnh được 40% – 50% thị phần của khu vực xung quanh khu vực có cửa hàng đó. Mini Mall sẽ phủ được ít nhất 50% số lượng của hàng hiện hữu của Masan và đến năm 2023 – 2024 sẽ là 100%. Về mảng công nghệ, ứng dụng AI và ML để hiểu rõ hành vi mua sắm nhằm phát triển sản phẩm dịch vụ.  

Biên lợi nhuận gộp của Masan MeatDeli (MML)?

Lợi nhuận gộp của mảng thịt heo quý I/2022 là 12,1%, thấp hơn kỳ vọng năm nay là 19,7% do giá nguyên liệu đầu vào, cụ thể là giá heo tăng cao. Trong đó, có ảnh hưởng của giá cám tăng liên tục từ tháng 10 năm ngoái đến tận bây giờ.
 
Việc tách mảng cám ra giúp MML tập trung mảng thịt có thương hiệu và với việc kiểm soát chăc chẽ nguyên liệu đầu vào, Masan đã trao đổi với đối tác công thức cám dành riêng cho gà và heo, nhờ vậy mà tối ưu hóa chi phí cám đầu vào, giảm giá thành.

Bên cạnh đón, để đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận gộp, MML tập trung tối đa vào mảng chế và nâng cao tỷ trọng hàng chế biến biến từ mức 13% hiện nay lê 50% lên 2025.
 
Khả năng cạnh tranh thịt gà 3F Việt trên thị trường?

Công ty đã đầu tư nhà máy giết mổ mới hiện đại bậc nhất tại hà nam công suất 24.000 con/ngày và đã vận hành chính thức trong tháng 4 vừa rồi. Nhờ đó, Masan gia tăng được năng lực sản xuất và khả năng phủ thịt trường.
Bên cạnh đó, công ty cũng phát triển nhiều dòng sản phẩm mới tăng năng lực kinh doanh ngành gà như slim and fit, gà 3 món.

Giá thịt heo của Masan cao hơn nhiều so với giá thị trường?

Thịt heo Meatdeli là sản phẩm có chất lượng được kiểm nghiệm kỹ càng, đảm bảo tiêu chuẩn châu Âu về bao bì và bảo quản do đó sản phẩm có giá thành cao hơn ở chợ.
Doanh nghiệp đang cố gắng để các chi phí được phân bổ đều đặn hơn để sản phẩm phù hợp hơn với phần đông túi tiền của người tiêu dùng nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng sản phẩm.

Dự kiến IPO The CrownX?

Về dự định sẽ niêm yết trên sàn New York, Hồng Kông hay Singapore, doanh nghiệp đang làm việc với các đối tác là các ngân hàng trên thế giới, từ đó xem xét những lợi ích cũng như bất lợi từ đó đưa ra lựa chọn sàn nào thích hợp để IPO. Dự kiến là trong năm 2023 hoặc 2024.

Tăng giá nguyên liệu đầu vào có giảm tỷ suất lợi nhuận ngành mỳ gói của MCH?

Nhờ có mối quan hệ chặt chẽ với nhà cung cấp, công ty đã có kế hoạch mua hàng trước 3 đến 6 tháng để kiểm soát rủi ro tăng giá nguyên vật liệu. Lãi gộp của MCH sẽ được duy trì ở mức 42%.

MCH không chia cổ tức vậy có kế hoạch phát triển kinh doanh hay M&A nào không?

Hiện MCH chưa có M&A lớn nào, lợi nhuận được giữ lại nhằm bổ sung vốn lưu động, phát triển kinh doanh và phục vụ cho các chiến lược của doanh nghiệp.

Sản phẩm bột giặt của Masan?

Masan cũng giới thiệu về sản phẩm bột giặt và nước xả 2 trong 1 Joins, tuy nhiên thị trường bột giặt là thị trường không dễ xâm nhập vào thị trường này với cách làm cũ. Joins Pro là hệ thống dịch vụ giặt ủi gia đình sẽ được thử nghiệm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và sẽ được chuyển giao ra toàn quốc thành dịch vụ của Winmart +. Với cách tiếp cận này thì Joins không chỉ là một nhãn hiệu bột giặt mà còn là hình ảnh vượt trội với dịch vụ giặt ủi.

TS đóng vai trò gì trong gia tăng lợi ích cho tập khách hàng sẵn có của WCM?

Sản phẩm kết hợp giữa Masan và TS là thẻ tín dụng cho mọi người kết hợp với thẻ thành viên và thẻ chìa khóa tương lại. Sản phẩm này thực sự đem lại tín dụng cho các khách hàng hiện hữu Masan nhờ chức năng thanh toán hiện đại, an toàn hơn. Bên cạnh đó, nó làm tăng sức mua, giúp người tiêu dùng điều hòa chi tiêu của mình trong 1 năm. Thẻ tín dụng kết hợp với thẻ khách hàng thân thiết tạo thói quen tiêu dùng văn minh.
 
Khách hàng Masan có bị đánh cắp thông tin ko?

Không vì thông tin đến từ đối tác của TS không phải Masan và phải được sự cho phép của khách hàng mới được sử dụng. TS tuân thủ tiêu chuẩn bảo vệ quyền riêng tư nghiêm ngặt nhất trên thế giới để bảo vệ lòng tin TS.

Mở rộng mạng lưới nhượng quyền WCM?

Doanh nghiệp đã thử nghiệm thành công của hàng nhượng quyền ở cả miền bắc và nam và hiện có kế hoạch triển khai rộng rãi trong tháng 6 năm nay, mục tiêu mở 20.000 cửa hàng đến năm 2025.
Về kết quả kinh doanh, cửa hàng nhượng quyền đều đạt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận. Để đạt được mục tiêu mở mới nhanh và tỷ lệ thành công là 90% cửa hàng nhượng quyền, Trusting Social sẽ hỗ trợ đánh giá các thông tin về nơi nào có tiềm năng kinh doanh với tốc độ nhanh, chính xác, tỷ suất thành công cao.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dhdcd-masan-group-len-muc-tieu-doanh-thu-toi-100000-ty-nam-nay-co-the-ipo-the-crownx-trong-2023-hoac-2024-2022428112433198.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/