Deutsche Bank không phải 'bóng ma' khổng lồ của chứng khoán Việt: Con số biết nói và những lời rỉ tai

Đầu tháng 7, với thông báo rút hoàn toàn khỏi mảng thị trường cổ phiếu toàn cầu của Deutsche Bank và hoạt động có liên quan đến quỹ ETF lớn thứ hai TTCK Việt Nam là FTSE Vietnam ETF khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Liệu đây có phải những lo ngại có cơ sở?

"Người khổng lồ" Deutsche Bank công bố kế hoạch đại cải tổ

Những ngày đầu tháng 7, thông tin về cuộc đại cải tổ của Deutsche Bank làm rúng động giới tài chính. 

Con số 18.000 ngân viên bị sa thải cùng với hình ảnh người nhân viên bước ra khỏi tòa nhà với chiếc thùng chứa đồ làm việc khiến nhiều người liên tưởng đến sự sụp đổ của Lehman Brothers 11 năm về trước.

1

Hình ảnh người nhân viên bước ra khỏi tòa nhà Deutsche Bank với thùng đồ trên tay. Ảnh: Reuter

Nói về kế hoạch tái cơ cấu của Deutsche Bank, ngân hàng này dự kiến chi 7,4 tỉ Euro tới năm 2022 để 'làm mới' mình. Chỉ riêng 2019, chi phí tái cơ cấu là 5,1 tỉ Euro. Mục tiêu hướng tới của việc tái cơ cấu nhằm giảm 25% chi phí của doanh nghiệp đến năm 2022 và Lợi nhuận trên vốn hữu hình (ROTE) 12%.

Kế hoạch cụ thể hơn, Deutsche Bank sẽ rút hoàn toàn khỏi mảng thị trường cổ phiếu toàn cầu đồng thời giảm dần lượng vốn của công ty dành cho mảng thị trường trái phiếu khoảng 40% so với mức hiện tại. Mảng thị trường cổ phiếu toàn cầu sẽ được tiếp quản bởi Tập đoàn BNP Paribas của Pháp.

Cùng với đó, Deutsche Bank tiếp tục thúc đẩy phát triển mảng quản lý quỹ DWS với mục tiêu lọt vào top 10 công ty quản lý quỹ lớn nhất thế giới.

Được biết, Deutsche Bank có mối quan hệ với quỹ ETF lớn thứ hai trên thị trường chứng khoán Việt Nam là Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF (FTSE Vietnam ETF) thông qua công ty quản lý quỹ DWS Investment S.A có trụ sở tại Luxemburg. 

Điều này khiến nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam ít nhiều quan tâm về khả năng rút quỹ. Liệu lo ngại trên có cơ sở? Những phân tích dưới đây cho thấy rõ điều đó.

FTSE Vietnam ETF có quan hệ như thế nào với Deutsche Bank?

Về lịch sử hình thành, Xtrackers FTSE Vietnam Swap UCITS ETF (FTSE Vietnam ETF) hoạt động ngày 15/1/2008. Hiện công ty quản lý của quỹ này là DWS Investment S.A. Căn cứ pháp lý của quỹ là Phần 1 thuộc Luật Luxembourg ngày 17/12/2010 liên quan đến các cam kết đầu tư tập thể.

Phương thức đầu tư của FTSE Vietnam ETF là mô phỏng gián tiếp (indirect repication). Theo đó, FTSE Vietnam ETF mô phỏng chỉ số FTSE Vietnam Index bằng cách ký hợp đồng hoán đổi (swap) với đối tác phái sinh (swap counterparty) gồm Deutsche Bank AG chi nhánh London (42,97%) và HSBC (57,05%).

Theo đó, FTSE Vietnam ETF sẽ kí hợp đồng swap với hai đối tác phái sinh trên để đổi thu nhập rổ tài sản kí quỹ của quỹ lấy thu nhập của chỉ số FTSE Vietnam Index. Với vai trò là đối tác phái sinh, Deutsche Bank AG sẽ làm gì? Trong vận hành quỹ ETF, hai hoạt động chính gồm tạo chứng chỉ quỹ (creation unit) và rút chứng chỉ quỹ (Redemption). 

Mô phỏng dưới đây cho thấy vai trò của Deutsche Bank AG.

N1

Cơ chế giao dịch của FTSE Vietnam ETF và vai trò của Deutsche Bank AG tại Việt Nam khi quỹ phát hành chứng chỉ quỹ. Ảnh: Phan Quân

N2

Cơ chế giao dịch của FTSE Vietnam ETF và vai trò của Deutsche Bank AG tại Việt Nam khi rút chứng chỉ quỹ. Ảnh: Phan Quân

Trong trường hợp này, để phòng vệ rủi ro hợp đồng swap với FTSE Vietnam ETF, Deutsche Bank AG sẽ thực hiện mua/bán cổ phiếu trong trường hợp nhà đầu tư nạp/rút chứng chỉ quỹ (ccq). 

Điều này là cơ sở loại trừ về khả năng bán cổ phiếu trong danh mục của Deutsche Bank AG nếu như tổ chức này chưa chấm dứt hợp đồng swap với quỹ ETF.

Hoặc, nhà đầu tư có thể nhận biết được việc bán cổ phiếu của Deutsche Bank AG thông qua dấu hiệu FTSE Vietnam ETF bị rút ròng chứng chỉ quỹ. Nhưng "con số biết nói" dưới đây lại đang phủ nhận quan điểm về quỹ ETF này bị rút ròng.

Theo đó, tính đến ngày 10/7, quy mô của FTSE Vietnam ETF là 9.684.712 ccq, tăng 1.012.621 ccq so với thời điểm 31/12/2018. Điều này là một tín hiệu tích cực cho thấy trạng thái 'hút tiền' của FTSE Vietnam ETF sau khi bị rút ròng trong năm 2018.

Tại thời điểm 31/12/2017, quy mô của FTSE Vietnam ETF là 9.459.254 ccq. Trong năm 2018, quỹ ETF này đã phát hành 1.274.534 ccq và rút 2.061.697 ccq. Dẫn đến trạng thái rút ròng 787.163 ccq trong cả năm 2018.

Những phân tích trên cho thấy được FTSE Vietnam ETF đang tích cực trong việc 'bơm vốn' vào thị trường chứng khoán Việt Nam nửa đầu năm 2019. Đây là dấu hiệu có thể nhà đầu tư an tâm hơn về trạng thái của FTSE Vietnam ETF và thêm cơ sở để loại trừ khả năng rút quỹ.

Với FTSE Vietnam ETF, Deutsche Bank AG không phải là tất cả

Hơn thế nữa, theo phân tích của người viết, Deutsche Bank AG đang có vai trò 'yếu thế' hơn so với HSBC trong vai trò tác động đến rổ cổ phiếu FTSE Vietnam Index.

FTSE2

Giao dịch của Deutsche Bank AG, HSBC và FTSE Vietnam ETF. Nguồn: Báo cáo thường niên Xtracker

Cụ thể, theo báo cáo tổng kết năm 2018, giá trị tài sản đầu tư (Notional Value - Invested asset) của liên quan đến hợp đồng swap với FTSE Vietnam ETF của hai đối tác phái sinh là Deutsche Bank AG – Chi nhánh London và HSBC lần lượt là 132,2 triệu USD và 166,3 triệu USD. 

Tương lai nào cho FTSE Vietnam ETF?

Trở lại câu chuyện tương lai của quỹ ETF lớn thứ hai thị trường chứng khoán Việt Nam, người viết đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Công ty Biên An Toàn.

Theo nhận định của ông Huỳnh Minh Tuấn: "Việc Deutsche Bank AG thực hiện tái cơ cấu là có lợi cho FTSE Vietnam ETF vì tổ chức này có định hướng phát triển mảng quản lý tài sản (AM – Asset Management). Những phần quỹ chuyên biệt (private equity) khả năng cao sẽ chuyển giao cho các định chế lớn có năng lực kinh nghiệm và am hiểu tình hình.

Do đó, hai ứng cử viên sáng giá trong việc chuyển giao là BNP Paribas của Pháp hoặc HSBC của Anh".

Rổ FTSE Vietnam Index có những mã nào?

Theo thống kê, tính đến 9/7, tài sản ròng của quỹ FTSE Vietnam ETF đạt 306,2 triệu USD (tương đương 7.100 tỉ đồng). 

Quy mô này thấp hơn so với quỹ ETF khác trên TTCK Việt Nam là VanEck Vectors Vietnam ETF (V.N.M ETF) với giá trị tài sản ròng 469,3 triệu USD.

FTSE

Top10 cổ phiếu có tỉ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của FTSE Vietnam ETF. Nguồn: Bloomberg

Danh mục của quỹ FTSE Vietnam Index này gồm 20 cổ phiếu. Trong đó, ba cổ phiếu 'họ Vingroup' chiếm tỉ trọng đến 40,58% danh mục: VHM (15,22%), VIC (14,97%), VRE (10,39%). Hai cổ phiếu khác nằm trong Top5 mã chiếm tỉ trọng lớn nhất là VNM (14,81%) và MSN (11,1%).

Bên cạnh đó, Top10 cổ phiếu chiếm tỉ trọng lớn trong rổ FTSE Vietnam Index còn có các mã khác như HPG, VCB, NVL, PLX và SSI.

Liệu Deutsche Bank AG có 'xả hàng' cổ phiếu liên quan đến P-notes?

Ngoài ETF, một hoạt động khác của Deutsche Bank AG được xem là có liên quan trên thị trường chứng khoán Việt Nam là P-Notes.

P-Notes (Participatory Notes) là một công cụ phái sinh phổ biến với những thị trường chứng khoán phát triển. Tuy nhiên, với thị trường như Việt Nam, sản phẩm này dường như xa lạ với những nhà đầu tư.

Để hiểu rõ về về P-notes, đây là sản phẩm được các tổ chức đầu tư phát hành dành riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Những tổ chức đầu tư này đang hoạt động tại những thị trường chứng khoán mới nổi. 

Để phát hành P-notes, các tổ chức đầu tư này phải 'xây kho' bằng việc tích lũy một lượng cổ phiếu đủ lớn, thanh khoản tốt, có tính đại diện cho thị trường để xây dựng danh mục.

11 năm trở về trước, tại thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 4 ngân hàng đầu tư nước ngoài có quy mô lớn phát hành P-Notes là Deutsche Bank, HSBC, Citigroup và Merill Lynch (nay là một bộ phận của Bank of America). 

Tuy nhiên, một số liệu cụ thể về lượng cổ phiếu nắm giữ và phát hành P-Notes của các tổ chức này tại TTCK Việt Nam vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Sau khi Deutsche Bank AG công bố kế hoạch cải tổ, nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan ngại về việc nhà băng này sẽ 'xả hàng', tác động tiêu cực đến cổ phiếu trong danh mục đầu tư. Một số cái tên được nhắc đến như HPG, HSG, GMD, PNJ…

Việc đồn đoán trên những diễn đầu tư, thông tin truyền thông cộng với việc một số cổ phiếu giảm giá sau thông tin trên khiến tác động không nhỏ đến tâm lý của nhà đầu tư. Một lần nữa, câu hỏi đặt ra rằng liệu sự lo ngại này có cơ sở?

FTSE4

Top10 tổ chức có sở hữu lớn nhất tại Tập đoàn Hòa Phát tại này 1/3/2019. Nguồn: Báo cáo thường niên Tập đoàn Hòa Phát.

Lấy ví dụ điển hình về một cổ phiếu giảm giá là HPG, theo tìm hiểu của người viết, trong cơ cấu cổ đông của Tập đoàn Hòa Phát, tính đến ngày 1/3, Deutsche Bank AG không nằm trong Top10 tổ chức lớn nhất sở hữu cổ phiếu HPG. 

 Theo đó, thành viên của Vinacapital là quỹ VOF là tổ chức lớn nhất sở hữu 3,76% vốn điều lệ của Tập đoàn Hòa Phát. Đứng ở vị trí thứ 10 là Ngân hàng đầu tư UBS AG chi nhánh London sở hữu 20,23 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 0,95% vốn điều lệ.

Như vậy, thông tin về sở hữu của Deutsche Bank AG dường như đang khác biệt so với con số sở hữu hơn 3% tại Tập đoàn Hòa Phát được lưu truyền trong giới đầu tư và đăng tải trên các phương tiện truyền thông.

Với trường hợp những cổ phiếu khác như GMD, PNJ, HSG, do Deutsche Bank AG không phải cổ đông lớn, không bắt buộc công bố thông nên người viết không có đủ cơ sở rõ ràng về tỉ lệ sở hữu của nhà băng này tại các doanh nghiệp trên.

Trở lại câu hỏi về khả năng Deutsche Bank AG bán cổ phiếu trong danh mục tại thị trường chứng khoán Việt Nam liên quan đến P-Notes?

"Câu chuyện Deutsche Bank AG cơ cấu các quỹ ủy thác đại diện, bán P-notes là suy đoán chủ quan. Cơ sở của nhận định là phiên ATC giao dịch đột biến vào cuối tháng 6 khiến một số cổ phiếu như CTG, GAS, MSN giao dịch tích cực trong phần lớn thời gian giao dịch nhưng giảm mạnh vào cuối phiên với lực bán mạnh.

Tuy nhiên, việc theo dấu các P-Notes này là khó vì các tổ chức không có nghĩa vụ công bố thông tin. Đây thường là những đánh giá của giới đầu tư với kinh nghiệm lâu năm và thạo tin trên thị trường", ông Huỳnh Minh Tuấn đưa quan điểm.

A3

Cổ phiếu CTG và GAS bất ngờ bị bán mạnh trong phiên ATC ngày 28/6. Nguồn: VNDirect

Thông tin thêm, danh mục phán đoán của P-Notes nắm giữ thường tập trung vào những cổ phiếu đầu ngành, Bluechips nhóm ngân hàng (CTG, VCB), bất động sản (VIC), tiêu dùng (MSN, VNM), năng lượng (GAS), bảo hiểm (BVH)…

Danh mục trên chưa được khẳng định chính xác vì các tổ chức chưa bao giờ công bố cụ thể. Mặt khác, những tổ chức này còn có các thỏa thuận bảo mật (NDA - None Disclosure Agreement) với công ty chứng khoán nơi mở tài khoản, một vị chuyên gia tư vấn quỹ ngoại cho biết.

Những phân tích trên phần nào cung cấp góc nhìn về hoạt động của Deutsche Bank AG trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Những động thái mới hơn của nhà băng này sẽ được chúng tôi tiếp tục cập nhật trong những bài viết tiếp theo.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/deutsche-bank-cai-to-khong-phai-bong-ma-khong-lo-cua-chung-khoan-viet-con-so-biet-noi-va-nhung-loi-ri-tai-20190712090212309.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/