Cuộc cách mạng vay trong một giây ở Trung Quốc từ các công lớn công nghệ

Các khoản vay cá nhân và doanh nghiệp vi mô có thể được các ông lớn công nghệ Tencent và Alibaba giải ngân trong vòng 1 giây.

Khi Li Bencai, 38 tuổi, chủ một nhà máy xử lí len ở Hà Bắc, Trung Quốc cần mua len vào mùa hè năm nay, anh đã vay vốn trực tuyến từ MyBank, một công ty của Alibaba Group Holding.

mb1

Ngân hàng di động được coi là cuộc cách mạng hóa với những khách hàng trước đây không thể tiếp cận với vốn vay truyền thống ở Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images)

Li đã vay 350.000 nhân dân tệ (35.000 USD) trong tổng số 1 triệu nhân dân tệ anh cần để mua 50 tấn len với lãi suất theo năm 12%. Dù chi phí vốn vay không rẻ, Li cho biết công ty của anh vẫn có lãi sau khi nhận được các khoản thanh toán từ đối tác tháng này.

Làm hồ sơ vay 3 phút, cho vay trong 1 giây và không cần đến con người.

Mảng ngân hàng di động của các ông lớn như Alibaba hay Tencent đang thay đổi ngành dịch vụ tài chính tại Trung Quốc khi đã cấp tín dụng tới hơn 100 triệu khách hàng tính tới thời điểm hiện tại, bao gồm cả khách hàng ở nông thôn và doanh nghiệp vi mô.

Nông dân và doanh nghiệp vi mô – với số lượng nhân sự nhỏ hơn 9 – từng gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận với từ ngân hàng truyền thống. Họ tìm đến Alibaba và Tencent để được hỗ trợ.

Cả hai công ty này đều đưa ra quyết định cho vay dựa trên trí tuệ nhân tạo và xử lí lượng lớn dữ liệu từ các dịch vụ thanh toán di động mà họ xử lí.

Theo Nikkei, Tencent và Alibaba đang xử lý hơn 90% các khoản thanh toán qua điện thoại thông minh ở Trung Quốc. Tổng số lượng giao dịch trong năm 2018 được xử lí có thể đã lên tới 25 nghìn tỉ USD. Điều đáng nói là các quyết định cho vay được Tencent và Alibaba đưa ra có thể chỉ trong 1 giây.

MyBank gọi quy trình cho vay của mình là "3-1-0", tức người đi vay chỉ mất 3 phút để nhập liệu thông tin cần thiết, 1 giây để AI quyết định mức độ khoảng vay và không cần đến nhân sự con người.

Với chủ nhà máy như Li, ngân hàng trực tuyến như MyBank là một cuộc cách mạng hóa trong kinh doanh của anh và mang đến cho anh nhiều cơ hội hơn trước.

Khi xử lý len sợi cho các nhà máy, Li thêm từ 15% đến 20% phí xử lí vào chi phí nguyên liệu. Anh nhờ đó có thể kiếm được lợi nhuận dù vốn 12% chi phí vốn vay của MyBank.

Yang Wansui, một nông dân gần đó, cũng vay 30.000 Nhân dân tệ (4.200 USD) từ MyBank để mua hạt giống, nhờ đó tăng được sản lượng sản xuất.

mb2

(Ảnh: Nikkei, Việt Hoá: Thái Sơn)

"Ứng dụng AI giúp người dùng thông thường và doanh nghiệp vi mô tiếp cận được với ngân hàng", Wu Haishan, Phó Giám đốc điều hành WeBank, một ngân hàng trên smartphone được Tencent chống lưng, nói hồi tháng 6.

Với nhiều người có nhu cầu vay vốn, việc dễ tiếp cận với vốn vay quan trọng hơn bảo vệ dữ liệu và tính riêng tư.

MyBank bắt đầu vận hành từ năm 2015 và đã cấp tín dụng tới 17 triệu doanh nghiệp vi mô và các công ty khác trong 4 năm đầu tiên. Trong số này, 80% chưa từng vay ngân hàng trước đó. Tổng giá trị cho vay của MyBank đã đạt mức 3 nghìn tỉ Nhân dân tệ.

"Trong ba năm tới, các hộ kinh doanh cá thể cũng có thể vay được từ chúng tôi trong 1 giây", Hu Xiaoming, chủ tịch nhà băng này khẳng định.

Sự dễ dàng và tiện lợi đi kèm rủi ro trên phương diện vĩ mô.

Ngân hàng di động đạt được thành công lớn ở Trugn Quốc nhờ sự phổ biến của thanh toán di động. Alibaba và Tencent đang có mỗi công ty 1 tỉ người dùng sử dụng các dịch vụ thanh toán này. 

Gần như bất người nào, ngoại trừ người già và trẻ em, đều cài ứng dụng thanh toán của hai ông lớn này trên di động của mình.

Khoan nói tới các vùng sâu vùng xa, hầu như cửa hàng nào tại Trung Quốc cũng có máy quét mã QR để nhận thanh toán từ khách hàng. Ngay cả đền, chùa cũng áp dụng thanh toán di động khi nhận quyên góp từ người hảo tâm. 

Thanh toán tiền mặt ngày càng ít đi vì các cửa hàng không có tiền trả lại.

Nhờ số lượng dữ liệu lớn mà Alibaba và Tencent có được, họ có thể đánh giá khả năng trả nợ và thu nhập của người dùng chính sách. Ví dụ, những người trả hóa đơn điện – nước đúng hạn sẽ được đánh giá là có thể trả gốc lãi vay đúng hạn.

Alibaba đưa ra các gói lãi suất khác nhau dựa trên rủi ro của từng khách hàng. Nó cũng có thể tính được hạn mức tín dụng tối đa, lãi suất và rủi ro nợ xấu của từng khách hàng dựa trên dữ liệu có sẵn.

mb3

Alibaba và Tencent, mỗi công ty, có hơn một ri người dùng dịch vụ thanh toán. (Ảnh: Reuters)

Tencent, dù không có nền tảng thương mại điện tử như Alibaba nhưng lại có mạng xã hội để phát triển hệ thống phê duyệt tín dụng.

Công ty này có danh sách người dùng đủ điều kiện vay không chỉ dựa trên lịch sử thanh toán mà còn dựa trên tin nhắn mạng xã hội và lịch sử cuộc gọi điện thoại. Tencent thậm chí còn lôi kéo người dùng đến với các khoản vay bằng cách hiển thị quảng cáo trực tiếp trên màn hình của họ.

Vì các thông tin được xử lý từ trước, người dùng Tencent có thể nhận được tiền sau 3 phút kể từ khi đệ trình thông tin.

Tencent đã cho vay tới 100 triệu người ở thời điểm hiện tại, 80% trong số này không có học vấn cao hơn trung học phổ thông. Rất nhiều người cũng không thể vay vốn từ ngân hàng truyền thống.

Tỉ lệ nợ xấu của MyBank và WeBank hiện chỉ khoảng 1%. Điều này một phần là bởi Alibaba và Tencent đều chặn người dùng phát sinh nợ chậm trả khỏi các dịch vụ thanh toán của mình, một hình phạt gây ra nhiều bất tiện tại Trung Quốc.

Bên cạnh vấn đề về bảo mật thông tin, một mối quan ngại khác liên quan đến hoạt động như của MyBank và WeBank là các khoản vay tiêu dùng hộ gia đình. Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, tỉ lệ vay tiêu dùng hộ gia đình trên GDP của Trung Quốc đã vượt mốc 50% vào năm 2018, gần như gấp ba lần số liệu của một thập niên trước.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) trong khi đó nói rằng tỉ lệ vay tiêu dùng hộ gia đình trên thu nhập khả dụng đã tăng lên 112% vào năm 2017 từ 43% vào năm 2008. Con số này thậm chí chưa bao gồm hơn 1 nghìn tỉ Nhân dân tệ dự nợ cá nhân được thực hiện qua hoạt động tài trợ trực tuyến.

Trong năm 2018, giới quan chức cũng đã thắt chặt hoạt động của các trung gian tài chính trực tuyến khiến hơn 1.000 công ty ngừng hoạt động, theo Nikkei

Khi ngân hàng di động phổ biến và dư nợ tiêu dùng tăng, rủi ro về tài chính vĩ mô cho Trung Quốc cũng tăng lên.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cuoc-cach-mang-vay-trong-mot-giay-o-trung-quoc-tu-cac-cong-lon-cong-nghe-20190810230257745.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/