Đại biểu Quốc hội chất vấn về mức thuế khác biệt giữa Grab và doanh nghiệp taxi truyền thống

Các đại biểu Quốc hội cho rằng taxi công nghệ triển khai dịch vụ trên phạm vi rộng, số lượng xe nhiều, nhưng nộp thuế rất ít so với các doanh nghiệp taxi truyền thống.

Chất vấn về mức thuế khác biệt giữa Grab và doanh nghiệp taxi truyền thống

Trong phiên chất vấn Quốc hội, các đại biểu đặt một số câu hỏi liên quan đến việc triển khai thí điểm hoạt động taxi công nghệ và các công ty cung cấp loại hình xe công nghệ như Grab.

Dẫn báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT), đại biểu nói gần 500 đơn vị vận tải với hơn 40.000 phương tiện tham gia thí điểm Đề án 24 trên cả nước. Tuy nhiên, trên thực tế, xe công nghệ đã đăng kí hợp đồng, hợp tác kinh doanh với các tổ chức hợp tác xã hơn gấp ba lần các tỉnh, thành phố đang thực hiện.Đại biểu yêu cầu làm rõ nguyên nhân dẫn đến chênh lệch cao như vậy. 

Từ sự chênh lệch ấy, đại biểu nói công ty Grab chỉ nộp thuế gần 10 tỉ đồng trong ba 3 năm 2014 – 2016, và mức nộp thuế trong năm 2017 và 2018 cũng không khác nhiều, trong khi các doanh nghiệp taxi truyền thống nộp thuế hàng nghìn tỉ đồng.

Đại biểu đặt ra câu hỏi về giải pháp quản lí loại hình xe công nghệ để đảm bảo không còn tình trạng kê khai chui số lượng nhằm trốn thuế, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa xe taxi truyền thống và loại hình mới.

Một đại biểu khác cũng cho rằng taxi công nghệ triển khai dịch vụ trên phạm vi rộng, số lượng xe nhiều, nhưng nộp thuế rất ít so với các doanh nghiệp taxi truyền thống.

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng GTVT cho biết hiện nay cả nước có 48.000 xe hoạt động Grab, Uber, nhưng thực tế nhiều người dân đăng kí nhưng không hoạt động. Bộ GTVT đã yêu cầu các địa phương thống kê và kết nối với Bộ GTVT, Bộ Công an để nắm toàn bộ những xe tham gia taxi công nghệ để tránh thất thu thuế.

Ông nói tất cả các phương tiện hợp tác với các công ty gọi xe công nghệ đều kết nối với Tổng cục Thuế nên thất thu thuế khó xảy ra vì cơ quan thuế nắm rất chặt.

Đại biểu Quốc hội chất vấn về mức thuế khác biệt giữa Grab và doanh nghiệp taxi truyền thống - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: VnExpress.

"Chúng tôi mong các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ, bởi có thông tin Grab, Uber báo lỗ. Về vấn đề này Bộ Tài chính nắm chắc nhất, bảo đảm sân chơi công bằng cho tất cả các doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là taxi công nghệ và taxi truyền thống", ông Thể phát biểu thêm.

Trả lời thắc mắc của đại biểu về vấn đề thu thuế đối với các taxi công nghệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhận định: "Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0, nếu như các ngành không hoàn thành hệ thống văn bản thì rất khó khăn trong quản lí kinh tế, xã hội, cũng như quản lí thuế nói riêng".

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật giao thông đường bộ và Nghị định 86 không qui định khái niệm taxi công nghệ. Trước thực tế đó, Thủ tướng cho phép Bộ GTVT ban hành Nghị định 24 thí điểm taxi công nghệ, sau đó tổng kết, đánh giá nhằm sửa đổi Nghị định 86. Trước tình hình như vậy, Bộ Tài chính áp dụng tối đa các qui định pháp luật quản lí thuế và các luật thuế hiện hành để quản lí thu thuế taxi công nghệ.

Theo qui định hiện hành, doanh nghiệp xác định được doanh thu, chi phí như Grab, Vinsun, Mai Linh nộp thuế theo phương pháp kê khai. Phương pháp tỉ lệ trên doanh thu được áp dụng cho các doanh nghiệp nước ngoài như Uber khi không đáp ứng điều kiện áp dụng phương pháp kê khai.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, 9 công ty lớn bao gồm Công ty TNHH Grab Việt Nam, CTCP Fastgo Việt Nam … trong năm 2018 và 4 tháng đầu 2019 kê khai số thuế phải đóng 437 tỉ đồng, và các doanh nghiệp đã nộp 415 tỉ đồng.

Bộ trưởng Bộ GTVT: Taxi truyền thống và taxi công nghệ sẽ hoạt động công bằng

Bên cạnh đó, đại biểu cũng chất vấn về công tác quản lí các loại hình doanh nghiệp như Grab, cho rằng Hà Nội cần phải kiểm soát để số lượng taxi không phát triển quá nóng, gây mất trật tự về an toàn giao thông, xe đi vào đường cấm taxi.

Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT, nói rằng khi Nghị định 86 sửa đổi quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô được ban hành, sẽ không còn hạn mức của taxi, và địa phương nào hạn chế về số lượng là sẽ vi phạm luật.

"Trong dự thảo Nghị định 86 sửa đổi, taxi truyền thống cũng có thể thu tiền tự động giống taxi công nghệ, taxi công nghệ cũng phải gắn mào. Do đó tới đây taxi công nghệ, taxi truyền thống sẽ hoạt động công bằng", ông nói.

Trong Nghị định 86 sửa đổi, xe hợp đồng điện tử, xe taxi công nghệ và xe taxi truyền thống có hồ sơ thủ tục giống nhau. Vì vậy, những xe như Grab hoạt động ở Việt Nam phải đăng ký, đăng kiểm, chịu trách nhiệm trước hành khách như taxi truyền thống.

Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định điều kiện hoạt động đối với taxi truyền thống và công nghệ như nhau và các cá nhân khi tham gia các dịch vụ này nên cân nhắc về hiệu quả kinh tế xã hội để đầu tư. 

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/dai-bieu-quoc-hoi-chat-van-ve-muc-thue-khac-biet-giua-grab-va-doanh-nghiep-taxi-truyen-thong-20190605171853971.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/