'Công nhân, người lao động không thể mua được nhà với lãi suất 9-10%/năm'

Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân nhận định, công nhân và người lao động không thể mua được nhà ở xã hội với mức lãi suất 9-10% một năm, lãi suất này chỉ phục vụ cho chủ đầu tư xây nhà.

Vấn đề phát triển nhà ở xã hội được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây giống như một giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản phục hồi và trở nên lành mạnh hơn. Tuy nhiên, những khó khăn, bất cập trong việc triển khai phân khúc này còn rất nhiều.

Chia sẻ tại hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội" diễn ra mới đây, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đặt vấn đề: "Hiện Bộ Chính trị, Quốc hội đã có ý tưởng thực hiện 1 triệu căn nhà ở xã hội. Thủ tướng và Phó Thủ tướng đã mời 10 doanh nghiệp thực hiện 1 triệu căn nhà ở xã hội như Vingroup, Sungroup, Novaland, Nam Long,… Trong đó, TP HCM dự kiến 43.000 căn, Bình Dương 42.000 căn, Đồng Nai 10.000 căn. Thực tế, với TP HCM có 10 triệu dân với số lượng căn như thế có ít quá không? Ba địa phương này phải xem lại và tăng thêm số lượng".

Ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. (Ảnh: Người Lao Động).

Theo ông  Tuấn, cơ chế chính sách cho nhà ở xã hội hiện nay khá tốt. Về quỹ đất, chính quyền dành 20% quỹ đất rất lớn. Nhiều nơi, doanh nghiệp tự bỏ quỹ đất, tự đầu tư, giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, về vốn, công nhân, người lao động không thể mua được nhà với lãi suất 9-10% một năm, lãi suất này chỉ phục vụ cho chủ đầu tư xây nhà. Ngân hàng cho vay lãi suất 4,8-5%, công nhân, người lao động mới mua được nhà, không thì chỉ là thuê.

"Nhiều người chưa tiếp cận xin trả lại nhà vì không chịu nổi với lãi suất thương mại. Cho nên, phải có gói cho vay đối với người chưa tiếp cận nhà ở xã hội. Họ phải được ưu tiên mới giữ được nhà. Chính phủ, ngân hàng, địa phương phải có chính sách cho vay vốn ưu đãi. Đây là vấn đề vướng mắc nhất, cần phải được giải quyết", vị này nhấn mạnh.

Liên quan đến thủ tục hành chính, ông Quân cho biết, doanh nghiệp phải mất 5-10 năm mới hoàn thành dự án. Trước đây, một Sở giải quyết 3-10 ngày nhưng nay 30 ngày giải quyết chưa xong. "Chúng tôi cần một quy trình mạnh hơn. Cần có sự đột phá về thủ tục hành chính ở các địa phương lớn như Hà Nội, TP HCM,…", vị này nói.

Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành. (Ảnh: Người Lao Động).

Là một doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Lê Thành chia sẻ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, vướng mắc đầu tiên là câu chuyện điều chỉnh quy hoạch, mất rất nhiều thời gian ở khâu này. Nói về câu chuyện chính doanh nghiệp mình, ông Nghĩa cho biết phải mất 4 năm để xin điều chỉnh từ 12 tầng lên 14 tầng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dự án của công ty ông đã được tháo gỡ, tiến độ được đẩy nhanh khi được các sở, ngành thành phố vào cuộc.

Một vấn đề khác cũng được ông Nghĩa nêu ra đó là khâu chấp thuận đầu tư, xin ý kiến các sở ngành rất lâu, có khi 6 tháng không thấy trả lời. 

Liên quan đến nguồn vốn, ông Nghĩa cho hay, doanh nghiệp nghe rất nhiều về gói vay ưu đãi nhưng toàn nghe trên báo, trên ti vi chứ chưa thấy đâu. Trong khi đó, lãi suất cho vay xây dựng nhà ở xã hội là 14%, gần đây giảm còn 12%. Mức lãi vay như vậy là quá cao, không phù hợp với nhà ở xã hội. 

Về phía Bộ Xây dựng, Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, trong thời gian qua, có hành lang pháp lý để đảm bảo nguồn vốn cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận nhưng trong quá trình thực hiện thì không cân đối đủ. Thực tế, sau khi kết thúc gói 30.000 tỷ đồng thì nguồn vốn cũng có hạn chế, chỉ có ngân hàng chính sách xã hội được bố trí nhưng cũng thấp hơn so với nhu cầu.

"Nguồn vốn, các gói hỗ trợ kết thúc mà chưa có gói khác thì đứt gãy nguồn cho chủ đầu tư, người dân, việc này cũng vượt thẩm quyền của Bộ và Bộ đề xuất lên cấp cao hơn", ông Hưng nói.

Đại diện Bộ Xây dựng cho biết thêm, về cơ chế chính sách, nguồn vốn thủ tục đầu tư, nếu Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua vào kỳ họp tháng 10/2023 thì sẽ trình nghị quyết thí điểm về phát triển nhà ở cho công nhân, có hiệu lực sớm hơn luật nhà ở.

Đối với đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ đã giải trình Chính phủ và dự kiến ban hành ngay trong tháng 3/2023 để có cơ sở thực hiện. Ngoài ra, gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng từ Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sớm triển khai để tăng nguồn lực phát triển nhà ở xã hội.

Chưa rõ tiến độ triển khai gói 120.000 tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ ngày 27/3 đã có văn bản về việc thúc đẩy và tháo gỡ thị trường bất động sản theo tinh thần của Nghị quyết số 33. 

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương triển khai thực hiện Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất ưu đãi.

Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tiếp tục dành vốn tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, có khả năng tiêu thụ sản phẩm và đảm bảo kế hoạch trả nợ; nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phù hợp với thu nhập của người dân.

Trước đó, phía NHNN đã thông tin chi tiết về gói tín dụng này. Cụ thể, 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank thống nhất sẽ tham gia (mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30.000 tỷ đồng cho hai đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân). Trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô gói này có thể tăng lên.

Lãi suất cho vay gói này dự kiến sẽ thấp hơn 1,5 - 2% so với mức cho vay thông thường của các ngân hàng.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cong-nhan-nguoi-lao-dong-khong-the-mua-duoc-nha-voi-lai-suat-9-10nam-20233298175192.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/