Cuộc di dân lịch sử khỏi Kinh thành Huế: 450 hộ dân sẽ di dời trong năm nay

Phát biểu tại Quốc hội sáng nay (31/10), ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, dự kiến có 450 hộ dân sống quanh di tích Kinh thành Huế sẽ được di dời trong năm nay. Việc di dời phạm vi lớn sẽ diễn ra trong năm tới.

Phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng nay (31/10), ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề cập tới dự án điều chỉnh địa giới thành phố Huế và các vùng phụ cận, cùng việc "di dân lịch sử" khỏi kinh thành Huế.

Theo đó, ông Thọ cho biết, hiện diện tích thành phố Huế là 70 km2, dân số 345.000 người, mật độ dân cư hơn 5.000 người/km2, gấp đôi mật độ bình quân ở các đô thị. Mật độ xây dựng đã đạt trên 80%.

tho2

Ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: Quochoi.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, qui mô thành phố đã quá chật cho bảo tồn di tích và quá nhỏ so với nhu cầu phát triển của địa phương. Việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế là nhu cầu khách quan, để người dân có cuộc sống tốt hơn; thúc đẩy bảo tồn, phát huy di sản cố đô Huế.

Ngoài ra, đây cũng là cơ sở xây dựng thành phố Huế sớm trở thành đô thị di sản, văn hoá trực thuộc Trung ương.

"Việc điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng tới tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính một số địa phương lân cận. Vì thế tỉnh mong muốn nhận được sự hỗ trợ, chỉ đạo của trung ương để Huế hoàn thành việc mở rộng địa giới hành chính", ông Thọ nói.

Ông Thọ cũng cho biết, trong năm nay, dự kiến có 450 hộ dân sống quanh di tích Kinh thành Huế sẽ được di dời. Việc di dời phạm vi lớn sẽ diễn ra trong năm tới.

Theo thông tin đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh Thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế sẽ thực hiện di dời tổng cộng khoảng 4.201 hộ dân (2.188 hộ chính, 2.013 hộ phụ) với tổng mức đầu tư khoảng 4.097 tỉ đồng từ ngân sách trung ương và địa phương. 

Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 2.735 tỉ đồng; chi phí xây dựng khu tái định cư khoảng 1.362 tỉ đồng.

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại cho tương lai; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực 1 di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân...

Đề án di dời sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn, gồm giai đoạn 1 (từ 2019 - 2021) sẽ di dời khoảng 2.938 hộ dân; giai đoạn 2 (từ 2022 - 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cuoc-di-dan-lich-su-khoi-kinh-thanh-hue-450-ho-dan-se-di-doi-trong-nam-nay-20191031111503547.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/