ĐHCĐ bất thường Licogi 16: Cần ít nhất 500 tỉ đồng đầu tư vào dự án BĐS Điền Phước

Ban lãnh đạo Licogi 16 cho biết, việc huy động vốn để đền bù giải toả mặt bằng dự án Điền Phước càng sớm càng có lợi khi giá đất tăng hàng ngày.

Sáng ngày 27/6, CTCP Licogi16 (Mã: LCG) đã tổ chức ĐHCĐ bất thường để xin ý kiến cổ đông về việc  việc phát hành cổ phiếu tăng vốn, phát hành trái phiếu huy động vốn đồng thời giải đáp thắc mắc của các cổ đông liên quan đến các hoạt động doanh nghiệp.

Thông qua kế hoạch huy động vốn 

Cụ thể, HĐQT Ligogi 16 đã trình cổ đông thông qua việc chào bán 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp nhằm tăng vốn điều lệ lên 1.300 tỉ đồng. Mỗi cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được quyền mua 3 cổ phiếu mới.

Mục đích sử dụng vốn nhằm bổ sung 130 tỉ đồng cơ cấu các khoản vay ngắn hạn, 170 tỉ đồng còn lại góp vốn vào Công ty TNHH Xây dựng – Thương Mại Dịch Vụ Điền Phước nhằm thực hiện dự án BĐS Điền Phước.

HĐQT Licogi 16 cũng trình cổ đông việc phát hành tối đa 500 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ, có thể chia thành nhiều đợt. Đây là loại trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền, giá chuyển đổi không thấp hơn 10.000 đồng/cp.

Các điều khoản về mục đích sử dựng vốn, giá chuyển đổi cụ thể, thời hạn vay, thời điểm phát hành, lãi suất, lựa chọn nhà đầu tư,… đều sẽ được uỷ quyền cho HĐQT toàn quyền quyết định khi tờ trình được thông qua.

Vì sao đưa ra kế hoạch huy động vốn phức tạp?

Tại đại hội, cổ đông yêu cầu HĐQT giải trình vì sao lại đưa ra phương án phát hành phức tạp?

Chủ tịch HĐQT Licogi 16, ông Bùi Dương Hùng cho biết, hiện nay, việc huy động trái phiếu của bất kì doanh nghiệp nào cũng phải đánh giá mức độ uy tín của doanh nghiệp và doanh nghiệp nào cũng muốn đạt được tín nhiệm cao.

Với việc huy động trái phiếu, mong muốn của Licogi 16 là phải thu hút được nguồn trái phiếu để khẳng định năng lực, uy tín của tổ chức phát hành.

Một cổ đông nước ngoài hỏi rằng với giá trị sổ sách 15.000 đồng/cp, giá thị trường 10.000, NĐT bên ngoài mua thì giải quyết như thế nào?

Theo ông Hùng, hiện thị giá LCG 10.000 đồng/cp, nếu mình bán thấp hơn cũng không làm được vì thặng dư không nhiều. Mức giá này là cân đối với giá thị trường và lợi ích cổ đông. Nếu cổ đông mua không hết thì tiếp tục bán cho cổ đông hiện hữu khác, không bán cho cổ đông bên ngoài.

Nói về ba phương án phát hành trái phiếu, ông Hùng cho biết, hiện Licogi 16 tiếp cận 3 loại hình. Dạng thứ nhất là trái phiếu doanh nghiệp, yêu cầu gắt về tài sản đảm bảo, công ty không có đủ so với số muốn phát hành. Các tổ chức trung gian cũng không ủng hộ phương án.

Loại thứ hai là trái phiếu dự án, đây là trái phiếu mà Licogi 16 mong muốn nhất. Cụ thể với dự Điền Phước: mong muốn có nguồn trái phiếu chỉ phục vụ cho dự án Điền Phước và LCG sẵn sàng mang 40% đã đền bù mang làm thế chấp cho người mua. Sau đó đền bù đến đâu, giao tài sản làm thế chấp đến đó.

"Tôi cho đây là phương án hài hoà giữa 2 bên nhưng hiện chưa có tổ chức trung gian nào khẳng định làm phương án này hữu hiệu". 

Thứ ba là phát hành trái phiếu chuyển đổi, đây phương án Licogi 16 không mong muốn nhất thì có tổ chức quan tâm. Dĩ nhiên có điều kện ràng buộc để không ảnh hưởng đến lợi ích cổ đông hiện hữu, nhất là cổ đông lớn nước ngoài họ sợ tỉ lệ sở hữu sụt giảm.

"Trong trường hợp này, chúng tôi sẽ đề nghị đại hội phát hành riêng lẻ cho họ để có thể tăng tỉ lệ sở hưu như cũ, mục tiêu là dành quyền lựa chọn cho người mua, kịch bản nào cũng được, ai đến sớm ta xem xét sớm, trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích cổ đông", lãnh đạo Licogi 16 cho biết thêm.

Về vấn đề phát hành trái phiếu 500 tỉ đồng, lãnh đạo công ty cho hay, Licogi 16 sẽ chia làm hai phần, 300 tỉ đồng dùng cho bồi thường giai đoạn 2020 - 2021, sau năm 2021 là hoàn thiện hạ tầng để kinh doanh dự án Điền Phước.

Hiện nay, tỉ lệ cơ cấu doanh thu, lợi nhuận hiện nay thì xây lắp chiếm 70%, bất động sản chiếm 30% nhưng hiệu quả lợi nhuận thì bất động sản đang chiếm rất lớn. Chính vì thế, Licogi 16 ngoài tập trung cho hạ tầng thì còn chú trọng vào bất động sản mà công ty sẵn có.

Nói thêm về việc cần vốn, ông Hùng cho biết, dự án Điền Phước, UBND tỉnh Đồng Nai có hối công ty làm nhanh. Theo quy trình mới, tỉnh cấp lại giấy chứng nhận đầu tư mới, trước đây, 2 năm phải gia hạn 1 lần. Lần này sẽ cấp chủ trương đầu tư cho Hiệp Phước. Hiện dự án này công ty mới đền bù được 40%, còn lại 60% chưa đền bù.

"Cách đây 2 năm, giá đền bù khoảng 3 tỉ đồng cho 1ha. Nhưng nay là 8 tỉ đồng/ha. Vì vậy, Licogi 16 cần tiền để đền bù giải phóng càng sớm càng tốt, để càng lâu giá càng lên chóng mặt. Hiện 60% của 95 ha còn cần ít nhất 500 tỉ đồng cho đền bù giải phóng mặt bằng, xong thì khi đó lợi ích mang lại rất to lớn. Dự án này chỉ cách quận 9 HCM một con sông, mà đất quận 9 giờ khoảng 30 triệu/m2. Đây là lợi ích của Licogi 16 và cũng là câu trả lời cho việ vì sao vừa tăng vốn, vừa phát hành trái phiếu", chủ tịch Licogi 16 nói.

Cập nhật hoạt động và các dự án

Theo ông Bùi Dương Hùng, từ ĐHCĐ thường niên đến nay, công ty có nhiều sự kiện. Chưa đầy 5 tháng, công ty đã phát điện hoà lưới nhà máy nhiệt điện của nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc tại Gia Lai, khánh thành 22/6 vừa qua.

Cụ thể, ngày 27/12/2018, dự án được bổ sung quy hoạch, động thổ vào ngày 5/1. Ngày 14/1 dự án được cấp chủ trương đầu tư của tỉnh và chính thức phát điện thương mại là 3/6/2019. Đây là thành tích nổi bật của Licogi 16 trong triển khai đầu tư năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, Licogi 16 đầu tư các dự án năng lượng tái tạo không chỉ điện mặt trời còn điện gió. Hiện có 2 dự án điện mặt trời là Chư Ngọc và mới khởi công dự án Điện mặt trời Nhơn Hải, Bình Thuận (35MW). 

Đồng thời, mới đây, công ty triển khai hai dự án gồm Dự án Điện mặt trời Mỹ Sơn 1 (62MW)và Dự án Điện mặt trời Mỹ Sơn 2 (50MW) với vai trò tổng thầu EPC. Hai dự án trên thuộc tỉnh Ninh Thuận có tổng mức đầu tư trên 2.300 tỉ đồng. Thời gian thi công dự kiến từ tháng 06/2019 đến 31/12/2019. Khi hoàn thành, hai dự án sẽ đóng góp vào lưới điện quốc gia trên 170 triệu Kwh/năm.

Phấn đấu đến cuối năm 2019, Licogi 16 hoàn thành cả 3 dự án với tổng công suất là 145Mwp.

Bên cạnh đó, Licogi 16 đang xúc tiến bổ sung quy hoạch 6 dự án điện gió, tổng công suất 300MW, 4 dự án Gia Lai và 2 dự án ở Quảng Trị. Đây là chuyển dịch lớn của công ty. Dự kiện tháng 7 tới, LCG ký tiếp 2 hợp đồng EPC trong lĩnh vực năng lượng là dự án thuỷ điện Đăk Nhim 1 và 1A.., tổng công suất 95 MW. Tổng giá trị ký 5.300 tỉ đồng.

Theo ông Hùng, trong năm 2019, Licogi 16 có 7 hợp đồng EPC, đây là tiền đề để tiến sâu hơn về năng lực xây dựng điện mặt trời.

Về việc Licogi 16 tham gia đường đua F1 ở Hà Nội, ông Hùng cho biết: "Cách đây 3 năm, khi đầu tư dây chuyền thiết bị thi công đường cao tốc Việt Nam, thời điểm đó, tôi không nghĩ Việt Nam sẽ có đường đua công thức 1. Nên khi triển khai là Licogi 16 được gọi tên. Trên thế giới, không có một nhà thầu nào có thể thi công 2 đường đua công thức 1 cả. Đây là cơ hội "ngàn năm có một" của Licogi 16".

Khả năng vượt kế hoạch năm 2019

Cập nhật về tình hình hoạt động, ông Tăng Quốc Thuộc, Tổng Giám đốc Licogi 16 cho biết, kế hoạch 2019 là doanh thu đạt 2.733 tỉ đồng, lợi nhuận 200 tỉ đồng. Bán niên theo kế hoạch là doanh thu 1.160 tỉ đồng, lợi nhuận 100 tỉ đồng. Kết quả ước tính là 1.121 tỉ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 97 tỉ đồng nửa đầu năm nay.

Theo ông Thuộc, doanh thu chưa đạt kế hoạch, sản lượng dở dang nhiều nên cần thời gian ghi nhận. Kế hoạch 2019 chủ yếu là hạ tầng giao thông, dự án BĐS đang gặp nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề tín dụng, do đó việc triển khai ghi nhận chậm lại.

Ông Hùng bổ sung thêm, hiện Licogi 16 tập trung 3 dự án điện mặt trời, nếu thực hiện được thì khả năng cán mốc 3.700 tỉ đồng doanh thu là cao, lợi nhuận tương ứng tăng mạnh. Nên dù 6 tháng mới ngấp nghé kế hoạch nhưng khả năng sẽ vượt.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dhcd-bat-thuong-licogi-16-can-it-nhat-500-ti-dong-dau-tu-vao-du-an-bds-dien-phuoc-20190627144958583.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/