Đại gia Thái Lan SCG thu về hơn 8.000 tỷ đồng tại Việt Nam trong quý I

SCG cho biết, nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng tại khu vực Đông Nam Á (trừ Thái Lan) đã cải thiện hơn, trong đó riêng tại Việt Nam, nhu cầu đã tăng khoảng 5% trong khi các quý gần đây đều giảm.

The Siam Cement Group (Tập đoàn SCG), đại gia Thái Lan hoạt động trên ba mảng chính là vật liệu, hoá chất và bao bì đã công bố báo cáo tài chính quý I/2021.

Cụ thể, doanh thu bán hàng của Tập đoàn SCG quý I đạt 122.066 tỷ baht, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái do hoạt động kinh doanh ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh đều tích cực hơn. Lợi nhuận trong kỳ của tập đoàn đạt 14.914 tỷ baht, tăng 114%.

Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của SCG lý giải kết quả này được thúc đẩy bởi doanh số bán hàng ngành hóa dầu cao hơn do nhà máy Map Ta Phut Olefins (MOC) đã hoàn thành việc bảo trì vào vào quý IV/2020; nhờ dự án mở rộng công suất nhà máy MOC Debottleneck giai đoạn 2 đi vào hoạt động.

Tăng trưởng quý cũng được thúc đẩy bởi nhu cầu thời vụ trong ngành xi măng, vật liệu xây dựng và ngành bao bì do tích cực mở rộng danh mục đầu tư hạ nguồn và củng cố nhóm khách hàng đa dạng hiện tại.

Đại gia Thái Lan SCG thu về hơn 8.000 tỷ đồng tại Việt Nam trong quý I, nhu cầu tiêu thụ xi măng tăng trở lại - Ảnh 1.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính quý I/2021 của SCG.

Đối với kết quả kinh doanh của SCG tại khu vực ASEAN (không tính Thái Lan), doanh thu bán hàng trong quý I ghi nhận 31.737 tỷ baht, chiếm 26% tổng doanh thu của toàn tập đoàn, tăng khoảng 11% so với cùng kỳ.

Doanh thu này bao gồm doanh số bán hàng tại các nước ASEAN và hàng nhập khẩu từ Thái Lan.

Trong đó, tính riêng tại thị trường Việt Nam, doanh thu khoảng 11 tỷ baht (hơn 8.200 tỷ đồng theo tỷ giá ngày 12/5). 

Xét riêng về mặt hàng vật liệu xây dựng (xi măng), SCG cho biết nhu cầu tại khu vực Đông Nam Á (không tính Thái Lan) đã cải thiện hơn, trừ Myanmar, trong đó riêng tại Việt Nam, nhu cầu đã tăng khoảng 5% trong khi các quý gần đây đều giảm.

Đại gia Thái Lan SCG thu về hơn 8.000 tỷ đồng tại Việt Nam trong quý I, nhu cầu tiêu thụ xi măng tăng trở lại - Ảnh 2.

Nhu cầu đã cải thiện hơn tại các khu vực Đông Nam Á (không tính Thái Lan). (Nguồn: Báo cáo tài chính quý I/2021 của SCG).

Tổng tài sản của SCG vào cuối quý I/2021 lên tới 800.932 tỷ baht, trong đó 38% là tài sản tại khu vực ASEAN (không tính Thái Lan).

Về tập đoàn SCG, tập đoàn này đã bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Việt Nam từ năm 1992 và từng bước âm thầm thâu tóm các doanh nghiệp đầu ngành nhựa, từ hạ nguồn cho đến thượng nguồn, khép kín chuỗi giá trị ngành tại Việt Nam.

Lần gần gần đây nhất, đầu tháng 2/2021, SCG Packaging thuộc SCG đã tuyên bố đạt được thỏa thuận mua lại 70% vốn tại CTCP Sản xuất Nhựa Duy Tân, một doanh nghiệp tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực nhựa bao bì và nhựa gia dụng tại Việt Nam với doanh thu trên 3.000 tỷ đồng mỗi năm.

Trước thương vụ Duy Tân không lâu, SCG cũng đã mua 94,11% cổ phần của CTCP Bao bì Biên Hòa (Mã: SVI), đồng nghĩa với việc doanh nghiệp cung cấp bao bì cho loạt doanh nghiệp lớn như Unilever, Pepsi, Coca-Cola,...này đã hoàn toàn về tay tập đoàn Thái.

Chiến lược M&A của SCG còn được hẫu thuẫn bởi mắc xích quan trọng nhất ở thượng nguồn là Tổ hợp Lọc hóa dầu Long Sơn (PSL) có tổng vốn đăng ký khoảng 5,4 tỷ USD. Phía Thái Lan cập nhật, dự án đang được triển khai 76% tiến độ và sẽ vận hành thương mại nửa đầu năm 2023.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dai-gia-thai-lan-scg-thu-ve-hon-8000-ty-dong-tai-viet-nam-trong-quy-i-20210512084325183.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/