|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cựu chuyên gia Morgan Stanley: Trung Quốc 'không đời nào' có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% năm 2022

21:42 | 09/05/2022
Chia sẻ
Nhà kinh tế học Stephen Roach, người từ lâu đã đánh giá cao Trung Quốc, cho rằng nền kinh tế số một Châu Á đang đối mặt với những “rủi ro khổng lồ” và “áp lực ghê gớm”.

 

Bắc Kinh đưa ra mục tiêu tăng trưởng chính thức là khoảng 5,5% trong năm 2022, nhưng theo ông Roach, “Trung Quốc sẽ may mắn nếu đạt được con số 4%”. Ông Stephen Roach trước đây từng là Chủ tịch Morgan Stanley Châu Á và nhà kinh tế trưởng tại Morgan Stanley. Hiện tại, ông đang là nhà nghiên cứu cao cấp tại Đại học Yale.

Ông Roach nới với CNBC: “Tôi từ lâu đã tin tưởng vào Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện giờ thì đã không còn nữa rồi”. “Tôi nghĩ Trung Quốc đang đối mặt với áp lực ghê gớm. Không đời nào Bắc Kinh có thể đạt được mục tiêu tiêu tăng trưởng 5,5%”, ông cho biết.

  Nhiều ngân hàng khác cũng có quan điểm tương tự với ông Stephen Roach. 

Trung Quốc đang phải đối mặt với đợt bùng phát COVID lớn nhất tại đại lục kể từ năm 2020. Dữ liệu tháng 4 mới được công bố cho thấy hoạt động của ngành công nghiệp và dịch vụ đều suy giảm đáng kể.

Ngoài những ảnh hưởng kinh tế từ việc quyết tâm theo đuổi chính sách Zero COVID và kiên định trong vấn đề cắt giảm đòn bẩy tài chính, nhà kinh tế còn cho rằng việc Chủ tịch Tập Cận Bình giữ mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin là một “quyết định sai lầm nghiêm trọng”.

Trên mặt trận địa chính trị, Bắc Kinh đã bác bỏ quan điểm của Phương Tây, không coi chiến dịch quân sự mà Nga tiến hành ở Ukraine là “xâm lược”. Ông Roach trước đây đã từng mô tả Chủ tịch Tập là người duy nhất trên thế giới có thể ảnh hưởng tới Tổng thống Putin.

Ông cảnh báo rằng việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể gây ảnh hưởng tới toàn cầu, bởi Bắc Kinh giờ đây sẽ không thể giải cứu nền kinh tế thế giới giống như sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

“Từ năm 2009 đến 2012, Trung Quốc đang tăng trưởng với tốc độ 8%/năm và hoạt động như một tấm đệm giúp nền kinh tế thế giới không rơi vào khủng hoảng”, ông nói. “Tấm đệm đó giờ đây đã biến mất”.

“Trung Quốc sẽ không thể cứu thế giới như cách đã từng làm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Vấn đề này ảnh hưởng tới triển vọng của toàn bộ nền kinh tế thế giới”.

 

Minh Quang