Cuộc chiến thú vị trên mặt đất của các sân bay lớn tại Châu Á

Bên cạnh trải nghiệm cốt lõi liên quan đến hàng không, nhiều doanh nghiệp vận hành sân bay ở Châu Á đang muốn biến sân bay của họ thành những tổ hợp thương mại – giải trí.

Sân bay Changi (Singapore) và nhiều sân bay lớn khác tại Châu Á đang xây dựng nhiều cơ sở thương mại lớn để tăng lợi nhuận, bên cạnh các hoạt động mở rộng đường băng và các cơ sở vật chất hàng không khác.

Thế nhưng, Changi cũng vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các trung tâm giao thông trong khu vực khác như Sân bay Quốc tế Hong Kong, vốn phụ thuộc phần lớn vào hành khách Trung Quốc.

Cuộc đua xây dựng cơ sở thương mại ở sân bay

Tổ hợp SkyCity của phi trường quốc tế Hong Kong bao gồm cả khách sạn sẽ hoàn thành vào năm 2020 trong khi đó cụm hệ thống thương mại sẽ mở cửa vào năm 2020.

sb1

Sân bay Changi có thác nước nhân tạo lớn nhất thế giới. (Ảnh: CNA)

Việc đưa hệ thống Hong Kong-Zhuhai-Macao Bridge vào hoạt động tháng 10 năm ngoái, kết nối hai đặc khu hành chính và Quảng Đông, đã củng cố vai trò của sân bay quốc tế Hong Kong trong vai trò cửa ngõ vào Trung Quốc đại lục.

Nhiều sân bay khác ở Đông Nam Á cũng nhập cuộc. Gần Sân bay Quốc tế Kuala Lumpur, một liên doanh giữa công ty vận hành sân bay và đơn vị phát triển bất động sản Nhật bản Mitsut Fudosan, cũng đang xây dựng một trung tâm thương mại.

Hồi tháng 4, Changi mở cửa Jewel, một tổ hợp vườn, giải trí và thương mại trị giá 1,24 tỉ USD.

Changi từ lâu đã nổi tiếng với những điểm hấp dẫn du khách bên cạnh các dịch vụ hàng không tiêu chuẩn, như bể bơi và vườn hoa hướng dương gần các cổng lên máy bay. 

Mục đích của Changi là kết nối nhiều hành khách hơn trung chuyển qua Singapore, vốn có một thị trường hàng không nội địa nhỏ. Jewel là ví dụ mới nhất thế hiện mong muốn này.

Tiềm năng lớn từ các hoạt động phi hàng không

Mặc dù nhu cầu di chuyển bằng hàng không đang tăng ở Châu Á, doanh thu từ thương mại và các hoạt động phi hàng không cũng cực kì hấp dẫn với các doanh nghiệp vận hành sân bay. 

Airports Council International, một tổ chức thương mại, nhận định nguồn thu này sẽ trở thành một nguồn đầu tư quan trọng cho các sân bay trong tương lai.

sb2

Apple Store thứ ba tại Đông Nam Á cũng vừa mở cửa tại Sân bay Changi. (Ảnh: SoyaCincau)

Jewel là một công trình với những tấm tường bằng kính lớn bao quanh là các sân ga của Sân bay Changi cùng diện tích sàn 135.700 mét vuông. Nó có tổng cộng 10 tầng, bao gồm 5 tầng nổi và 5 tầng ngầm. Tổ hợp có diện tích bằng khoảng 20 sân bóng cùng một thác nước nhân tạo cao tới 40 mét, mô phỏng một khu vườn nhiệt đới.

Jewel có khoảng 280 cửa hàng và nhà hàng cùng nhiều điểm nhấn như mê cung khổng lồ và rạp chiếu phim nhiều màn hình.

"Nhiều sân bay trên thế giới đang mang đến cho hành khách nhiều điều hơn là dịch vụ hàng không hiệu quả", Giám đốc Changi Airport Group Jayson Goh nói. "Trải nghiệm khách hàng là trọng tâm của chúng tôi", ông nhấn mạnh.

Với hàng nghìn hành khách đến và đi qua Changi mỗi ngày, sân bay này cũng hứa hẹn là trái ngọt cho các doanh nghiệp bán lẻ. Pokemon Center tại Jewel là cửa hàng bán lẻ quốc tế đầu tiên có mặt tại đây.

 "Vì Changi là sân bay chính ở Châu Á, chúng tôi có thể tiếp cận với khách hàng nhiều quốc gia trong khu vực khi mở cửa hàng ở đây", Kenjiro Ito, giám đốc kinh doanh của The Pokemon Company, chia sẻ với Nikkei Asian Review. "Nó sẽ giúp chúng tôi khi công ty thâm nhập các thị trường Châu Á khác."

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cuoc-chien-thu-vi-tren-mat-dat-cua-cac-san-bay-lon-tai-chau-a-20190723085319964.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/