Đất nền nóng trở lại, nhiều nhà đầu tư vẫn đang chờ thoát hàng

Thực tế, sau mỗi đợt sốt đất, rất nhiều nhà đầu tư mua vào ở đỉnh giá đã phải chôn vốn trong thời gian dài hoặc chấp nhận cắt lỗ với thanh khoản kém.

Một điểm tư vấn dự án tại khu vực gần Trường Chính trị tỉnh. (Ảnh: Báo Bắc Giang).

Thị trường bất động sản nhiều khu vực gần đây ghi nhận tăng giá bất thường sau tin đồn sáp nhập các tỉnh, thành. Theo đó, giá đất tại một số địa phương có thông tin sáp nhập đã bị đẩy lên cao, có nơi lên tới 20%. Trước thực trạng này, loạt địa phương đã lên tiếng cảnh báo.

Công an tỉnh Thái Bình cho biết giá bất động sản tại một số khu vực trong tỉnh đang có nhiều biến động. Tuy nhiên, việc tăng giá “nóng” trong thời điểm hiện tại không phản ánh thực chất giá trị của bất động sản và nhu cầu của thị trường.

Do đó, cơ quan này khuyến nghị nhà đầu tư cần bình tĩnh, không nên tin tưởng những tin đồn thất thiệt tràn lan trên mạng xã hội về việc sáp nhập các đơn vị hành chính. Thông tin chỉ hoàn toàn chính xác khi được công khai bởi các cơ quan phát ngôn chính thống. Trước khi thực hiện giao dịch bất động sản, nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ lưỡng về pháp lý của tài sản.

Bên cạnh đó, cơ quan này yêu cầu người dân nếu phát hiện hành vi gian lận trong hoạt động kinh doanh bất động sản thì trình báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an để kịp thời xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.

UBND tỉnh Bắc Giang cũng vừa yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì thiết lập ngay các đường dây nóng tiếp nhận phản ánh và triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh bất động sản.

Cụ thể, ngay khi tiếp nhận phản ánh của tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội hoặc các phương tiện thông tin đại chúng về các hành vi, giao dịch bất động sản có dấu hiệu vi phạm pháp luật, đẩy giá, lừa dối thị trường (kể cả các trường hợp qua nắm bắt, theo dõi phát hiện thông tin trên mạng xã hội), Sở Xây dựng phải tổ chức kiểm tra kịp thời và xử lý nghiêm theo thẩm quyền. Nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển ngay đến cơ quan công an để điều tra theo quy định.

Tại Ninh Bình, sau phản ảnh tình trạng giá bất động sản tăng bất thường tại TP Hoa Lư, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng Công an tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan tiến hành kiểm tra các hoạt động mua bán nhà đất. Việc này nhằm phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với mọi hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quản lý đất đai và các quy định hiện hành khác.

Tại Phú Thọ, lãnh đạo Sở Xây dựng cũng đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ "sốt đất ảo" trên địa bàn, đồng thời cho biết giá đất tăng cao chỉ là các chiêu trò thổi giá của "cò đất". Sở này cho biết hiện tại, các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn gần như chưa phát sinh giao dịch. Việc giá đất tăng cao rất có thể chỉ là các chiêu trò thổi giá của "cò".

Tương tự, thị trường bất động sản Tuyên Quang cũng đang chứng kiến đà tăng nóng chưa từng có, giá đất bị đẩy lên cao ngất ngưởng chỉ trong thời gian rất ngắn theo tin đồn sáp nhập đơn vị hành chính.

Do đó, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh này khẳng định đất nền tại tỉnh không thiếu, rất nhiều khu đô thị hiện đại đang được đầu tư xây dựng và thừa khả năng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Do đó, việc đổ xô, chạy theo phong trào mua đất tại các khu vực do giới "cò mồi" đồn thổi trong thời điểm hiện nay chỉ làm nhiễu loạn thị trường, nhiều khả năng còn dẫn đến rủi ro lớn. 

Nhiều nhà đầu tư đang kẹt hàng

Các chuyên gia của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cảnh báo, các nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng trước cơn sốt ảo. Bởi những cơn sốt đất theo tin thường chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm nhỏ nhà đầu cơ, trong khi phần lớn nhà đầu tư cá nhân và người mua ở thực có nguy cơ mắc kẹt nếu mua với mức giá kỳ vọng, đã bị đẩy lên quá cao.

Thực tế, sau mỗi đợt sốt đất, rất nhiều nhà đầu tư mua vào ở đỉnh giá đã phải chôn vốn trong thời gian dài hoặc chấp nhận cắt lỗ với thanh khoản kém. Thậm chí, nhiều nhóm nhà đầu tư tự tin có kinh nghiệm “lướt sóng” cũng không ít lần thất bại khi không kịp thời thoát hàng.

"Giá trị bất động sản muốn tăng lên một cách bền vững cần có nền tảng, nghĩa là phải có sự phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội.Những đợt sốt đất chỉ dựa trên tin tức mà không đi kèm với các kế hoạch đầu tư phát triển thường có chu kỳ ngắn, tăng nhanh nhưng khó có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài", chuyên gia cho hay.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, thị trường bất động sản từ đầu năm 2025 đến nay nhận được nhiều trợ lực để phục hồi. Quan sát thấy nhiều dự án bất động sản ra hàng, nguồn cung bắt đầu có. Một số dự án bất động sản cao cấp tưởng khó bán nhưng thời gian gần đây lại bán rất tốt. Tuy nhiên, thị trường thứ cấp lại giao dịch kém hơn. Do đó, để có thể khẳng định thị trường bất động sản có thực sự đang nóng lên hay không cần phải tiếp tục quan sát.

Cũng theo vị này, số đông nhà đầu tư vẫn đang thận trọng quan sát, họ chưa mạnh dạn xuống tiền trong giai đoạn này.

"Dù thị trường có nhiều thông tin tích cực, nhưng chính những nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường cũng đang bị kẹt hàng, mà ở đây chủ yếu là các sản phẩm yếu thanh khoản như đất nền tỉnh lẻ - nơi có hạ tầng chưa phát triển. Giai đoạn 2022 – 2023 nhiều nhà đầu tư đánh bắt xa bờ tại Bảo Lộc, Đồng Nai, Đức Hòa (Long An)…, đây là những nơi còn tiềm năng nhưng phải chờ rất lâu. Nhiều nhà đầu tư thực chiến đã thấy cơ hội nhưng không có sẵn tiền, thậm chí họ đang chờ thoát hàng", vị này nói.

Cũng theo chuyên gia, các chính sách và quy định của Nhà nước hiện nay rất rõ ràng để không có rủi ro cho những người tạo sóng bất động sản. Cụ thể, bảng giá đất mới sẽ được ban hành hàng năm từ năm 2026, do đó những người “liều” đi mua đất nông nghiệp để phân lô thì giờ sẽ không dám làm nữa. Hay những doanh nghiệp muốn “bán lúa non” cũng sẽ bị chính quyền chặn ngay.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dat-nen-nong-tro-lai-nhieu-nha-dau-tu-van-dang-cho-thoat-hang-202532783537282.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/