ĐHCĐ VPBank: TGĐ Nguyễn Đức Vinh cho rằng kế hoạch năm 2019 là tham vọng, sẽ mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC

Vấn đề được mong đợi nhất trong đại hội cổ đông thường niên năm nay là chuyện tăng vốn lên 28.209 tỉ đồng bằng phát hành riêng lẻ cổ phiếu và ESOP. VPBank cũng lên kế hoạch đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng để phát triển công ty tài chính FE Credit.

Chiều 26/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2019. Ngân hàng đã trình cổ đông thông qua các vấn đề như kết quả kinh doanh năm 2018, kế hoạch kinh doanh năm 2019, phương án phân phối lợi nhuận,... 

Đáng chú ý trong đại hội lần này của VPBank là kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 28.209 tỉ đồng bằng phát hành riêng lẻ cổ phiếu và cổ phiếu ưu đãi cho người lao động. Ngân hàng cũng dành riêng hơn 2.000 tỉ đồng để đầu tư vào FE Credit.

Tại thời điểm bắt đầu đại hội, số lượng cổ đông tham dự là đại diện nắm giữ cho 79,38% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của ngân hàng, đủ điều kiện tổ chức đại hội.

Đại hội thông qua tất cả các tờ trình.

VPBank bầu bổ sung 2 thành viên trong Ban Kiểm soát nhiệm kì 2015 – 2020, nâng số thành viên của ban từ 3 lên 5 thành viên nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn về việc tăng cường bộ máy kiểm soát.

Hai ứng viên đã được VPBank trình và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận là bà Kim Ly Huyền (hiện là Trưởng Kiểm toán nội bộ) được đề cử chứ Thành viên Ban kiểm soát –Chuyên trách; và ông Vũ Hồng Cao (hiện là Phó Trưởng Kiểm toán nội bộ VPBank) đề cử làm thành viên Ban kiểm soát – Không chuyên trách.

Thảo luận:

VPBank đang khoá room nước ngoài ở mức gần 23%, trong năm 2018 ngân hàng đã không phát hành được do giá cổ phiếu giảm sâu. VPBank có thể học tập Vietcombank vừa nới room (để tăng giá) vừa tăng vốn không?

Chủ tịch Ngô Chí Dũng: Nếu mở room thì lập tức các nhà đầu tư nước ngoài sẽ mua hết ngay, và tiền đầu tư này sẽ chảy vào một nhóm nhà đầu tư chứ không phải là ngân hàng. Giữ lại room để dành cơ hội tăng vốn cho ngân hàng đợi chờ thời điểm thuận lợi.

Nếu cuối năm nay điều kiện thuận lợi thì chúng tôi sẽ phát hành.

Trích lập dự phòng của VPBank có thấp hơn các ngân hàng khác?

VPBank có 35% dư nợ cho vay là cho vay tín chấp cho nên cơ cấu trích lập dự phòng cũng khác so với những tổ chức tín dụng khác. Ông khẳng định rằng dự phòng của VPBank là đủ và mạnh, theo kế hoạch dự kiến có thể hoàn nhập khoảng 3.000 tỉ đồng trong năm nay.

Chủ tịch Ngô Chí Dũng: VPBank đặc thù hơn các ngân hàng khác vì có công ty tài chính tín dụng tiêu dùng. Nếu sử dụng so sánh với các ngân hàng khác thì sẽ là khập khiễng.

"Chúng ta đang phục vụ một nhu cầu có thực và đông đảo của xã hội, góp phần đẩy mạnh đẩy lùi tín dụng đen. Với mô hình đó chúng ta có rủi ro cao hơn, nợ xấu cao hơn, trích lập dự phòng cao hơn so với các TCTD thông thường khác", ông nói.

Ông nhấn mạnh rằng VPBank luôn có xu hướng có tỉ lệ nợ xấu cao hơn các ngân hàng khác.

Trước xu hướng chậm lại của tín dụng tiêu dùng, ngân hàng có những chiến lược gì để bù đắp lại lợi nhuận từ lĩnh vực này?

TGĐ Nguyễn Đức Vinh: Đánh giá chậm lại là do quá trình so sánh mang tính chất thời điểm mà tài chính tiêu dùng mới bắt đầu bùng nổ với mức tăng trưởng cao.

"Có 10 triệu KH đã vay tiêu dùng tại FE Credit, trong đó 4,5 triệu khách hàng đang còn dư nợ", ông cho biết.

Ông nhận định cơ hội từ thị trường cho vay tiêu dùng là vẫn còn, có thể tỉ trọng là không cao so với giai đoạn đầu nhưng con số tuyệt đối vẫn rất tiềm năng.

Cho vay tiêu dùng trước đây hướng đến đối tượng không thể tiếp cận vốn ngân hàng. Tuy nhiên, phân khúc khách hàng cho vay tiêu dùng hiện nay đã thay đổi với chất lượng khách hàng tăng cao. Đáng chú ý là mảng phát triển thẻ tín dụng. Trong số tăng trưởng về số lượng thẻ tín dụng quốc tế thì VPBank chiếm 20%, với số lượng thẻ tín dụng active cao nhất trong các ngân hàng hiện nay.

Tại sao kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 lại thấp, chỉ ở mức 3%?

Chủ tịch Ngô Chí Dũng: VPBank xây dựng kế hoạch kinh doanh trong bối cảnh định hướng NHNN là giảm tăng trưởng tín dụng. Cùng với đó, trong năm tới VPBank đặt mục tiêu là tăng trưởng chất lượng và hiệu quả mà không là tăng trưởng về số lượng.

Với mức lợi nhuận kế hoạch là 9.500 tỉ đồng thì nhìn qua có vẻ tăng không nhiều so với con số gần 9.200 tỉ đồng của ngân hàng nhưng nếu loại trừ khoản bất thường thì tăng trưởng khoảng 14%, không thấp.

Ông cũng cho biết trong năm 2019, ngân hàng cũng có kế hoạch mua lại toàn bộ nợ xấu VAMC, tính đến cuối năm 2018, VPBank còn hơn 3.100 tỉ đồng nợ xấu tại VAMC. Trích lập dự phòng để xử lí khoản này cũng ảnh hưởng một phần đến lợi nhuận.

NHNN đang siết hoạt động cho vay tiền mặt trong khi FE Credit đang cho vay chủ yếu là tiền mặt, ban lãnh đạo ngân hàng có ý kiến như thế nào?

Chủ tịch Ngô Chí Dũng: Thông tư về vấn đề trên đang trong quá trình lấy ý kiến và theo thông tin chúng tôi nhận được là có nhiếu ý kiến phản đối. Bởi vì việc siết cho vay tiền mặt sẽ ảnh hưởng đến việc chống lại tín dụng đen, chúng tôi cho rằng dự thảo sẽ được xem xét lại và nhiều khả năng việc siết tín dụng tiền mặt sẽ được điều chỉnh.

Ông Nguyễn Đức Vinh: Kế hoạch năm 2019 là "tham vọng"

ĐHCĐ VPBank: TGĐ Nguyễn Đức Vinh cho rằng kế hoạch năm 2019 là tham vọng, sẽ mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đức Vinh phát biểu tại đại hội (Ảnh: DB).

Phát biểu tại đại hội, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh nhận định năm 2018 là năm đầu tiên triển khai chiến lược 5 năm 2018 - 2023 với mục tiêu trọng tâm là củng cố nguồn lực hệ thống, hạ tầng. 

Giải thích về việc tăng trưởng của ngân hàng và FE Credit thấp hơn dự kiến, ông đưa ra 4 lí do. Thứ nhất là yếu tố khách quan bên ngoài khi thị trường tài chính có nhiều cạnh tranh và thị trường chứng khoán không thuận lợi nên việc dự kiến phát hành trong quí III/2018 đã không thực hiện được tạo ra sự thiếu hụt vốn trong hoạt động kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Những yếu tố chủ quan được nhắc đến là ngân hàng muốn giữ tăng trưởng chậm lại để có thể kiểm soát được rủi ro, củng cố lại hoạt động. Một nguyên nhân nữa là do sự điều chỉnh chưa hợp lí trong quá trình quản trị điều hành, nhất là tại bộ máy FE Credit.

Nói về kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 ở mức 3%, ông Vinh nhận định đây không phải là mức tăng trưởng lớn nhưng lại là con số lớn khi tăng từ 9.198 tỉ đồng năm 2018 lên 9.500 tỉ đồng. Trong đó, nếu không tính khoản lợi nhuận bất thường từ trả trước hợp đồng bảo hiểm từ AIA thì mức tăng trưởng là khoảng 14%.

"Kế hoạch năm 2019 là tham vọng", ông nói.

Ông cho biết ngân hàng đang thực hiện một số chính sách giảm chi phí, ngân hàng sẽ không tăng nhân sự, điều chỉnh mô hình hoạt động và có thể giảm ở một số bộ phận nhưng vẫn đảm bảo năng suất. Trong năm 2018, VPBank đã giảm được 1.000 tỉ đồng.

ĐHCĐ VPBank: TGĐ Nguyễn Đức Vinh cho rằng kế hoạch năm 2019 là tham vọng, sẽ mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC - Ảnh 3.

Ban chủ toạ tại đại hội đồng cổ đông VPBank năm 2019 (Ảnh: DB).

Không chia cổ tức, dành hơn 2.800 tỉ đồng để đầu tư phát trển FE Credit

Theo báo cáo của HĐQT,  sau khi trích lập các quĩ, lợi nhuận chưa phân phối còn lại của năm 2018 là hơn 3.431 tỉ đồng. Tổng lợi nhuận chưa phân phối lũy kế và quĩ đầu tư phát triển năm 2018 là hơn 6.231 tỉ đồng.

HĐQT ngân hàng đề xuất giữ lại toàn bộ khoản lợi nhuận chưa phân phối dưới hình thức lợi nhuận không chia và cũng không thức hiện chia các các quĩ đầu tư phát triển, quĩ dự trữ bổ sung vốn điều lệ nhằm giữ lại nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Trong đó quỹ dành cho đầu tư phát triển FE Credit lên tới 2.800 tỉ đồng, trong khi dành cho VPBank là 21 tỉ đồng.

ĐHCĐ VPBank: TGĐ Nguyễn Đức Vinh cho rằng kế hoạch năm 2019 là tham vọng, sẽ mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC - Ảnh 4.

Phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 dự kiện của VPBank (Nguồn: tài liệu ĐHCD)

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 9.500 tỉ đồng

Tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng trình kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 9.500 tỉ đồng, chỉ tăng 3% so với năm 2018 và tăng 14% nếu loại trừ khoản lợi nhuận bất thường từ hợp đồng bảo hiểm với AIA.

Cùng với đó, tổng tài sản ngân hàng dự kiến tăng 16%, lên 373.649 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng dự kiến tăng trưởng 15%, đạt 265.408 tỉ đồng. Huy động vốn và phát hành giấy tờ có giá tăng 15%, đạt 252.435 tỉ đồng.

Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh cho biết mức tăng trưởng tín dụng được NHNN phê duyệt là 12%.

ĐHCĐ VPBank: TGĐ Nguyễn Đức Vinh cho rằng kế hoạch năm 2019 là tham vọng, sẽ mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC - Ảnh 5.

Một số chỉ tiêu kinh doanh năm 2019 của VPBank (Nguồn: tài liệu ĐHCD)

Cùng với đó, ngân hàng cũng đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 25.300 tỉ đồng lên 28.210 tỉ đồng bằng phát hành riêng lẻ cổ phiếu. Số lượng phát hành tối đa là 260 triệu cổ phiếu với mức giá chào bán được xác định bằng hình thức dựng sổ hoặc các hình thức khác phù hợp. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

ĐHCĐ VPBank: TGĐ Nguyễn Đức Vinh cho rằng kế hoạch năm 2019 là tham vọng, sẽ mua lại toàn bộ nợ xấu tại VAMC - Ảnh 6.

Thời điểm thực hiện chào bán dự kiến diến ra trong năm 2019 - 2020, tùy thuộc vào mức độ thuận lợi thị trường. Nguồn vốn thu về sẽ dùng để đầu tư tài sản cố định, bổ sung nguồn vốn trung, dài hạn cho các hoạt động của ngân hàng.

Cùng với đó, VPBank sẽ xin ý kiến cổ đông về phương án bán 31 triệu cổ phiếu quĩ cho cán bộ công nhân viên với giá 10.000 đồng/cp dự kiến trong quí II. Nguồn vốn chủ sở hữu để bù đắp chênh lệch giá mua/bán được trích từ thặng dư vốn và quĩ đầu tư phát triển. Đây là một trong những chính sách giúp VPB thu hút nhân tài và nguồn nhân lực.

Số cổ phiếu quĩ này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm và được giải toả dần trong theo các năm.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dhcd-vpbank-nong-chuyen-tang-von-tang-manh-dau-tu-vao-cong-ty-tai-chinh-2019042608471549.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/