|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

ĐBQH: Chứng khoán tăng không tương ứng với tăng trưởng lợi nhuận của DN, sức hấp thụ nền kinh tế có vấn đề

18:19 | 05/12/2021
Chia sẻ
Ông Hoàng Văn Cường cho rằng sức hấp thụ nguồn vốn hỗ trợ của nền kinh tế đang có vấn đề. Đại biểu băn khoăn dòng vốn hỗ trợ có đang thực sự đi vào các hoạt động sản xuất kinh doanh hay không, giá trị và hiệu quả kinh tế tạo ra so với đồng vốn chuyển vào đầu tư như thế nào.

Phát biểu tại diễn đàn kinh tế 2021 tổ chức sáng 5/12, ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đặt vấn đề liệu vốn có thực sự đi vào sản xuất hay không.

Theo ông Cường, giải ngân vốn đầu tư công kể từ đầu năm đến nay chỉ hơn 70%, trong khi tăng trưởng vốn tín dụng cũng chỉ khoảng trên 10%. Như vậy, so với kỳ vọng, việc đưa vốn vào nền kinh tế là thấp, chuyển vốn chậm.

Ông Cường phân tích thêm, trên cơ sở tỷ lệ vốn đầu tư so với tổng giá trị sản phẩm tạo ra, nếu hiệu quả đầu tư tốt thì đầu tư 1 đồng sẽ tạo ra hơn 1 đồng giá trị sản phẩm. Tuy nhiên hiện nay, tiền vốn đầu tư 1 đồng thì giá trị sản phẩm tạo ra không được 1 đồng. Ông đặt câu hỏi vậy tiền này không đi vào sản xuất mà đi vào đâu?

anh - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: Quochoi).

Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra hai giả thiết. Thứ nhất là tiền đi vào tiêu dùng, có thể làm tăng lạm phát.

Giả thiết thứ hai theo ông là nó vào kênh đầu cơ, làm giá bất động sản tăng lên, giá chứng khoán tăng lên. 

"Thực tế chứng minh tốc độ tăng trưởng chứng khoán giai đoạn này tăng nhanh là biểu hiện của dòng tiền đổ vào đó làm giá cổ phiếu tăng, chứ không phải lợi nhuận doanh nghiệp tăng làm thị trường chứng khoán tăng.

Hai điều này đều nói lên sức hấp thụ nền kinh tế có vấn đề. Nhưng không phải vì thế mà không tăng đầu tư. Nên cần phải giải quyết điều này”, ông nhấn mạnh.

Một trong các giải pháp đưa ra là ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, để qua đó có thể kiểm soát dòng tiền lưu thông trong nền kinh tế, có thực sự đổ vào sản xuất và tiêu dùng hay không.

Ông Cường cũng đề xuất cần đảm bảo giải ngân vốn đầu tư công nhanh hơn, đưa ra những giải pháp đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư công, thậm chí đặt hàng đơn vị tư nhân giải ngân vốn đầu tư công làm sao đảm bảo tiến độ giải ngân nhanh và hiệu quả.

Ngoài ra, ngân hàng cần đồng hành với doanh nghiệp, vốn tín dụng hỗ trợ phải đảm bảo chảy vào đúng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp; kiểm soát chặt chẽ dòng tiền vào các lĩnh vực mong muốn đầu tư; thay đổi phương thức tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp.

Anh Đào