ĐHĐCĐ AAA: Mảng thương mại hạt nhựa PP bao tiêu từ Lọc hóa dầu Bình Sơn có thể góp 3.000 tỉ đồng doanh thu

Năm nay, CTCP Nhựa và Môi trường xanh An Phát sẽ đổi tên thành CTCP Nhựa An Phát Xanh, định hướng tăng cường các sản phẩm tự hủy thân thiện môi trường AnEco đang là xu hướng tiêu dùng mới.

Đổi tên công ty thành Nhựa An Phát Xanh, phát triển sản phẩm nhựa tự hủy thân thiện môi trường

ĐHĐCĐ AAA: Mảng thương mại hạt nhựa PP bao tiêu từ Lọc hóa dầu Bình Sơn có thể góp 3.000 tỉ đồng doanh thu - Ảnh 1.

ĐHĐCĐ AAA sáng ngày 16/4 (Ảnh: BM)

Sáng ngày 16/4, CTCP Nhựa và Môi trường Xanh An Phát (Mã: AAA) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2019.

Tại đại hội, cổ đông An Phát Holdings (đang sở hữu 46,62% vốn điều lệ) kiến nghị xin đổi tên công ty thành CTCP Nhựa An Phát Xanh nhằm phù hợp với định hướng sản xuất trong thời gian tới, tạo các sản phẩm tự hủy hoàn toàn trong vòng 1 – 2 năm, thân thiện với môi trường.

Trong năm 2019, An Phát đặt mục tiêu doanh thu 10.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 510 tỉ đồng, đây đều là những kết quả kỷ lục từ trước đến nay của công ty. Tuy nhiên Chủ tịch Phạm Ánh Dương khá tự tin việc An Phát có thể vượt kế hoạch.

An Phát đặt kỳ vọng cao vào nhóm sản phẩm tự hủy thân thiện môi trường AnEco đang được đa dạng hóa và hình thành xu thế tiêu dùng; doanh thu từ thương mại với việc bao tiêu hạt nhựa của nhà máy Lọc dầu Bình Sơn và một phần doanh thu đến từ khu công nghiệp An Phát Complex cùng các dự án mới.

Sản phẩm mới tự phân hủy với biên lợi nhuận gộp cao hơn từ 10 – 12% so với các sản phẩm thông thường ở mức 6 - 7%. Theo ban lãnh đạo, công suất sản xuất các sản phẩm tự hủy đang khoảng 900 tấn/tháng (chủ yếu đang là xuất khẩu), chiếm 10% tổng công suất của công ty. Từ cuối 2018, sản phẩm tự hủy của An Phát (bao gồm túi, dĩa, thìa, găng tay...) của công ty đã bắt đầu vào hệ thống siêu thị như Vinmart, Coopmart...

Mảng thương mại với việc bao tiêu 35% hạt nhựa PP từ nhà máy Lọc dầu Bình Sơn được ban lãnh đạo công ty dự kiến đem về doanh thu 3.000 tỉ đồng, biên lợi nhuận ròng từ 3% - 5%.

Trong quý đầu tiên, An Phát đã đạt doanh thu thuần 2.600 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 230 tỉ đồng (tương đương 26% và 43% kế hoạch năm).

An Phát Holdings được phép nâng sở hữu lên tới 51% mà không cần chào mua công khai

Tại đại hội năm nay, cổ đông tán thành việc cho phép CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (APH) được nâng sở hữu tại AAA lên tối đa 51% mà không phải chào mua công khai. Thông qua phát hành 8,5 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động với giá phát hành 10.000 đồng/cp, cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm.

Trong năm 2018, An Phát không thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông; tuy nhiên kế hoạch trong năm 2019 cổ tức sẽ từ 15 - 20%, trong đó tạm ứng trước cho cổ đông 5%. 

Năm 2018, An Phát đạt doanh thu thuần hơn 8.000 tỉ đồng, tăng trưởng gấp đôi so với năm 2017; tuy nhiên lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 212 tỉ đồng, giảm 19% và chỉ thực hiện 64% kế hoạch năm.

Nguyên nhân được ông Phạm Ánh Dương cho biết do công ty tiến hành giảm giá sản phẩm nhằm tăng tỉ lệ lấp đầy nhà máy 6 – 7 mới đi vào hoạt động, đặc biệt mảng thương mại với hợp đồng bao tiêu 35% sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Bình Sơn không đúng kế hoạch (lùi lại đến tháng 12).

"Chúng tôi làm bất động sản khu công nghiệp khác với những công ty thông thường"

Tại đại hội, cổ đông An Phát tỏ ra quan tâm đến dự án KCN An Phát Complex mà công ty đã chi gần 760 tỉ đồng mua đấu giá từ ngân hàng BIDV. Dự án tiền thân của chủ đầu tư Kenmark, nằm ngay cửa ngõ tỉnh Hải Dương, diện tích trên 46 ha (đủ cho 26 blog), đã có sẵn 8 blog xây dựng của chủ đầu tư cũ. 

Chủ tịch Phạm Ánh Dương cho biết, An Phát đến với mảng kinh doanh bất động sản là cơ duyên, công ty ban đầu không chủ định làm. 

"Dự án là tài sản xử lý nợ xấu 10 năm không bán được, đã có sẵn nhà xưởng nên giá bán cao, tỉnh không cho thay đổi mục đích sử dụng đất và phải trả bằng tiền mặt không được vay", chủ tịch An Phát chia sẻ. 

Thời điểm đó, An Phát có sẵn nguồn tiền 1.100 tỉ đồng từ đợt tăng vốn do đó quyết định đầu tư vào dự án. 

Tại đây, An Phát hiện đang triển khai 3 dự án gồm: công ty An Vinh sản xuất bao bì xuất khẩu; công ty An Trung Industries vừa chính thức trở thành nhà cung cấp cấp 2 cho Samsung, phát triển mảng nhựa kỹ thuật, mục tiêu trở thành nhà cung cấp cấp 1 trong tương lai; công ty An Cường sản xuất vật liệu xây dựng kỹ thuật cao, cụ thể là tấm ốp ván sàn, bán trên thị trường với thương hiệu Anpro.

ĐHĐCĐ AAA: Mảng thương mại hạt nhựa PP bao tiêu từ Lọc hóa dầu Bình Sơn có thể góp 3.000 tỉ đồng doanh thu - Ảnh 2.

An Phát hiện đang triển khai 3 dự án tại KCN An Phát Complex trong đó có một dự án nhà cung cấp cấp 2 cho Samsung (Ảnh: BM)

Dự án hiện đang có một khách hàng chuyên sản xuất giấy đến từ Hong Kong, giá thuê 80.000 đồng/m2/tháng; giá thuê 100 tỉ đồng trong vòng 3 năm.Trong năm 2019, mục tiêu của KCN An Phát Complex là đạt tỉ lệ lấp đầy 40%, hướng đến 100% vào năm 2022.

Theo ông Dương, điểm khác biệt của dự án KCN An Phát Complex ở chỗ, công ty không xác định đầu tư theo kiểu bán đất mà muốn gia tăng các dịch vụ kèm theo. 

An Phát sẽ cung cấp các giải pháp nhân lực, cung cấp công nghiệp phụ trợ từ làm nhựa ép, nhựa kỹ thuật, cơ khí chính xác cho đến hỗ trợ về mặt tài chính, hành chính, thủ tục hải quan… "Chúng tôi có một công ty chuyên vận tải phục vụ Tập đoàn, có thể phục vụ luôn khách hàng, ngay cả vấn đề ăn uống cho cán bộ nhân viên cũng có thể cung cấp", ông Dương cho biết.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dhdcd-aaa-mang-thuong-mai-hat-nhua-pp-bao-tieu-tu-loc-hoa-dau-binh-son-co-the-gop-3000-ti-dong-doanh-thu-20190416174238955.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/