Cuộc chiến của các siêu ứng dụng đầy hấp dẫn tại Châu Á

Mô hình tất-cả-trong-một đang được nhiều công ty công nghệ lớn ở Châu Á hướng tới nhằm “trói chặt” người dùng trong hệ sinh thái của mình trong khi tạo rào cản thâm nhập cho đối thủ.

Hình mẫu đầu tiên

Michael Xu như bị dính phải một 'lời nguyền'. Ngay sau khi tới thăm họ hàng tại Trung Quốc năm 2017, nhà phát triển trò chơi từ Toronto đã quyết định quay trở lại nửa vòng trái đất để học cách phát triển trò chơi cho ứng dụng Trung Quốc WeChat.

"WeChat thực sự khổng lồ tại Trung Quốc", Xu chia sẻ với Nikkei Asia Review trong một bài phỏng vấn. 

Chàng trai 28 tuổi người Canada có một nửa dòng máu Trung Quốc rất ấn tượng với cách họ hàng của anh dùng cùng một ứng dụng cho mọi thứ, từ thanh toán hóa đơn, trò chuyện với bạn bè cho tới gọi đồ ăn.

sad1

Tài xế Go-Jek tại một quán cà phê ở Jakarta. Từ một ứng dụng gọi xe, Go-Jek dần trở thành một siêu ứng dụng. (Ảnh: Reuters)

"Ngay cả người ông 88 tuổi của tôi cũng dùng WeChat dễ dàng", anh nói. "Ông vẫn dùng nó để gọi tôi, chia sẻ hình ảnh và các bài báo mọi lúc".

Vì thế, khi Xu quyết định sẽ thâm nhập thị trường trò chơi Trung Quốc vào năm ngoái, việc đầu tiên anh làm là học một khóa lập trình trên WeChat ở Thượng Hải. 

"Tất cả người dân Trung Quốc đều trên WeChat", Xu nhấn mạnh. "Dễ thuyết phục họ chơi game trên WeChat hơn là yêu cầu người dùng tải về một ứng dụng khác", anh nói thêm.

Chiến lược của Xu là một minh họa hoàn hảo cho sức mạnh của WeChat, ứng dụng thuộc Tencent Holdings, tại quốc gia tỉ dân. Hiện nay, nó có khoảng 1,1 tỉ người dùng. Hãy tưởng tượng tất cả ứng dụng như WhatsApp, Apple Pay, Uber, Facebook hay Expedia gộp vào làm một – đó chính là WeChat.

Và sự thành công của WeChat đã tạo cảm hứng cho các công ty ở khắp Châu Á phát triển những ứng dụng tất cả trong một của riêng mình – hiện tượng "siêu ứng dụng".

Sự tiện lợi, dù vậy, cũng có cái giá của nó. Nhiều chuyên gia tin rằng sự ra đời của những ứng dụng như WeChat sẽ giết chết tính cạnh tranh và sự sáng tạo.

Mở rộng dịch vụ để trói chặt người dùng và chặn đứng đối thủ

sad2 copy

Một số siêu ứng dụng ở Châu Á. (Nguồn: Nikkei/ báo cáo công ty, Việt hoá: Thái Sơn)

Chưa có một thống kê cụ thể nào về số lượng siêu ứng dụng tại Châu Á nhưng chúng đang xuất hiện khắp mọi nơi, bao gồm cả những khu vực xa xôi nhất.

Myanmar, quốc gia mới chỉ có kết nối Internet từ năm 2000, đang khá ưa thích một ứng dụng của Việt Nam mang tên gọi Zalo. Vốn khởi đầu như một ứng dụng nhắn tin, Zalo hiện tại còn hỗ trợ cả thanh toán điện tử và mua sắm trực tuyến. Ở Ấn Độ, ông lớn Reliance chia sẻ vào đầu năm rằng sẽ cho ra một ứng dụng với 100 dịch vụ tích hợp.

"Siêu ứng dụng trở thành một cách để kinh doanh ở Châu Á", Vishal Harnal, một cộng sự của quỹ 500 Startups tại Singapore, nói.

Hàng triệu người ở các thị trường mới nổi của Châu Á đã bỏ qua kỉ nguyên của máy tính để nhảy thẳng sang kỉ nguyên của smartphone. Sử dụng ứng dụng đối với họ là một điều gì đó rất tự nhiên.

Cùng thời điểm, thị trường ứng dụng nhiều tỉ USD thu hút cạnh tranh mạnh mẽ. Chỉ tính riêng ở Trung Quốc, hiện có khoảng hơn 4 triệu ứng dụng, theo thống kê của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin.

Các nhà phân tích nhận định với nhiều công ty, siêu ứng dụng là một cách để thu hút người dùng giữa một "biển" lựa chọn và "khoá" họ lại.

Amalia Ayuningtyas, một tư vấn viên đang làm việc tại Jakarta, là một minh chứng sống cho sự hiệu quả của chiến lược này. Ban đầu cô tải về Go-Jek, một siêu ứng dụng của Indonesia, chỉ để dùng dịch vụ gọi xe ôm. Thế nhưng, cô nàng 27 tuổi nhanh chóng bị Go-Jek "dụ dỗ" sử dụng các dịch vụ khác bằng cách tặng voucher.

Giờ thì cô dùng ví điện tử GoPay để thanh toán cho các chuyến xe, đặt đồ ăn trên GoFood và gửi tài liệu bằng GoSend. Thỉnh thoảng, cô đặt dịch vụ mát-xa trên GoMassage và thuê dọn nhà nhờ GoClean. Khi hết tiền điện thoại, cô nạp bằng cách dùng GoPulsa. Amalia Ayuningtyas nói 20% chi tiêu hàng tháng của cô ở trên Go-Jek.

Ajey Gore, giám đốc công nghệ của Go-Jek, chia sẻ trong một cuộc hội thảo ở Hong Kong rằng Go-Jek đang xử lý 2,5 triệu yêu cầu của người dùng ở bất kì một thời điểm nào, thông qua 21 dịch vụ tích hợp. "Khi bạn đạt đến quy mô như trên, bạn làm gì cũng được", Gore nhấn mạnh.

Bán nhiều dịch vụ trên một nền tảng giúp tiết kiệm chi phí trong khi lại tạo ra một rào cản cho đối thủ. Foodpanda, một công ty giao đồ ăn lớn có trụ sở ở Đức, đã phải đóng cửa tại Indonesia vào năm 2016 khi Go-Jek và Grab bắt đầu triển khai dịch vụ tương tự.

Đầu năm nay, Honestbee, một công ty Singapore, cũng đóng cửa dịch vụ giao đồ ăn trong một cuộc cơ cấu chiến lược. Honestbee đã có thể muốn bán lại mảng dịch vụ này cho Grab hoặc Go-Jek, tuy nhiên công ty từ chối bình luận thêm.

Các nhà đầu tư cũng đang chú ý đến những siêu ứng dụng với nhiều tâm lý đón nhận. "Khó để cạnh tranh với WeChat hay Alipay", một nhà đầu tư nói. "Những ông lớn này quá mạnh mẽ và kiểm soát cổng vào nhiều lĩnh vực, họ ngày càng mạnh hơn".

Người dùng trong khi đó buộc phải dùng các siêu ứng dụng, ngay cả khi không thích. Ở Hàng Châu, quê hương của Alipay, nhiều nhà hàng, quán cà phê và siêu thị chỉ chấp nhận thanh toán điện tử. 

Tương tự, cũng không có nhiều doanh nhân Trung Quốc mang theo danh thiếp. Họ trao đổi thông tin và lưu lại trên WeChat.

Ngày càng bành chướng

sad3

Số lượng người dùng Internet di động ở Châu Á – Thái Bình Dương năm 2018 lên tới 1,9 tỉ (45% dân số) trong khi đó đóng góp của ngành công nghiệp di động vào tổng GDP lên tới 1,6 nghìn tỉ USD. (Ảnh: Reuters)

Với thực tế cứ ba người Trung Quốc thì có hai người trên WeChat, nó khiến tầm quan trọng của WeChat được ví như "số điện thoại, nước, gas hay điện vậy", Matthew Brannan, giám đốc công ty tư vấn công nghệ China Channel chuyên về marketing trên WeChat, chia sẻ.

Mặc dù đã rất phổ biến, WeChat vẫn đang tiếp tục mở rộng. Tencent mới đây đưa ra cho các công ty và nhà phát triển ứng dụng một chào mời khó cưỡng: Họ có thể phát triển các ứng dụng mini cho WeChat rẻ và nhanh hơn nhiều so với một ứng dụng truyền thống.

Nếu như một ứng dụng thông thường phải mất khoảng một tuần với một đội ngũ hoàn chỉnh để hoàn thiện thì chương trình của WeChat khiến quá trình chỉ còn kéo dài 1 ngày với một hoặc hai nhân sự. 

"Tận dụng những tính năng sẵn có như thanh toán hay nhắn tin giúp mọi thứ đơn giản hơn", Dounnan Hu, Giám đốc trường lập trình Thượng Hải Le Wagon, nói.

Pony Ma, người sáng lập Tencent, nói vào tháng 11 năm ngoái rằng hơn 1 tỉ ứng dụng mini đã xuất hiện trên WeChat kể từ năm 2017 khi Tencent bắt đầu triển khai chương trình. Alibaba, với chương trình tương tự triển khai hồi năm ngoái, cũng thu hút được 100.000 ứng dụng trong bốn tháng đầu tiên.

Jeffey Towson, giáo sư đầu tư Đại học Peking, so sánh các siêu ứng dụng như một mảnh đất giá trị. "Mọi người đều phải đi qua nó", ông nói. 

"Nếu muốn bán thứ gì đó, bạn có thể đặt ứng dụng vào điện thoại người dùng, nhưng chúc bạn may mắn. Hoặc bạn có thể đặt một ứng dụng mini trên WeChat. Nó là cánh cửa tốt hơn để bước vào cuộc sống số của khách hàng".

"Vấn đề đặt ra là liệu các siêu ứng dụng có giết chết sự cạnh tranh như nhiều công ty khác đã làm hay không", Jason Davis, một giáo sư tại trường kinh doanh Insead, chia sẻ.

Các nhà phát triển ứng dụng và các nhà phân tích nhận định Tencent và Alibaba đều khá nguyên tắc về cách nắm giữ quyền lực. Cả hai đều cho phép bất kì ai tham gia hệ sinh thái của mình với một "mức phí hợp lý". Thế nhưng, cũng có một số "luật bất thành văn".

Ví dụ, các cửa hàng số trên WeChat không nhận thanh toán qua Alipay và ngược lại. Bên cạnh đó, các ứng dụng mini dường như không được cạnh tranh với Tencent hay Alibaba. Năm ngoái, Tencent đã cấm việc chạy trực tiếp một số video ngắn – bao gồm cả các video đến từ TikTok – trên WeChat.

Mặc dù phía Tencent nói rằng họ làm vậy theo yêu cầu của giới chức về các nội dung trên mạng xã hội không đạt yêu cầu, phía ByteDance, công ty mẹ của TikTok, lại cho rằng Tencent chỉ đang cố tìm ra một cái cớ.

Trong khi nhiều người lo ngại siêu ứng dụng sẽ giết chết  sáng tạo,không ít lại tỏ ra lạc quan. "Tôi ước gì mọi thứ đơn giản như thế", Hian Goh, người đồng sáng lập quỹ Openspce Ventures, nói.

"Tôi không ủng hộ quan điểm trên bởi dù những siêu ứng dụng bành chướng tới mức nào, sự sáng tạo cũng không thể bị giết chết. Có chăng, các nhà sáng tạo sẽ càng mạnh mẽ hơn", Goh nói thêm.

Những hành động của Tencent, dù có lý do là gì đi nữa, cũng không khiến TikTok tổn thương. Ứng dụng này vào tháng 1 đã vượt Facebook và Instagram ở số lượng lượt tải về, theo Sensor Tower. Về phần mình, ByteDance cũng vượt qua WeWork, Airbnb và SpaceX để trở thành startup giá trị nhất thế giới với định giá khoảng 75 tỉ USD, theo CB Insights.

Những công ty từng phụ thuộc vào siêu ứng dụng để có người dùng như ông lớn gọi xe Didi Chuxing giờ cũng đã có 90% cuộc gọi xe được thực hiện qua ứng dụng của riêng mình.

"Họ đều muốn có kết nối trực tiếp tới người dùng", Brennan nhận định. "Nếu không, có quá nhiều rủi ro với quá trình kinh doanh".

Xu, lập trình viên từ Canada, dù thế vẫn giữ ý định phát triển ứng dụng trên WeChat. Nhưng anh sẽ tìm thêm các phương án dự phòng.

"Chúng tôi cũng đưa trò chơi lên App Store, Google Play và nhiều nền tảng khác", anh tiết lộ. "WeChat là một kênh tốt nhưng chúng tôi sẽ không phụ thuộc mỗi vào nó".

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cuoc-chien-cua-cac-sieu-ung-dung-day-hap-dan-tai-chau-a-20190903000135925.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/