Đại cử tri – những người trực tiếp bầu tổng thống Mỹ là ai?

Hệ thống bầu cử tổng thống Mỹ khá phức tạp và khác biệt với các cuộc bầu cử ở nhiều quốc gia. Một trong những điểm đặc trưng của Mỹ là sự xuất hiện của các “đại cử tri”. Chính những đại cử tri này mới là người trực tiếp quyết định ai làm tổng thống.

Đại cử tri – những người trực tiếp bầu tổng thống Mỹ là ai? - Ảnh 1.

Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu. (Ảnh: Getty Images)

Đại cử tri – những người trực tiếp bầu tổng thống Mỹ là ai? - Ảnh 2.

Lá phiếu mà các cử tri Mỹ bỏ vào hòm có ghi tên của các ứng viên tổng thống và phó tổng thống. Năm 2020, những cái tên đó là ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump, ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden, Mike Pence (phó tướng của ông Trump), Kamala Harris (bạn tranh cử của ông Biden) và nhiều ứng viên đến từ các đảng nhỏ khác mà truyền thông không nhắc tới.

Tuy nhiên trong thực tế, các cử tri không trực tiếp bầu tổng thống mà chỉ bầu cho nhóm đại cử tri của mỗi đảng tại bang mà mình sinh sống. Giả sử một người Mỹ tại Texas bầu cho cặp Trump – Pence thì thực chất là người đó đang bầu cho nhóm đại cử tri Đảng Cộng hòa tại Texas. Nếu bầu cho cặp Biden – Harris thì tức là bỏ phiếu cho nhóm đại cử tri Đảng Dân chủ.

Đại cử tri trong tiếng Anh là "electoral college", từ "college" thường mang nghĩa là trường đại học, cao đẳng nhưng ở đây nó mang nghĩa là một nhóm người có chung nhiệm vụ.

Cụ thể, nhiệm vụ của các đại cử tri là họp lại với nhau 4 năm một lần, khoảng vài tuần sau cử tri phổ thông đi bỏ phiếu, để chọn ra tổng thống và phó tổng thống Mỹ.

Năm 2020, cử tri phổ thông đi bầu vào ngày 3/11, các đại cử tri bỏ phiếu vào ngày 14/12.

Đại cử tri – những người trực tiếp bầu tổng thống Mỹ là ai? - Ảnh 3.

Số lượng đại cử tri của mỗi bang bằng với số nghị sĩ quốc hội của bang đó, tuy nhiên đại cử tri không phải là các nghị sĩ. 

Hiện nay 50 bang của Mỹ có tổng số 535 nghị sĩ, bao gồm 100 thượng nghị sĩ (mỗi bang hai người) và 435 hạ nghị sĩ (số lượng cụ thể phụ thuộc vào dân số từng bang). Thủ đô Washington D.C. không có nghị sĩ trong quốc hội nhưng cũng có ba phiếu đại cử tri. Như vậy Mỹ có tổng cộng 538 đại cử tri.

Số phiếu đại cử tri của mỗi bang thay đổi theo cuộc khảo sát dân số thực hiện 10 năm một lần, nhưng số tổng trên cả nước luôn là 538 kể từ năm 1964 trở lại đây. Khi số phiếu đại cử tri của bang này tăng lên thì bang khác phải giảm đi.

Để thắng cử tổng thống, một ứng viên cần giành được sự ủng hộ của quá nửa số đại cử tri, tức là tối thiểu 270 phiếu.

Các bang ít dân nhất nước Mỹ như Alaska hay North Dakota chỉ có tối thiểu ba đại diện trong quốc hội (gồm hai thượng nghị sĩ và một hạ nghị sĩ), do vậy những bang ít dân này có ba phiếu đại cử tri khi bầu cử tổng thống.

Ngược lại, những bang đông dân như California có tới 55 phiếu đại cử tri, Texas có 38 phiếu, Florida 29 phiếu, New York cũng 29 phiếu. Các ứng viên tổng thống đều rất muốn lấy lòng cử tri ở những bang lớn này.

Mỗi đảng chọn ra số đại cử tri bằng với số phiếu đại cử tri của bang mình. Chẳng hạn ở bang New York, trước cuộc bầu cử Đảng Dân chủ chọn ra 29 đại cử tri, Đảng Cộng hoà cũng chọn ra 29 người.

Giả sử ứng viên Joe Biden giành được đa số phiếu phổ thông, 29 đại cử tri của Đảng Dân chủ sẽ được vào vòng bỏ phiếu ngày 14/12, còn 29 đại cử tri của Đảng Cộng hoà sẽ về nhà nghỉ. Ngược lại, nếu ông Trump giành chiến thắng ở New York, 29 đại cử tri Đảng Cộng hoà sẽ được đi bỏ phiếu trực tiếp bầu tổng thống.

Đại cử tri thường được chọn ra trong các cuộc họp đảng tại bang. Họ có thể là quan chức chính quyền, lãnh đạo của đảng, có đóng góp lớn cho đảng hoặc có quan hệ thân thiết với ứng viên chính thức của đảng.

Năm 2020 tại New York, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton là một trong số 29 đại cử tri của Đảng Dân chủ.

Đại cử tri – những người trực tiếp bầu tổng thống Mỹ là ai? - Ảnh 1.

Đại cử tri – những người trực tiếp bầu tổng thống Mỹ là ai? - Ảnh 5.

Tất cả các bang của Mỹ, ngoại trừ Maine và Nebraska, đều áp dụng cơ chế "được ăn cả, ngã về không" đối với phiếu đại cử tri, tức là ứng viên nào giành được đa số phiếu phổ thông thì sẽ được hưởng toàn bộ số phiếu đại cử tri. Ứng viên bại trận sẽ tay trắng, không quan trọng chênh lệch với đối thủ là bao nhiêu.

Chẳng hạn nếu ông Trump giành chiến thắng ở bang Texas với 99% số phiếu bầu phổ thông ủng hộ, ông sẽ giành được toàn bộ 38 phiếu đại cử tri. Cho dù ông giành chiến thắng với tỉ lệ ủng hộ chỉ là 51%, ông vẫn giành được tất cả 38 phiếu.

Vì chỉ cần giành chiến thắng với cách biệt tối thiểu là đủ để giành toàn bộ số phiếu của một bang nên các ứng viên tổng thống thường đặc biệt chú ý tới các bang dao động - tức là những bang mà không ai có lợi thế rõ rệt, có thể ngả theo bất cứ ứng viên nào.

Với những bang mà mình đã thiết lập được khoảng cách an toàn với đối thủ thì có tăng cường vận động cũng không có ích lợi gì vì số phiếu đại cử tri giành được không tăng lên.

Với những bang mà đối thủ đã nắm chắc phần thắng thì việc kêu gọi thêm vài % phiếu bầu phổ thông cũng vô nghĩa.

Năm 2020, các bang dao động mà hai ứng viên Joe Biden và Donald Trump đặc biệt quan tâm là Florida, Wisconsin, North Carolina, Iowa và đặc biệt là Pennsylvania.

Đại cử tri – những người trực tiếp bầu tổng thống Mỹ là ai? - Ảnh 6.

Việc các bang trao toàn bộ phiếu đại cử tri cho ứng viên giành chiến thắng dẫn tới trường hợp là một ứng viên có thể đạt được hơn 270 phiếu đại cử tri trên cả nước và đắc cử tổng thống nhưng lại ít hơn đối thủ về tổng số phiếu phổ thông.

Kịch bản này từng xảy ra trong hai cuộc bầu cử khá gần đây vào năm 2000 khi George W. Bush đánh bại Al Gore và năm 2016 khi Donald Trump thắng trước Hillary Clinton.

Theo BBC, trường hợp thắng phiếu đại cử tri - thua phiếu phổ thông còn xảy ra ba lần khác với các đời tổng thống hồi thế kỉ 19 là John Quincy Adams, Rutherford B Hayes và Benjamin Harrison.

Đại cử tri – những người trực tiếp bầu tổng thống Mỹ là ai? - Ảnh 7.

Theo website Hạ viện Mỹ, thủ đô Washington D.C. và 26 bang có qui định yêu cầu đại cử tri phải bỏ phiếu cho ứng viên giành được đa số phiếu phổ thông. Một số bang cho phép tuỳ ý bỏ phiếu cho ứng viên nào mình thích. Tuy nhiên trong thực tế bầu cử thời kì hiện đại, các đại cử tri gần như luôn luôn tuân theo nguyện vọng của số đông cử tri.

Những đại cử tri nào đi ngược với kết quả phiếu bầu phổ thông sẽ bị gọi là "kẻ bất tín". Trong cuộc bầu cử năm 2016 đã có 7 "kẻ bất tín", trong đó có 5 người lẽ ra phải bầu cho bà Hillary Clinton nhưng thực tế bỏ phiếu cho Donald Trump và hai người đáng lẽ bầu cho ông Trump nhưng lại bầu cho bà Clinton.

Trong mỗi cuộc bầu cử các năm 1948, 1956, 1960, 1968, 1972, 1976 và 1988 đều có một đại cử tri bất tín. Cuộc bầu cử năm 2000 có một đại cử tri bỏ phiếu trắng, không ủng hộ ứng viên nào. Các đại cử tri bất tín chưa từng xoay chuyển kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.

Tháng 7/2020, Tòa án Tối cao đã ra phán quyết rằng các bang có quyền bắt buộc các đại cử tri phải bỏ phiếu bầu tổng thống theo đa số phiếu phổ thông trong bang.

Đại cử tri – những người trực tiếp bầu tổng thống Mỹ là ai? - Ảnh 9.

Để chiến thắng ở một bang, ứng viên chỉ cần giành nhiều phiếu bầu phổ thông nhất so với các ứng viên khác, không nhất thiết phải là quá bán (> 50%).

Tuy nhiên để thắng cử tổng thống, ứng viên phải giành trên 50% trong tổng số 538 phiếu đại cử tri. Nếu không ai đạt đến con số 270 kì diệu, Hạ viện Mỹ sẽ họp và bầu ra tổng thống.

Trong cuộc bầu cử năm 1824 có tới 4 ứng viên tham gia tranh tài và không ai giành được quá nửa số phiếu đại cử tri. Tuy nhiên hiện nay Mỹ chỉ có hai đảng lớn và mỗi đảng chỉ cử một đại diện duy nhất ra tranh cử nên kịch bản hoà về số phiếu đại cử tri khó có thể xảy ra.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dai-cu-tri-nhung-nguoi-truc-tiep-bau-tong-thong-my-la-ai-20201103132105757.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/