Đề xuất phát triển cảng Tiên Sa thành TT thương mại, chuyển một phần công năng sang cảng Liên Chiểu

Chuyển đổi công năng của cảng Tiên Sa thành cảng du lịch và tái phát triển khu vực này trở thành trung tâm thương mại sầm uất. Đồng thời chuyên một phần công năng cảng Tiên Sa sang cảng Liên Chiểu, cảng Liên Chiểu sẽ đảm nhận vai trò là cảng hàng hóa.

de xuat phat trien cang tien sa thanh tt thuong mai chuyen mot phan cong nang sang cang lien chieu
Phối cảnh cảng Liên Chiểu.

Đó là ý tưởng được đề xuât bởi ông Kazumasa Fujita, Phó Trưởng bộ phận Phát triển Cơ sở hạ tầng của Công ty Sojitz (Nhật Bản) tại buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn vào ngày 25/5/2017 liên quan đến khả năng hợp tác đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu.

Với ý tưởng này, theo phía Sojitz, cần làm sáng tỏ vai trò công năng của từng cảng riêng biệt. Về nguồn vốn đầu tư, phía Sojitz cho rằng, hiện nay để chuẩn bị xây dựng cảng Liên Chiểu, cần tiến hành nhiều việc như triển khai xây dựng đê chắn sóng, nạo vét luồng, lạch… nên cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư.

Phương án đầu tư được Sojitz đề xuất là sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản để đầu tư các hạng mục hạ tầng cơ bản như đê kè chắn sóng, nạo vét luồng lạch, đường dẫn.

Do nguồn vốn này có ưu điểm là thời gian ân hạn 10 năm, thời gian cho vay từ 30-40 năm với mức lãi suất thấp tính theo đồng Yên Nhật chỉ là 0.1-1.4%. Hợp phần còn lại là hạ tầng bến bãi, thiết bị của cảng sẽ được đầu tư theo hình thức hợp tác công–tư (PPP).

Khi đó, Sojitz sẽ thành lập 1 liên danh bao gồm Sojitz, Công ty CP Cảng Đà Nẵng và 1 nhà điều hành có kinh nghiệm trên lĩnh vực cảng biển của Nhật Bản để tham gia đầu tư dự án cảng Liên Chiểu. Đồng thời Sojitz cũng sẽ giới thiệu các đối tác mang nguồn hàng đến cho cảng cũng như cùng phối hợp với thành phố tìm nguồn vốn vay để đầu tư cảng Liên Chiểu cũng như là tái phát triển khu vực cảng Tiên Sa.

Được biết, với 20 liên doanh đang hoạt động, Sojitz cũng đã hợp tác đầu tư phát triển 6 dự án cảng biển trên thế giới, có kinh nghiệm trong sự phát triển các khu, cụm công nghiệp và quan trọng hơn là có thể giới thiệu, mời gọi các đối tác khác cùng tham gia xây dựng cảng Liên Chiểu.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, phải khẳng định mức tăng trưởng của cảng Tiên Sa trong những năm qua là rất nhanh và cảng Tiên Sa có vai trò hết sức quan trọng đối với Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc phát triển cảng Tiên Sa trong giai đoạn hiện nay có những hạn chế nhất định do có những xung đột với tốc độ đô thị hóa của thành phố. Để giải quyết bài toán đó, việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu là cần thiết vì cảng này có vị trí quy hoạch rất phù hợp.

Về phân khu chức năng, Phó chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn cho hay, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trong cuộc họp gần đây nhất với Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương giới hạn công suất khai thác tối đa của Cảng Tiên Sa là 10 triệu tấn/năm nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 14B, đặc biệt là đoạn đi qua địa phận Đà Nẵng cũng như phù hợp với định hướng phát triển Cảng Tiên Sa về lâu dài là trở thành cảng du lịch quốc tế, và một phần khu vực này sẽ phát triển dịch vụ, thương mại. Như vậy, cảng Tiên Sa sẽ trở thành 1 cảng hỗn hợp.

Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã thống nhất chủ trương sớm triển khai đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu để chủ động tiếp nhận hàng hóa vận tải đường biển thông qua khu vực cảng Đà Nẵng vì công suất của cảng Tiên Sa dự kiến sẽ đạt giới hạn tối đa vào năm 2020. Như vậy, trong khoảng thời gian đó, các hạng mục tại khu vực Tây Bắc phải được bắt đầu khởi động để đến năm 2022, giai đoạn 1 của dự án đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu sẽ hoàn thành.

Phương án đầu tư sẽ theo hình thức hợp tác công–tư (PPP), trong đó các hạng mục gồm đê kè chắn sóng, nạo vét luồng, vũng quay tàu và hạ tầng kỹ thuật tiếp cận cảng sẽ được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, có thể xem xét đề xuất sử dụng nguồn vốn ODA hoặc các nguồn vốn Nhà nước hợp pháp khác.

Hợp phần còn lại là đầu tư hạ tầng bến bãi, thiết bị của cảng sẽ được huy động từ các nhà đầu tư tiềm năng theo phương thức xã hội hóa. Chính vì vậy, Đà Nẵng rất trân trọng sự tham gia của các nhà tài trợ, nhà đầu tư, tư vấn như Công ty Sojitz trong quá trình thành phố triển khai dự án này.

Sojitz là một trong những công ty lớn nhất của Nhật Bản, có lịch sử trên 100 năm và hoạt động SX-KD đa ngành, đa lĩnh vực như năng lượng, sản xuất máy móc thiết bị, hạ tầng khu công nghiệp và các lĩnh vực nông - lâm - thủy sản và hàng tiêu dùng… Đây cũng là doanh nghiệp Nhật Bản đầu tiên thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam (năm 1986). Tại Việt Nam, Sojitz đã thành lập 20 công ty liên danh, trong đó có Công ty Vijachip tại Đà Nẵng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/de-xuat-phat-trien-cang-tien-sa-thanh-tt-thuong-mai-chuyen-mot-phan-cong-nang-sang-cang-lien-chieu-22359.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/