Đầu tư PPP để tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân

Tiến trình triển khai các dự án PPP còn chậm, qui mô nhỏ là những vướng mắc cần sớm tháo gỡ để đẩy nhanh thực hiện các dự án trong thời gian tới.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14, ngày 11/11/2019, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng sẽ báo cáo trước Quốc hội về Dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư – PPP. 

Luật có 11 chương 102 điều với những điểm mới đáng chú ý như: Đẩy mạnh đấu thầu rộng rãi cạnh tranh, rút ngắn thủ tục đấu thầu; Việc lựa chọn dự án được thực hiện kỹ lưỡng thông qua cơ chế thành lập Hội đồng thẩm định dự án PPP….

Đầu tư PPP để tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo trước Quốc hội về Dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư – PPP ngày 11/11.

Huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân

Tính đến tháng 1/2019, có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng (trong đó, 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT: xây dựng - chuyển giao và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác).

Thông qua mô hình PPP, nguồn vốn đầu tư tư nhân đã được huy động để giải quyết nhu cầu cấp bách về đầu tư hạ tầng. 

Cả nước đã huy động được khoảng 1,6 triệu tỷ đồng thực hiện đầu tư 336 dự án PPP, góp phần tích cực hoàn thiện chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải..., kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân và nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội , góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kích cầu sản xuất trong nước.

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2017, chất lượng cơ sở hạ tầng tổng thể của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 79, tăng 2 bậc so với năm 2014 và tăng 44 bậc so với năm 2010 (xếp thứ 123).

PPP giúp tối đa hóa giá trị đồng tiền - Nâng cao vai trò của Nhà nước

Bên cạnh các kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy việc triển khai PPP còn một số tồn tại, bất cập như: Nhiều dự án trước đây phần lớn được thực thiện theo đề xuất của nhà đầu tư, phía cơ quan nhà nước chưa chủ động nghiên cứu, lập dự án tốt; Công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo; Chưa rõ ràng về cơ chế minh bạch thông tin cơ bản của hợp đồng PPP được ký kết;

Bên cạnh đó, chế tài xử lý vi phạm của nhà đầu tư cũng như cơ quan có liên quan phía nhà nước còn thiếu, chưa chặt chẽ; Thiếu quy định về vai trò, trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, cụ thể về cơ chế chính sách chia sẻ rủi ro, giải quyết tranh chấp giữa các bên tham gia dự án....

Đầu tư PPP để tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân - Ảnh 2.

Nhu cầu hợp tác công tư ở nước ta đang ngày càng lớn trong điều kiện nguồn vốn nhà nước hạn hẹp, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng lớn.

Nhu cầu hợp tác công tư ở nước ta đang ngày càng lớn. Trong những năm tới, chỉ riêng nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng cần ít nhất 20 tỷ USD/năm. 

Trong điều kiện nguồn vốn nhà nước hạn hẹp, vốn hỗ trợ chính thức ODA sắp hết, thì đối tác công tư và huy động nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong đầu tư cơ sở hạ tầng, nền tảng phát triển của kinh tế, xã hội.

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chỉ 10% cơ sở hạ tầng của Việt Nam được cấp vốn bởi khu vực tư nhân. Tỉ lệ này thấp hơn đáng kể so với nhiều quốc gia có mức thu nhập trung bình khác tại châu Á.

Các chuyên gia kinh tế về hợp tác đối tác công tư (PPP) và phát triển khu vực kinh tế tư nhân của ngân hàng này cho rằng, nếu Việt Nam tạo ra một môi trường pháp lý và quy định phù hợp cụ thể là xây dựng Luật PPP sẽ là điều cần thiết để giúp thúc đẩy, tăng cường hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài vào mọi lĩnh vực kinh tế; đặc biệt để phát triển cơ sở hạ tầng.

Ông Sanjay Grover, Chuyên gia về Hợp tác công tư của ADB nhấn mạnh, điều quan trọng là Luật PPP mới phải đủ toàn diện để cho phép Chính phủ linh hoạt trong việc cơ cấu phân bổ rủi ro dự án nhằm tối đa hóa giá trị đồng tiền.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để tăng hiệu quả hợp tác công tư, cơ quan Nhà nước cần thay đổi tư duy quản lý kinh tế, tăng cường các thể chế xúc tiến, phát triển thị trường hợp tác công tư PPP, thành lập quỹ phát triển PPP quốc gia…

Bên cạnh những bài học chưa thành công về PPP, chúng ta cũng có những thực tiễn tốt về PPP trong cả nước, như các mô hình “sở hữu công - quản trị tư”, “đầu tư tư - sử dụng công”, dịch vụ thuê ngoài ở một số địa phương và bộ ngành. 

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay, mối quan hệ công tư - giữa Nhà nước và khu vực tư nhân cần phải có sự thay đổi để thích ứng với tình hình thời cuộc.

Dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư – PPP có 11 chương 102 điều với những điểm mới đáng chú ý như sau:

- Đẩy mạnh đấu thầu rộng rãi cạnh tranh, rút ngắn thủ tục đấu thầu.

- Việc lựa chọn dự án được thực hiện kỹ lưỡng thông qua cơ chế thành lập Hội đồng thẩm định dự án PPP.

- Đẩy mạnh việc công khai, minh bạch thông tin tại tất cả các bước như chuẩn bị dự án, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng.

- Chỉ lựa chọn áp dụng loại hợp đồng có cơ chế thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với các dự án PPP đầu tư, xây dựng mới và người dân có hơn một sự lựa chọn khi sử dụng dịch vụ.

- Tăng cường hiệu quả của công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán dự án PPP, chế tài xử phạt, quy định rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan nhà nước.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dau-tu-ppp-de-tang-nang-luc-canh-tranh-cua-nen-kinh-te-quoc-dan-20191110211215539.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/