Cũng dùng hệ thống giao dịch từ KRX như HOSE, Lào và Campuchia đưa vào vận hành từ năm 2010

Ngày 14/6 tới, HOSE sẽ kết nối thử nghiệm hệ thống KRX giá trị 600 tỷ đồng sau 9 năm ký hợp đồng. Theo tìm hiểu, hệ thống giao dịch chứng khoán của KRX đã vận hành ổn định tại Lào và Campuchia từ hơn một thập kỷ trước.

Mới đây, Sở GDCK TP.HCM (HOSE) vừa thông báo tới các CTCK thành viên về việc thử nghiệm hệ thống công nghệ thông tin mới cho toàn thị trường chứng khoán (KRX) từ ngày 14/6 tới đây. Đây là thông tin đáng mong chờ với NĐT trên thị trường sau khi việc giao dịch liên tục gặp sự cố ngoài ý muốn. Hệ thống KRX trị giá 600 tỷ đồng với năng lực xử lý 3 – 5 triệu lệnh giao dịch/ngày được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng tăng cao của thị trường.

Tuy "trễ hẹn" với thị trường Việt Nam, hệ thống KRX đã được triển khai thành công ở Lào và Campuchia từ hơn 10 năm trước. Có thể thấy dù đi sau Việt Nam gần 10 năm về lịch sử phát triển thị trường chứng khoán, nhưng hai quốc gia này lại đang đi trước về công nghệ.

Nghiên cứu từ mô hình thị trường tại các nước Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Lào đã nhận ra vai trò huy động vốn quan trọng của thị trường chứng khoán để phát triển kinh tế xã hội. Qua nhiều năm chuẩn bị, vào lúc 10 giờ 10 phút sáng ngày 10/10/2010, Lào chính thức mở cửa Sở giao dịch chứng khoán Lào (LSX).

Ngân hàng Nhà nước Lào ( Bank of Lao PDR - BOL) đại diện cho Chính phủ giữ 51% cổ phần của LSX, 49% còn lại thuộc sở hữu của Sở giao dịch chứng khoán Hàn Quốc (KRX). Số vốn này tương ứng phần đầu tư hệ thống công nghệ thông tin và đào tạo cách vận hành sàn giao dịch. Đây là sàn giao dịch chứng khoán đầu tiên trên thế giới với mô hình liên kết giữa chính phủ và một sàn giao dịch nước ngoài (cụ thể là KRX).

Cũng dùng hệ thống giao dịch từ KRX như HOSE, Lào và Campuchia đưa vào vận hành từ năm 2010 - Ảnh 1.

Cơ cấu tổ chức thị trường vốn Lào – Nguồn: Research Gate.

Thị trường chứng khoán Lào chính thức bước vào phiên giao dịch đầu tiên từ tháng 1/2021 với vỏn vẹn 2 công ty đại chúng nhà nước gồm EDL Gen (Công ty con thuộc Tập đoàn điện lực Lào EDL) và BCEL (Ngân hàng Ngoại thương Lào). Đến nay, đã có 11 công ty niêm yết được giao dịch đại chúng trên sàn LSX.

Tính đến hết Quý I/2020, thanh khoản trung bình trên sàn LSX đạt 1,05 tỷ kíp Lào, tương đương khoảng 2,54 tỷ đồng. So với mức thanh khoản 161,28 triệu kíp Lào vào đầu năm 2012, giá trị giao dịch bình quân đã tăng 651%. Tại ngày 10/6, vốn hóa thị trường chứng khoán Lào đạt gần 7.500 tỷ kíp Lào (18.250 tỷ đồng), giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019 do sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Thị trường chứng khoán tại Lào cũng thu hút sự chú ý của lượng lớn nhà đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo của LSX, khối ngoại đóng góp tới 85,03% giá trị giao dịch trong quý 1/2020. Sở giao dịch chứng khoán Lào cũng không ngần ngại cải tiến để thu hút nhà đầu tư trong nước và khối ngoại.

Giai đoạn 2013 - 2014, LSX triển khai hình thức giao dịch trực tuyến (online), mở rộng biên độ biến động giá trong phiên từ 5% lên 10%, kết hợp hình thức khớp lệnh định kỳ và liên tục, áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS cho các công ty niêm yết.

Năm 2016, Lào chính thức nâng số lượng giao dịch tối thiếu từ 1 cổ phiếu lên 100 cổ phiếu. Phí giao dịch tại quầy giảm từ 0,3% xuống 0,15%, và giảm từ 0,27% còn 0,135% đối với giao dịch online từ năm 2017. Những thay đổi to lớn này nhằm mục đích thu hút thanh khoản thị trường, nâng hiệu quả huy động vốn của các công ty niêm yết.

Thông tin thêm, Lào đặt mục tiêu 15.000 tài khoản giao dịch, với tổng giá trị giao dịch 9,5 tỷ kíp Lào. Chính phủ Lào cũng đưa ra những ưu đãi về chính sách để thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường này. Cụ thể từ 2020, chính phủ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp niêm yết từ 19% trong 4 năm xuống còn 13% trong 4 năm. Nhiều ưu đãi được áp dụng bao gồm kéo dài thời gian công bố báo cáo tài chính năm lên 150 ngày, giãn các khoản nợ vay và lãi suất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh,…

Với mức tăng trưởng bình quân 7,7% của thập kỷ trước (theo World Bank), tương lai của LSX được dự báo sẽ còn tăng trưởng tích cực.

Học tập mô hình của LSX, tháng 2/2010, Sở giao dịch chứng khoán Campuchia (CSX) được thành lập với 55% vốn điều lệ thuộc Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia (MEF) và 45% còn lại thuộc Sở giao dịch Hàn Quốc (KRX). Nhờ đó, Campuchia cũng sớm được vận hành hệ thống giao dịch do KRX xây dựng.

Đến ngày 18/4/2012, CSX chính thức giao dịch ngày đầu tiên với cổ phiếu duy nhất là Công ty Phnom Penh Water Supply Authority (PWSA). Trong ngày mở cửa, PWSA đã tăng tới 48%.

Tại thời điểm ra mắt, CSX được ông Đào Duy Anh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Campuchia - Việt Nam (CVS) đánh giá là hấp dẫn và mang tính thị trường hơn Việt Nam. Đến nay, tốc độ tăng trưởng của CSX không đạt được kỳ vọng ban đầu.

Tính đến tháng 4/2021, quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán Campuchia chỉ đạt khoảng 55.000 tỷ đồng. Giá trị giao dịch bình quân ngày khoảng 120.000 USD (2,8 tỷ đồng).

Trong thàng 5/2020, CSX chào đón cổ phiếu của Acleda Bank – ngân hàng thương mại lớn nhất Campuchia, đồng thời là ngân hàng đầu tiên niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán.

Đây là kết quả của những nỗ lực từ chính phủ Campuchia vào năm 2019 nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa gia nhập thị trường. Những chính sách ưu đãi bao gồm việc giảm 50% thuế lợi tức trong 3 năm đầu, hoãn nộp thuế 3 năm và chỉ cần nộp trước 1% thuế thu nhập hàng tháng. Đặc biệt, việc ân xá cho các hành vi gian lận thuế trong 10 năm trước đó được coi là một chính sách hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

Tuy vậy, những ưu đãi trên vẫn chưa đủ hấp dẫn đối với các công ty tại Campuchia, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân. "Họ đã quen với việc tự vận hành, và chẳng ai yêu cầu họ phải công khai các báo cáo tài chính" – theo ông Joseph Tucker, Phó chủ tịch Bộ phận Tài chính Doanh nghiệp tại SBI Royal Securities. Còn đối với các doanh nghiệp lớn, với độ minh bạch cao, họ chưa nhìn thấy lợi ích của việc minh bạch thông tin để niêm yết trên thị trường.

Cũng dùng hệ thống giao dịch từ KRX như HOSE, Lào và Campuchia đưa vào vận hành từ năm 2010 - Ảnh 2.

Tình trạng ảm đạm tại sàn giao dịch chứng khoán Campuchia. Nguồn: https://southeastasiaglobe.com

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cung-dung-he-thong-giao-dich-tu-krx-nhu-hose-lao-va-campuchia-dua-vao-van-hanh-tu-nam-2010-20210610162539459.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/