Đánh thuế người giàu: Bao nhiêu là đủ?

Mới đây nữ nghị sĩ Mỹ trẻ tuổi Ocasio-Cortez đề xuất áp mức thuế 70% đối với phần thu nhập cá nhân trên 10 triệu USD. Hôm 8/2 vừa qua bà lại đưa ra kế hoạch kinh tế mới với một chương trình đảm bảo việc làm cho hàng triệu người dân Mỹ, từ đó làm dấy lên cuộc tranh cãi chưa bao giờ dứt về việc đánh thuế bao nhiêu là đủ và chính phủ có nên thực hiện hoạt động đầu tư thay cho khu vực tư nhân?

Đa phần các quốc gia trên thế giới đều đánh thuế thu nhập cá nhân theo biểu lũy tiến, tức là phần thu nhập càng lên cao thì càng phải chịu thuế suất cao.

Tại Việt Nam, thang thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được chia làm 7 bậc, trong đó bậc thấp nhất có thuế suất là 5%, áp dụng cho người có thu nhập tính thuế không quá 60 triệu đồng/năm, tương đương 5 triệu đồng/tháng.

danh thue nguoi giau bao nhieu la du
Biểu thuế TNCN lũy tiến của Việt Nam và Mỹ. Kiên Dương tổng hợp.

Nói như vậy không có nghĩa là người có tổng thu nhập 5 triệu đồng/tháng phải nộp thuế suất TNCN 5%. Con số 5 triệu đồng/tháng cần được hiểu chính xác là phần thu nhập tính thuế - bằng tổng thu nhập trong tháng (thu nhập chịu thuế) trừ đi các khoản giảm trừ (9 triệu đồng/tháng với bản thân người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/tháng với mỗi người phụ thuộc…).

Bậc thuế cao nhất có thuế suất 35%, áp dụng cho những người có thu nhập tính thuế trên 960 triệu đồng/năm hay 80 triệu đồng/tháng.

Tại Mỹ, biểu thuế TNCN cũng được chia làm 7 bậc. Tuy nhiên các mức thuế suất đều cao hơn mức tương ứng của Việt Nam, biến động từ 10% đến 37%. Cụ thể, những cá nhân có thu nhập trên 500.000 USD/năm thì phần thu nhập vượt trên 500.000 USD sẽ phải chịu thuế suất 37% (chứ không phải toàn bộ 500.000 USD đều phải chịu thuế suất 37%). Nếu là cặp vợ chồng thì phần thu nhập vượt trên 600.000 USD sẽ phải chịu thuế suất 37%.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, nhiều chính trị gia Mỹ đang đề nghị nâng mức thuế suất lũy tiến cao nhất.

Cuộc đua đánh thuế: Càng cao càng "tốt"?

Hồi cuối tháng 1, nữ Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Alexandria Ocasio-Cortez có mặt tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos (Thụy Sỹ) và đã khiến cho những nhân vật giàu có ở đây một phen khiếp đảm khi bà đề xuất mức thuế lũy tiến cao nhất lên tới 70%, áp dụng cho phần thu nhập trên 10 triệu USD.

danh thue nguoi giau bao nhieu la du
Nữ Hạ nghị sĩ (Dân biểu) 29 tuổi Alexandria Ocasio-Cortez. Ảnh: CNN.

Bà Ocasio-Cortez năm nay 29 tuổi, và phải 6 năm nữa bà mới đủ tuổi để tranh cử Tổng thống. Tuy nhiên đề xuất của bà là một ví dụ tiêu biểu của cương lĩnh tranh cử của các ứng viên đảng Dân chủ.

Một cuộc khảo sát của Hill-HarrisX cho thấy 59% số cử tri ủng hộ ý tưởng này của bà Ocasio-Cortez, thậm chí 45% đảng viên đảng Cộng hòa được hỏi cũng thích sáng kiến này.

Không chỉ dừng lại ở thuế thu nhập, các ứng viên của đảng Dân chủ còn muốn áp mới hoặc điều chỉnh tăng nhiều loại thuế khác. Chẳng hạn Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren muốn áp một loại thuế tài sản đối với những người có tổng tài sản trên 50 triệu USD. Nhóm cố vấn của bà ước tính loại thuế này có thể giúp nhà nước thu về khoảng 2.750 tỉ USD trong 10 năm. Theo bản đề xuất mà bà soạn thảo, số tiền này sau đó có thể được dùng cho các chương trình phúc lợi như chăm sóc sức khỏe trẻ em, xóa nợ cho sinh viên và các dự án năng lượng xanh.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders – người từng tranh cử Tổng thống năm 2016 – thì đề nghị tăng thuế thừa kế khi những người siêu giàu để lại của cải cho đời sau.

danh thue nguoi giau bao nhieu la du
Từ trái qua phải: Thượng nghị sĩ bang Massachusetts bà Elizabeth Warren, Hạ nghị sĩ bang New York bà Alexandria Ocasio-Cortez và Thượng nghị sĩ bang Vermont ông Bernie Sanders.

Việc đánh thuế những người giàu (người có thu nhập cao, khối tài sản lớn) tạo được tương đối nhiều sự ủng hộ về mặt chính trị, đặc biệt là từ tầng lớp người nghèo và trung lưu. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người dân Mỹ hiện cho rằng chính sách thuế đang quá nhẹ tay với người giàu.

Và nhiều đảng viên đảng Dân chủ nhận thấy cương lĩnh tranh cử “đánh thuế người giàu” đặc biệt hiệu quả khi mà người chủ Nhà Trắng đương nhiệm là một tỉ phú bất động sản (Donald Trump) và hai tỉ phú kinh doanh khác cũng đang xem xét tham gia cuộc đua giành chức Tổng Thống: Howard Schultz – cựu CEO của Starbucks và Michael Bloomberg – cựu Thị trưởng thành phố New York và người sáng lập hãng tin Bloomberg.

Trên một khía cạnh nào đó, cuộc đua giành đề cử của đảng Dân chủ đang diễn ra theo hướng thi xem ai đề xuất đánh thuế người giàu nhiều hơn. Khoan nói đến tác động của việc đánh thuế đối với quốc gia và nền kinh tế, dường như đề xuất đánh thuế càng cao lại càng tốt cho việc tranh cử.

Những lập luận trái chiều

Tại sao người giàu không nên đóng thêm thuế?

Tiền thuế là nguồn thu của nhà nước, chính phủ để thực hiện các chương trình phúc lợi công ích chung cho người dân như phát triển cơ sở hạ tầng, đầu tư cho y tế, giáo dục, …

Tuy nhiên những người phản đối việc tăng đánh thuế người giàu cho rằng chính phủ thường chi tiêu phung phí với đầy rẫy những sự quan liêu, tham nhũng … Có thêm nguồn thu từ thuế chỉ đồng nghĩa với việc chính phủ có thêm tiền để phung phí, không có nghĩa là hiệu quả chi tiêu được cải thiện.

Tăng thuế đối với người giàu còn bị cho là làm nhụt chí kiếm tiền của công dân. Một số người tài năng có thể tạo ra thu nhập cao sẽ không có động lực làm việc và cống hiến vì số tiền thuế phải nộp quá lớn. Một số có thể chuyển sang sống ở những quốc gia có thuế suất thấp hơn.

Thuế suất tăng có thể đồng nghĩa với đầu tư thấp, vì những người có khả năng đầu tư vào nền kinh tế là những người bị đánh thuế mạnh nhất. Khi đầu tư ít đi thì số lượng doanh nghiệp ít đi và thất nghiệp tăng lên, khiến cho nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy thoái nguy hiểm.

Tăng thuế đối với những người giàu nhất có thể khiến cho xã hội bị chia rẽ và gây ra chiến tranh giai cấp. Người thu nhập thấp và trung bình thì oán hận những người giàu có, và những người giàu có – cho rằng mình phải đóng góp quá nhiều qua tiền thuế - cũng oán hận người thu nhập thấp và trung bình.

Ủng hộ tăng thuế đối với người giàu

Đánh thuế vào những người có thu nhập cao và tài sản lớn được cho là có tác dụng làm giảm bất bình đẳng, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.

Hai giáo sư kinh tế tại Đại học California (Berkeley) là Emmanuel Saez và Gabriel Zucman cho rằng: “Của cải tập trung hết vào một chỗ đồng nghĩa với việc quyền lực kinh tế và chính trị cũng tập trung hết vào một chỗ". 

Hai ông đồng thời là hai chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu bất bình đẳng xã hội và hiện đang cố vấn cho Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren trong việc soạn thảo đề xuất thuế mới.

Nhận định của hai ông đặc biệt đúng tại Mỹ, nơi mà việc trúng cử vào các vị trí như Nghị sĩ, Thị trưởng, Thống đốc, Tổng thống … phụ thuộc nhiều vào nguồn tiền tài trợ cho chiến dịch tranh cử, và những người giàu hay doanh nghiệp lớn thường đặt ra điều kiện về chính sách có lợi cho mình khi đóng góp tiền cho các ứng cử viên.

Nguồn tiền thu được từ đánh thuế người giàu có thể được phân phối lại cho những người trong cảnh cùng khổ, túng quẫn trong xã hội thông qua các chương trình phúc lợi như tem phiếu thực phẩm (food stamp), nhà ở cho người vô gia cư, …

Hệ thống thuế lũy tiến có thể ngăn khoảng cách giàu nghèo trở nên quá lớn, hạn chế rủi ro xảy ra bất ổn và xung đột xã hội. Nhiều nhà kinh tế cho rằng sự bất bình đẳng kinh tế lớn là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc Đại Khủng hoảng 1929.

Khi nền kinh tế rơi vào suy thoái, khó khăn, chính phủ cần tiền để kích thích kinh tế. Đánh thuế người giàu là hợp lí vì đây là những người có khả năng trả thuế nhất.

Những người giàu nhiều khi không sử dụng của cải của mình một cách có lợi nhất cho đất nước. Chẳng hạn khi nền kinh tế suy thoái, những người này thường co cụm tài sản của mình dưới dạng tiền mặt, tiền gửi ngân hàng chứ không đầu tư vì sợ rủi ro. Nếu cứ như vậy thì đất nước rất khó thoát khỏi suy thoái. Nhà nước có thể tăng thu thuế rồi dùng số tiền này để đầu tư, tạo việc làm cho nền kinh tế.

Nhiều quốc gia như Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Canada có thuế suất khá cao nhưng vẫn tăng trưởng kinh tế ổn định và người dân vẫn có mức sống cao.

Những minh chứng lịch sử

Quay lại đề xuất áp mức thuế lũy tiến cao nhất 70% của nữ Hạ nghị sĩ Ocasio-Cortez, đây không phải là ý tưởng mới xuất hiện lần đầu tiên.

Thời gian gần đây nhất nước Mỹ có mức thuế suất TNCN cao cỡ này là vào năm 1981 dưới thời Tổng thống Ronald Reagan của đảng Cộng hòa. Trong hai nhiệm kì Tổng thống của ông Reagan, thuế suất TNCN đã bị điều chỉnh giảm đáng kể. Khi ông Reagan rời khỏi Nhà Trắng năm 1989, thuế suất cao nhất chỉ còn 28%.

Thuế suất và bất bình đẳng

Trong suốt thời kì 1936-1980, thuế suất TNCN cao nhất tại Mỹ đều được duy trì trên 70%. Đặc biệt vào các năm 1944-1945, mức thuế suất cao nhất lên tới 94%. Hiện nay, con số này chỉ còn 37%.

danh thue nguoi giau bao nhieu la du
Tỉ lệ thu nhập và của cải thuộc về top 1% người giàu nhất tăng lên trong những thập kỉ gần đây, trong khi mức thuế suất cao nhất có chiều hướng đi xuống. Nguồn: CNBC.

Nhìn vào đồ thị trên có thể thấy, thuế suất TNCN và tỉ lệ thu nhập & của cải của top 1% những người giàu nhất nước Mỹ so với tổng thu nhập & của cải trong nền kinh tế có xu hướng biến động ngược chiều. 

Tức là nếu thuế suất tăng lên thì tỉ lệ thu nhập và của cải của top 1% người giàu nhất sẽ giảm đi, và khi thuế suất giảm đi thì tỉ lệ kia tăng lên. Đây là một trong những mình chứng cho thấy thuế suất cao có tác dụng làm giảm bất bình đẳng và phân phối lại thu nhập và của cải.

Hiện nay, 1% những người giàu nhất nước Mỹ nắm giữ tới khoảng 18% thu nhập và 37% của cải của cả nền kinh tế. Năm 1960, 0,1% những người giàu nhất nước Mỹ nắm giữ khoảng 10% của cải, ngày nay khi thuế suất giảm đi, con số này đã tăng lên thành 20%.

Năm 1960, 90% những người nghèo nhất nước Mỹ phải chia nhau 30% của cải của nền kinh tế, ngày nay với thuế suất lũy tiến thấp hơn, 90% này phải chia nhau 25% của cải.

Các nước Tây Âu nói chung có thuế suất thu nhập cao hơn Mỹ, đồng thời tình trạng bất bình đẳng cũng tăng chậm hơn so với Mỹ.

Năm 1980, 1% những người giàu nhất Tây Âu nhận về 10% tổng thu nhập của cả nền kinh tế. Đến năm 2016, con số này chỉ tăng nhẹ lên 12%. Trong khi đó ở Mỹ cũng với khoảng thời gian trên, tỉ lệ thu nhập của top 1% tăng từ 11% lên 20%, theo số liệu của Báo cáo Bất bình đẳng Toàn cầu 2018.

Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Pháp, Đức và Anh đều có mức thuế TNCN lũy tiến cao nhất trên 45%, trong khi của Mỹ là 37%. Các nước Áo, Bỉ và Israel đều trên 50%.

Thuế suất và tăng trưởng

Về lo ngại áp thuế suất cao sẽ ảnh hưởng xấu tới đầu tư và làm giảm tăng trưởng kinh tế, số liệu lịch sử cho thấy không có một mối quan hệ thực sự rõ ràng giữa mức thuế suất lũy tiến cao nhất và tăng trưởng GDP.

Trong giai đoạn 1944 – 1963 khi mức thuế suất cao nhất thường trên 90%, tăng trưởng GDP của Mỹ lại duy trì ở mức khá cao khoảng 7-9% – ngoại trừ một số năm thấp đột biến.

Trong giai đoạn 2000 – 2018, khi mức thuế lũy tiến đã bị đẩy xuống dưới 40%, tăng trưởng kinh tế thường chỉ khoảng 3-4%.

danh thue nguoi giau bao nhieu la du
Thuế suất cao không kéo theo tăng trưởng thấp, và thuế suất thấp hơn cũng không đẩy tăng trưởng lên cao hơn. Nguồn: CNBC.

Giáo sư Matthew Dimick – một chuyên gia nghiên cứu về mối quan hệ giữa pháp luật và bất bình đẳng tại trường Đại học Luật Buffalo School cho rằng: Mức thuế suất lũy tiến cao “dường như không ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng kinh tế, thậm chí có thể kích thích kinh tế.”

Những người ủng hộ thuế suất thấp thì lại dẫn ra câu chuyện thành công của những tập đoàn sáng tạo khổng lồ của nước Mỹ. Nhà phân tích Jim Pethokoukis đến từ Viện doanh nghiệp Mỹ lập luận: Mỹ có thuế suất thấp hơn Châu Âu. Và nước Mỹ có Apple, Google và Amazon trong khi Châu Âu không có. Vậy chắc hẳn nước Mỹ đã làm một việc gì đó tốt hơn Châu Âu.

Tuy nhiên, thuế suất lũy tiến cao trong những năm 1960 vẫn không ngăn cản những thành quả công nghệ vượt bậc như chip siêu nhỏ hay liên lạc bằng vệ tinh …

Thuế suất 94% thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt

Năm 1933, Franklin Delanor Roosevelt đắc cử Tổng thống Mỹ. Đây cũng là năm tồi tệ nhất của cuộc Đại Khủng hoảng, tỉ lệ thất nghiệp tại Mỹ lên tới 25% - tức là cứ 4 người trong lực lượng lao động thì có một người thất nghiệp. Doanh nghiệp phá sản hàng loạt, người lao động không có việc làm và do vậy không có tiền lương, không đóng thuế. Chính phủ và nền kinh tế Mỹ khi đó khó khăn hơn giai đoạn Đại Suy thoái 2008-2010 gấp nhiều lần.

Để giúp vực dậy nền kinh tế và san sẻ bớt phần nào những khó khăn của đông đảo tầng lớp người lao động nghèo, Tổng thống Roosevelt đã thực hiện hàng loạt những chính sách kinh tế “vô tiền khoáng hậu”. Trước ông chưa từng có ai làm được, sau ông cũng không có ai dám làm điều tương tự.

Trước tiên, Tổng thống Roosevelt lên sóng radio (khi đó chưa có TV) và thông báo: Những ai trên 65 tuổi và đã làm việc cả đời cho đất nước, chính phủ sẽ chu cấp cho các vị một khoản tiền hàng tháng cho đến cuối đời. Chính sách đó còn đến ngày nay với tên gọi "Social security" hay chính là Quỹ hưu trí.

danh thue nguoi giau bao nhieu la du
Tổng thống Roosevelt. Nguồn ảnh: Thư viện Tổng thống F.D. Roosevelt.

Khi mà mọi người còn đang ngơ ngác nhìn nhau không biết chính phủ lấy tiền ở đâu ra thì Roosevelt lại lên radio một lần nữa, thông báo: Đối với hàng chục triệu người đang thất nghiệp do doanh nghiệp cắt giảm lao động (không phải do vi phạm dẫn tới bị sa thải) và đang tìm việc mới, chính phủ sẽ cho các vị một khoản tiền trợ cấp hàng tuần trong vòng 2 năm hoặc đến khi tìm được việc mới". Chính sách đó còn đến ngày nay với tên gọi "Unemployment insurance" hay Bảo hiểm thất nghiệp.

Không lâu sau, Roosevelt lại lên radio một lần nữa, tuyên bố một chính sách còn lớn hơn: "Nếu khu vực tư nhân không muốn hoặc không thể tạo ra việc làm cho hàng chục triệu người thất nghiệp, thì Tôi - Tổng thống Mỹ - không còn lựa chọn nào khác là phải tạo ra việc làm cho họ".

Và thế là trong suốt cuộc Đại Khủng hoảng, chính phủ Mỹ đã thực hiện nhiều chiến dịch thuê lao động quy mô lớn, tạo ra khoảng từ 12,5 đến 19 triệu việc làm có trả lương đầy đủ.

Chính phủ Mỹ thuê nhiều người như vậy để làm gì? Lực lượng lao động này đã được cử đi khắp để xây dựng cầu cống đường xá mới, trường học, bệnh viện mới, ... họ cải tạo lòng sông, đắp đê ngăn lũ, .... Họ còn xây dựng nên các công viên quốc gia khổng lồ.

Thậm chí ngay cả ca sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà điều khắc, .... cũng được chính phủ thuê để đi khắp đất nước để biểu diễn cho người dân xem. Lần đầu tiên trên nhiều vùng quê trên đất Mỹ có những nghệ sĩ giỏi, được đào tạo bài bản đến biểu diễn và tổ chức triển lãm, hội chợ ...

Trước đó, nước Mỹ chưa bao giờ có chính sách nào như vậy và từ đó đến nay nước Mỹ cũng không có chính sách nào như vậy. Đây chính là "Chính sách kinh tế mới" (The New Deal) nổi tiếng của Tổng thống Roosevelt.

Quay lại với câu hỏi của người dân Mỹ: Chính phủ lấy tiền ở đâu để trang trải cho những chương trình đắt đỏ kể trên? Câu trả lời khá đơn giản: Tổng thống Roosevelt đánh thuế người giàu và doanh nghiệp. Khi Roosevelt mới nhậm chức tổng thống năm 1933, mức thuế suất TNCN cao nhất đang là 63%, đã tăng đáng kể so với mức 25% của năm 1931. Tuy nhiên đến năm 1936, thuế suất tiếp tục được nâng lên 79%, rồi sau đó lên 81% rồi 88%.

Năm 1944, Roosevelt đề nghị mức thuế suất lũy tiến cao nhất lên tới 100% cho phần thu nhập trên 25.000 USD, nghĩa là 100% phần thu nhập cá nhân trên 25.000 USD đều phải được nộp cho chính phủ. Nói cách khác, theo đề xuất của Roosevelt, một người dân Mỹ không thể có thu nhập cao hơn 25.000 USD. (Sau khi điều chỉnh theo lạm phát, 25.000 USD năm 1944 có giá trị tương đương 361.000 USD năm 2018.)

Sau nhiều phiên tranh luận nảy lửa trước Quốc hội, cuối cùng mức thuế suất lũy tiến cao nhất được ấn định ở 94%. Ngày nay mức thuế suất cao nhất chỉ là 37%, và chỉ áp dụng với phần thu nhập trên 500.000 USD, chứ không phải 361.000 USD.

Vậy việc Roosevelt áp mức thuế cao “không tưởng” đối với những người giàu rồi dùng tiền đó để nhà nước chi tiêu và đầu tư có mang lại hiệu quả cho người dân và nền kinh tế hay không?

Có lẽ một trong những thước đo thuyết phục nhất là con đường chính trị của Roosevelt: Ông đắc cử Tổng thống 4 nhiệm kì liên tiếp – trở thành người trúng cử tổng thống Mỹ nhiều lần nhất lịch sử. Ông làm Tổng thống cho đến khi qua đời vì tuổi cao sức yếu vào ngày 12/4/1945, không phải vì ông bị một đối thủ chính trị khác hạ bệ bằng một kế hoạch kinh tế hợp lí hơn.

Tầm ảnh hưởng của “Chính sách kinh tế mới” của Roosevelt vẫn còn tới ngày nay. Ngày 8/2 vừa qua, Hạ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez cùng Thượng nghị sĩ Ed Markey đã công bố một bản kế hoạch với tên gọi “The Green New Deal”, tạm dịch là “Chính sách kinh tế mới và xanh”.

danh thue nguoi giau bao nhieu la du
Bà Alexandria Ocasio-Cortez giới thiệu về kế hoạch kinh tế mới của mình.

Kế hoạch này liệt ra hàng loạt đề xuất tập trung vào việc loại bỏ phát thải carbon và chấm dứt tình trạng phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch của Mỹ. Ngoài ra, kế hoạch này cũng bao gồm một chương trình “đảm bảo việc làm” với mục tiêu “tất cả người dân Mỹ đều có một việc làm đủ để nuôi sống gia đình, có thời gian nghỉ ốm và nghỉ phép gia đình, ngày nghỉ có lương và hưu trí khi về già.”

Tuy những ý tưởng táo bạo kiểu này không thể sớm trở thành hiện thực, nó là dấu hiệu cho thấy hướng phát triển trong tương lai của những thế hệ chính trị gia kế cận của đảng Dân chủ.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/danh-thue-nguoi-giau-bao-nhieu-la-du-119783.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/