|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

ĐHĐCĐ JVC: Năng lực của ban lãnh đạo mới có đủ vực dậy công ty?

21:42 | 30/09/2016
Chia sẻ
Sáng nay (30/9), CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (mã JVC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2016.

Ông Đỗ Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, năm 2016 vẫn tiếp tục là năm khó khăn của JVC. Việc tái cấu trúc công ty mới chỉ bắt đầu vào giữa năm nay khi mà các dự án của bệnh viện đã hầu hết hình thành và đấu thầu đã hoàn thành cũng ảnh hưởng đến việc tiêu thụ hàng hóa.

dhdcd jvc nang luc cua ban lanh dao moi co du vuc day cong ty 3632
ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 của JVC

Mảng kinh doanh thiết bị y tế và vật tư tiêu hao cũng bị ảnh hưởng do sự cạnh tranh mạnh mẽ của các đại lý và việc JVC sẽ không tham gia đáu thầu được vào một số dự án. Mảng đầu tư liên kết cũng giảm doanh thu do nhiều bệnh viện giảm số lượng chụp chiếu trên các thiết bị của JVC từ sau khi công ty có sự cố xảy ra hồi năm ngoái. Bên cạnh đó, từ năm 2015, ngân sách Nhà nước dung cho việc mua sắm thiết bị của bệnh viện công sụt giảm nhiều.

Theo đó, công ty đặt mục tiêu kinh doanh khá cẩn trọng với doanh thu 432 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 2 tỷ đồng, so với con số lỗ 1.336 tỷ đồng trong năm 2015.

Để đạt được mục tiêu, lãnh đạo JVC cho biết, sẽ tái cấu trúc công ty, lập các bộ phận kinh doanh chuyên trách, bộ phận hỗ trợ kinh doanh, chính sách mở rộng mạng lưới đại lý, đẩy mạnh việc tiêu thụ hàng hóa.

Bên cạnh đó, công ty sẽ xúc tiến các dự án cuối năm 2016 và đầu năm 2017, duy trì dòng tiền lành mạnh và bảo toàn vốn.

Bầu HĐQT và BKS cho nhiệm kỳ 2016 - 2020:

HĐQT JVC đề xuất cổ đông thông qua số lượng dự kiến của HĐQT là 5 thành viên và BKS là 3 thành viên, mức tối thiểu theo quy định của Luật doanh nghiệp.

Danh sách ứng viên đề cử vào HĐQT JVC bao gồm:

- Ông Phạm Quang Huy

- Ông Nguyễn Thế Hướng

- Ông Nguyễn Mạnh Cường

- Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo

- Bà Lê Thị Hà Thanh

Danh sách BKS được đề cử bao gồm:

- Ông Đào Mạnh Hùng

- Ông Ngô Văn Hùng

- Bà Đặng Thị Hà Giang

Trong đó, ông Phạm Quang Huy được đề cử chức vụ chủ tịch HĐQT JVC. Ông Huy hiện đang là chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam (Vinamed), Chủ tịch HĐQT CTCP Dịch vụ vận tải Dầu khí Cửu Long (mã PCT), thành viên HĐQT Tổng CTCP Dịch vụ và Tổng hợp dầu khí (mã PET) và Phó TGĐ CTCP Cơ khí Đông Anh Licogi (mã CKD).

Ông Đỗ Thanh Tùng - chủ tịch HĐQT JVC nhiệm kỳ vừa qua cho biết việc ông Phạm Quang Huy ứng cử vào HĐQT JVC là do nhóm cổ đông đề cử (D.I Asian industrial Fund) và không liên quan tới Vinamed bởi Vinamed không nắm giữ cổ phần tại JVC.

Hỏi đáp Trong ứng viên HĐQT có nhiều người có địa chỉ tại TPHCM, vậy họ có thể tham gia giám sát công ty?

Công ty có thể tiến hành qua nhiều hình thức như điện thoại, email nên không ảnh hưởng. Trong hoạt động, HĐQT giao trách nhiệm cho từng thành viên và giám sát, ngoài ra, có một văn phòng trong TP.HCM nên không ảnh hưởng.

HĐQT cũng phân cấp trách nhiệm rõ ràng và thành viên HĐQT phải có đủ năng lượng hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Xin cho biết xuất thân, phong cách quản lý của Ban lãnh đạo mới, liệu các vị có đủ năng lực vực dậy công ty không?

Ông Ngô Thanh Sơn - Giám đốc JVC: Tôi có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị y tế 16 năm nay, kinh qua rất nhiều vị trí trước khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo JVC, với sự ủng hộ của mọi người tôi tin tưởng chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Khi vào JVC, tôi có thời gian tìm hiểu 3 tháng. Chúng tôi có đặt 3 mục tiêu chính trong năm nay, thứ nhất, ngay lập tức tái cấp trúc công ty, thứ hai, lấy lại niềm tin, hình ảnh khách hàng, thứ 3, hoàn thành kế hoạch kinh doanh đề ra.

Công ty đã hoạt động theo một cấu trúc mới. Một số cá nhân của công ty khá xuất sắc nhưng có một cái dở, mặc dù là một công ty đại chúng nhưng cơ cấu tổ chức không chuyên nghiệp, cơ chế lương thưởng không rõ ràng. Vì vậy, chúng tôi phải tái cấu trúc, bắt đầu từ hoạt động của doanh nghiệp, sẽ chuyên nghiệp hơn, đưa ra phương pháp quản trị mới, các Thành viên HĐQT dù ở địa điểm nào cũng có thể tham gia vào hoạt động của doanh nghiệp.

Theo Ban lãnh đạo công ty, khó khăn lớn nhất của công ty hiện nay như thế nào? Đối thủ lớn nhất là ai? Tương quan như thế nào?

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là làm sao lấy được lại niềm tin của khách hàng. Khi JVC xảy ra sự cố, hầu hết mọi người không ai có tinh thần làm việc nữa. Vậy làm thế nào để chúng ta vượt qua, đây chính là khó khăn nhất. Chúng tôi mong muốn các cổ đông hãy ủng hộ chúng tôi để có thể vượt qua.

Bản thân tôi khi bắt đầu vào JVC cũng phải đi gặp từng khách hàng để thuyết phục. Hiện nay, khách hàng đã có phản hồi rất tích cực, cả các nhà cung cấp cũng vậy, họ đã nhìn thấy những thay đổi tích cực tại JVC.

Hiện nay các mảng kinh doanh của doanh nghiệp cũng đã đi vào ổn định.

Về đối thủ, trong nhận định của tôi, chúng ta có hai nhóm đối thủ rất mạnh. Thiết bị y tế trong lĩnh vực chuẩn đoán hình ảnh, JVC chủ yếu phân phối sản phảm của Hitachi, do đó, đối thủ chính là các hãng sản xuất khác. Bên cạnh đó, đối thủ lớn nhất chính là bản thân nội bộ của JVC. Việc thay đổi phong cách, thói quen làm việc là một điều rất khó khăn, hy vọng cán bộ công nhân viên JVC sẽ cùng nỗ lực để vượt qua chính mình. Khoản trích lập dự phòng hàng tồn kho và xoá sổ hàng thiếu 10,3 tỷ đồng, hàng thiếu có nghĩa là kiểm kê nhưng không có hàng, vậy Ban lãnh dạo có thể giải thích rõ hơn? Đúng là công tác quản lý lỏng lẻo, trên sổ có máy nhưng trong kho không hề có máy, đây là vấn đề lệch sổ sách, sẽ phải quy trách nhiệm cá nhân.

Khoản trích lập khác, JVC thường mang máy đến các bệnh viện khác liên doanh liên kết, có hơn 100 tỷ dự phòng cho khoản này, tại sao phải trích lập dự phòng khoản này?

Đây là khoản liên doanh với công ty Triết Tô Tiên, theo nguyên tắc, các bệnh viện thanh toán cho Triết Tô Tiên, sau đó, công ty này sẽ thanh toán với JVC, việc này có liên quan đến Thành viên HĐQT cũ. Tuy nhiên, hiện Triết Tô Tiên chưa thanh toán số tiền này cho JVC.

Việc trả trước cho bên thứ 3 hơn 100 tỷ, vậy những người nhận có nhận nợ hay không? Có đang làm việc với chúng ta sẽ giao hàng trong tương lai hay sẽ trả lại tiền?

Hiện nay vẫn còn chứng từ hợp đồng nhưng bên đối tác chưa xác nhận nợ tiền. Hiện chúng tôi đang làm việc với luật sư, yêu cầu các bên liên quan giải trình.

Với số lỗ hơn 900 tỷ, công ty ước tính cần bao lâu để xoá hết lỗ?

Để xoá luỹ kế hơn 900 tỷ, nếu chỉ dựa vào KQKD thì sẽ mất rất nhiều thời gian mới xóa lỗ được. Do đó, HĐQT đang nghiên cứu một số giải pháp như sáp nhập, chia tách để giải quyết vấn đề lỗ lũy kế. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất phức tạp và chưa có tiền lệ trên TTCK Việt Nam nên đang tìm giải pháp với các cơ quan chức năng để xử lý vấn đề.

Theo Trần Thúy

Diễn đàn đầu tư