Đâu là tâm điểm fintech ở Châu Á?

Fintech làm nóng thêm cuộc ganh đua hàng chục năm nay giữa Singapore và Hồng Kông trong việc tranh giành ngôi vị trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.

Ưu đãi giảm thuế, sự hỗ trợ của chính phủ và dễ tiếp cận các thị trường khu vực là lý do Joe Seunghyun Cho quyết dịnh chọn Singapore làm trụ sở cho 6 công ty công nghệ tài chính (fintech) của mình, thay vì chọn đặt chúng tại Hồng Kông hay quê nhà Hàn Quốc. Tập đoàn Marvelstone Group của Cho đang phát triển một nền tảng thanh toán di động và đầu tư vào các công ty fintech khác. “Chúng tôi cực kỳ ấn tượng với các cơ quan chính phủ tại đây”, Cho nói. Các nhà chức trách Singapore đã “chiêu dụ” ông bằng các khoản giảm thuế và kết nối công ty ông với các đối tác tiềm năng.

Nhiều công ty fintech cũng đưa ra các quyết định tương tự, càng làm nóng thêm cuộc ganh đua hàng chục năm nay giữa Singapore và Hồng Kông trong việc tranh giành ngôi vị trung tâm tài chính hàng đầu châu Á. Trong bối cảnh lợi nhuận của các ngân hàng đang chịu sức ép do các quy định toàn cầu siết chặt hơn và chi phí tuân thủ pháp luật gia tăng, đó quả là một cuộc chiến mà cả Singapore lẫn Hồng Kông đều không thể để thua. Vậy ai sẽ có cơ may chiến thắng?

Các cuộc phỏng vấn với những doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực fintech và các chuyên gia tư vấn doanh nghiệp cho thấy mặc dù Hồng Kông đang có những bước tiến lớn để bắt kịp đối thủ, nhưng Singapore lại đang dẫn đầu, một phần vì chính phủ đảo quốc sư tử nhanh nhạy hơn trong việc nhận ra tiềm năng của ngành fintech. Trong một nghiên cứu tháng 2 được thực hiện cho Chính phủ Anh, Ernst & Young đã xếp Singapore đứng thứ 4 trong số những trung tâm fintech toàn cầu, trong khi Hồng Kông xếp thứ 7. Singapore được xem là cửa ngõ thuận lợi hơn để bước chân vào châu Á, theo báo cáo, nhấn mạnh “cơ chế quản lý nhà nước ngày càng cấp tiến” của đảo quốc sư tử.

“Các dịch vụ tài chính là một thành tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và việc làm tại cả Singapore lẫn Hồng Kông”, Mohit Mehrotra, chuyên gia tư vấn chiến lược khu vực Đông Nam Á của Công ty Deloitte, nhận xét. Nhưng “ngành dịch vụ tài chính lại đang chịu nhiều sức ép trong việc duy trì biên lợi nhuận và tốc độ tăng trưởng. Giải pháp của họ là dựng lên những người chơi có thể cung cấp các giải pháp công nghệ cải tiến cho ngành dịch vụ tài chính và hỗ trợ tăng trưởng của toàn bộ hệ sinh thái”, ông nói tiếp.

dau la tam diem fintech o chau a 10037

Ernst & Young xếp Singapore thứ 4 trong số những trung tâm fintech toàn cầu, trong khi Hồng Kông xếp thứ 7. Ảnh: Sơn Phạm

Khoảng cách chênh lệch giữa Hồng Kông và Singapore càng thấy rõ vào tháng 11 vừa qua khi cả hai cùng tổ chức khai mạc hội nghị fintech và 2 sự kiện này chỉ cách nhau 1 tuần. Singapore Fintech Festival đã thu hút hơn 11.000 khách tham dự với sự góp mặt của các diễn giả là bà Blythe Master, chuyên gia kinh tế và hiện là CEO Digital Asset Holdings; ông Peter Sands, cựu CEO Standard Chartered Peter Sands và ông Anshu Jain, cựu đồng CEO Deutsche Bank. Trong khi đó, hội nghị fintech của Hồng Kông lại thu hút chưa bằng 1/4 số khách tham dự của Singapore.

“Singapore đang ở vị thế cực kỳ tốt để hỗ trợ cho sự phát triển của một trung tâm hoạt động fintech, đóng vai trò là một cửa ngõ bước chân vào các thị trường châu Á rộng lớn hơn”, Masters, từng là nhà điều hành tại JPMorgan, trả lời phỏng vấn bên lề Singapore Fintech Festival.

Đối với Shailesh Naik, chọn Singapore thay vì Hồng Kông làm cứ điểm cho công ty công nghệ thanh toán di động MatchMove Pay Pte của mình là do Singapore có nguồn cung chuyên gia kỹ năng cao, dễ dàng tiếp cận các thị trường trong khu vực cũng như sự thuận lợi về môi trường quản lý nhà nước.

Theo Naik, việc Chính phủ Singapore đặt mối ưu tiên vào startup và fintech đã tạo đà cho sự phát triển của doanh nghiệp. Hơn nữa, “cũng dễ dàng hơn trong việc qua lại giữa Singapore và các nước kế cận vì khả năng sử dụng tiếng Anh thương mại. Đó là một điểm cộng rất lớn so với Hồng Kông”, ông cho biết thêm.

Kể từ ra mắt vào năm 2009, MatchMove của Naik đã bành trướng vào thị trường Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Philippines và giờ Công ty có 160 nhân viên. Credit Saison Co., công ty tài chính tiêu dùng lớn thứ ba nước Nhật xét về giá trị, đã mua cổ phần trong MatchMove vào tháng 1.2015.

Trong khi đó, đối với Hồng Kông, vai trò xưa nay là cửa ngõ tài chính vào đại lục Trung Quốc có thể nói “vừa phúc vừa họa”. Đó là bởi vì Trung Quốc, quê hương của các gã khổng lồ fintech như Ant Financial, Lufax…, đang trải qua một thời kỳ bùng nổ của ngành fintech. Gần 90% số vốn đầu tư vào fintech tại châu Á - Thái Bình Dương trong năm nay đã bỏ qua Hồng Kông lẫn Singapore và rót trực tiếp vào Trung Quốc, theo một nghiên cứu của Accenture dựa trên số liệu của CB Insights.

Nghiên cứu của Accenture cho thấy, các công ty và nhà đầu tư đã rót tổng cộng 10,5 tỉ USD vào fintech tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương tính từ đầu năm đến hết tháng 9.2016, cao hơn khoảng 2 tỉ USD so với cả châu Âu và Mỹ cộng lại. Phần lớn số tiền này đã được rót vào đại lục Trung Quốc.

dau la tam diem fintech o chau a 10037

Dù thế, Hồng Kông vẫn không hề nao núng và càng ra sức tăng tốc. Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đã công bố ra mắt Trung tâm Cải tiến Fintech vào tháng 9 vừa qua nhằm mang các ngân hàng, startup và các đại diện ngân hàng trung ương lại với nhau để phát triển và thử nghiệm các ý tưởng fintech. HKMA đồng thời thành lập một sân chơi cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm những cải tiến của mình trong một môi trường được quản lý khá dễ chịu, trước khi chính thức đưa các cải tiến này ra mắt công chúng. Đáng chú ý là HKMA đưa ra công bố chỉ 3 tháng sau khi Singapore cũng đề xuất một dự án như thế.

Với lịch sử là một trung tâm huy động vốn có tiếng, Hồng Kông có thể “chơi trội” so với Singapore bằng cách áp dụng cách tiếp cận theo kiểu “chính quyền ít can thiệp” trong việc cấp vốn cho các startup. Khoản đầu tư 369 triệu USD vào fintech tại Hồng Kông từ cuối năm 2013 đến hết 30.9.2016 gần gấp ba lần Singapore, theo số liệu của Accenture.

“Hồng Kông là một thị trường có độ mở cao với cơ quan lập pháp mạnh nhưng can thiệp của các nhà chức trách lại hầu như không có. Vì thế, việc phát triển fintech cũng sẽ chủ yếu được thúc đẩy bởi các thế lực thị trường”, Albert Wong, CEO Hong Kong Science & Technology Parks Corp., công ty điều hành các cơ sở nghiên cứu cho chính quyền thành phố, nhận xét.

Tuy nhiên, Wong cho rằng startup ở Hồng Kông cần sự hỗ trợ tốt hơn về vốn khởi nghiệp cũng như huy động vốn trong giai đoạn đầu. Hơn nữa, Hồng Kông cũng cần gia tăng nguồn cung nhân tài trong mảng công nghệ và kỹ thuật. Nghiên cứu Ernst & Young đã xếp Hồng Kông cao hơn Singapore về độ sẵn có của nguồn vốn nhưng lại đánh giá Singapore cao hơn về nhân tài và chính sách quản lý nhà nước.

Rõ ràng, sự hỗ trợ tích cực của chính quyền Singapore là yếu tố then chốt để các doanh nhân như Cho của Marvelstone và Naik của MatchMove quyết định chọn đảo quốc sư tử hay vì Hồng Kông. Ông Cho cho biết Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã giúp giới thiệu ông với các cơ quan nhà nước và những hãng fintech khác; một vài trong số này đã trở thành người thuê tại Lattice80, khu văn phòng dành cho các startup ở khu trung tâm thương mại của thành phố. Lattice80 của Marvelstone cũng là nơi đặt văn phòng Singapore của R3, nhóm công ty tài chính toàn cầu đang phát triển các ứng dụng blockchain (sổ cái công cộng) cũng như MatchMove.

MAS “rất rõ ràng trong cách tiếp cận của mình nhằm “định nghĩa” Singapore như một trung tâm cải tiến”, James Lloyd, đứng đầu fintech khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ernst & Young, nhận xét. Nhưng Hồng Kông cũng đầy quyết tâm. Bằng chứng là “trong 12 tháng qua, Hồng Kông đã đi từ chỗ là chỉ mới ở vạch xuất phát đến chỗ tăng tốc nhanh hơn nhiều người tưởng”, ông nói.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dau-la-tam-diem-fintech-o-chau-a-10037.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/