Công nghiệp giấy và bao bì sẽ chuyển từ 'nâu sang xanh'

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã thay thế bao bì, vỏ nhựa bằng những loại vật liệu thân thiện môi trường hơn như giấy, màng sinh học hay bột gạo, ngô.

Theo báo cáo, hiện nay tốc độ tăng trưởng của ngành giấy trong nước khoảng 10%/năm; năng lực ngành giấy sản xuất khoảng 2 triệu tấn/năm, gấp gần 20 lần so với cách đây 20 năm. 

Công nghệ sản xuất giấy trong nước còn lạc hậu, máy móc sản xuất không đồng bộ gây lãng phí năng lượng và ô nhiễm môi trường.

Riêng ngành bao bì, đại diện Hiệp hội Bao bì Việt Nam (VINPAS) cho biết, hiện nay khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành, trong đó ngành bao bì nhựa có tốc độ phát triển nhanh nhất, khoảng 15%/năm.

Số liệu của Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA) cho biết 9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu giấy và sản phẩm từ giấy thu về 808,44 triệu USD, tăng 7,7% so với cùng kì năm 2018.

Năm 2019, dự kiến tổng sản lượng của ngành giấy Việt Nam ước khoảng hơn năm triệu tấn. 85% trong số đó là giấy đóng gói.

Chia sẻ tại hội thảo "Môi trường - động lực gắn kết cùng phát triển giữa ngành giấy và ngành bao bì đóng gói Việt Nam" diễn ra ngày 11/12, đại diện Hiệp hội giấy và bột giấy Việt Nam cho biết: ngành giấy và bao bì, đóng gói đang phát triển với tốc độ nhanh, ảnh hưởng đến nhiều ngành trong nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông Hoàng Trung Sơn, Phó Chủ Tịch Hiệp Hội Giấy Và Bột Giấy Việt Nam với việc kí kết các hiệp định thương mại tự do như CPTPP và EVFTA, ngành giấy bao bì được đánh giá sẽ có những cơ hội phát triển lớn, đặc biệt là sự tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường.

Tuy nhiên, ngành giấy Việt Nam vẫn đang đối mặt nhiều thách thức về cạnh tranh thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa, nguyên liệu giấy thu hồi vẫn chủ yếu phụ thuộc nguồn nhập khẩu. 

671126892cb1d5ef8ca0

Các chuyên gia tại hội thảo "Môi trường - động lực gắn kết cùng phát triển giữa ngành giấy và ngành bao bì đóng gói Việt Nam". Ảnh: NH.

Ngoài ra để hướng tới sự phát triển bền vững ngành giấy, bao bì cần phải giảm thiểu những tác động tiêu cực lên môi trường, bởi trên thực tế, nhiều nhà máy giấy tại Việt Nam từng đứng trước thách thức lớn về môi trường, kể cả những nhà máy có qui mô lớn. 

Theo đó, nhiều doanh nghiệp đang tập trung phát triển các giải pháp đóng gói riêng để có thể tái sử dụng. Việc phát triển các bao bì "xanh" không những mang lại hiệu quả về mặt sinh thái môi trường, hạn chế ô nhiễm mà còn góp phần giúp thương hiệu của các doanh nghiệp trở nên tốt hơn đối với người tiêu dùng.

Bên cạnh hoạt động sản xuất thì vấn đề xử lí thải được Lee & Man theo dõi sát sao mỗi ngày, mỗi giờ, thậm chí mỗi giây. 

Đến nay, hệ thống xử lí thải tại nhà máy gần như đã hoàn thiện và doanh nghiệp cũng đang đầu tư thêm để nâng cao chất lượng trong công tác xử lí thải của hệ thống. Thậm chí, có những chỉ tiêu đã vượt xa yêu cầu đến 50 lần, đại diện Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam cho hay.

Xuất phát từ xu hướng ấy, triển lãm chuyên ngành giấy (Paper Vietnam 2020) và Triển lãm quốc tế ngành đóng gói, in ấn, bao bì, nhãn (Packaging Print & Label Vietnam 2020), diễn ra từ ngày 17 - 19/6/2020 tại TP HCM được nhiều doanh nghiệp trong ngành quan tâm. 

Triển lãm không chỉ là cơ hội giao thương thuận lợi cho doanh nghiệp với khoảng 150 doanh nghiệp trưng bày thiết bị, công nghệ trong ngành in ấn, bao bì, đóng gói và dán nhãn mà quan trọng hơn còn là nơi giúp ngành hàng cập nhật tình hình hiện trạng tái chế bao bì tại Việt Nam, tiềm năng và xu thế phát triển cũng như xu hướng phát triển của ngành giấy và bột giấy, bao bì trong thời gian tới. 

Ngoài ra, theo các chuyên gia cùng với sự bùng nổ của Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành nhựa và bao bì sẽ ngày càng phát triển cả về qui mô và công nghệ. 

Đặc biệt với thực tế hiện nay, nhiều nhãn hàng đã thay thế bao bì, vỏ nhựa bằng những loại vật liệu thân thiện môi trường hơn như giấy, màng sinh học hay bột gạo, ngô... Đây được coi là xu hướng văn minh và cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp chế tạo các loại vật liệu mới, thân thiện môi trường.

Công nghệ "bao bì xanh" sẽ giúp tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, giảm phát thải sẽ lên ngôi, gắn với xu hướng thay đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu sang xanh" và mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và môi trường sống.

Trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông về giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ trái đất, ngành nhựa và bao bì Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Nếu không có sự thay đổi thì rất khó nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng và xã hội.

Đường dẫn bài viết: https://vietnambiz.vn/cong-nghiep-giay-va-bao-bi-se-chuyen-tu-nau-sang-xanh-20191211211910201.htm

In bài biết

Bản quyền thuộc https://vietnambiz.vn/